Thưa Bộ trưởng Tài chính, phụ huynh không có quyền chọn sách giáo khoa

09/06/2022 06:38
Ly Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, phụ huynh làm sao "lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua".

Ngày 8/6/2022, trả lời chất vấn đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) về vấn đề liên quan giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết:

“Sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là các nhà nhà xuất bản. Tinh thần là minh bạch, công khai, phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua. Nhà nước chỉ có thẩm định giá với sách giáo khoa hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách Nhà nước".

Tuy vậy, người viết cho rằng, phụ huynh không có quyền chọn sách giáo khoa thì làm sao có thể lựa chọn "cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua" như Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn.

Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Thứ nhất, về hành lang pháp lí, Điều 32 Luật Giáo dục 2019 quy định sách giáo khoa giáo dục phổ thông như sau (trích): "Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo". [1]

Bên cạnh đó, Điều 4 Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa như sau:

1. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (sau đây gọi chung là Hội đồng) do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh) thành lập, giúp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

2. Mỗi môn học của một cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng, số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 (mười lăm) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng:

a) Lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này và các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định;

b) Đề xuất danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh;

c) Báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Như vậy, việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chứ không phải do phụ huynh quyết định.

Thứ hai, về vấn đề lựa chọn sách giáo khoa thực tế có rất nhiều lo ngại về tính minh bạch, khách quan trong chọn sách giáo khoa.

Chính tại phiên thảo luận về chương trình giám sát năm 2023, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) sau khi nêu vấn đề về vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lựa chọn sách giáo khoa làm sao đảm bảo minh bạch, khách quan, công khai. Đại biểu Thúy còn nêu: "Thậm chí có câu hỏi: Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không? Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết".

Hay bài "Giáo viên Đắk Lắk tố chọn sách giáo khoa bị ‘làm luật’, 'bình mới rượu cũ'", ngày 4/5/2022 trên Báo Tiền Phong phản ánh:

"Đắk Lắk đang chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt quyết định thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh năm học 2022-2023. Cũng trong thời gian này xuất hiện đơn thư tố cáo việc chọn sách giáo khoa năm học trước không khách quan, giáo viên bị ép, có việc “làm luật” để chọn sách của một nhà xuất bản.

Chưa kể, nếu Sở, Phòng, Trường "tiếp thị" sách thì phụ huynh nào dám từ chối mua?

Điều đó cho thấy, phụ huynh rất khó có cơ hội để chọn sách giáo khoa "cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua" như Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn Đại biểu.

Thứ ba, nhiều phụ huynh cho biết, ngoài việc mua sách giáo khoa theo giá bìa, họ còn phải mua sách bài tập, sách tham khảo, các tài liệu, thiết bị học tập đi kèm nên giá của mỗi bộ sách đội lên gấp nhiều lần so với thực tế.

Ngày 8/6/2022, tại Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, tham gia trả lời thêm về việc phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý giá sách giáo khoa tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó, có nêu rõ “giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào”.

Tuy vậy, việc nhà trường ép buộc, vận động học sinh, phụ huynh học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo đang là vấn đề gây bức xúc dư luận.

Ngày 8/6/2022, một phụ huynh có con đang học bậc tiểu học ở quận Tân phú, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ việc nhà trường ép mua sách giáo khoa kèm tài liệu học tập.

Vị phụ huynh này cho biết, phải mua bộ sách lớp 2 (Chân trời sáng tạo) kèm các tài liệu khác tổng cộng 768.000 đồng. Tương tự, bộ sách lớp 5 hiện hành kèm tài liệu tham khảo là 621.000 đồng.

"Nhà trường không bán lẻ, chỉ bán nguyên bộ sách giáo khoa kèm các tài liệu, thiết bị... Họ cũng chỉ thông báo qua tin nhắn Zalo cho phụ huynh mà không có bất cứ văn bản nào. Đa phần phụ huynh cũng vì con, kể cả việc sợ con bị ảnh hưởng nên nhiều người cắn răng mua cả bộ mà trong đó có nhiều thứ không dùng đến hoặc dùng rất ít gây lãng phí", phụ huynh ấm ức nói.

Ngoài sách giáo khoa, phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh phải mua kèm sách bài tập, sách tham khảo, thiết bị học tập. (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Ngoài sách giáo khoa, phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh phải mua kèm sách bài tập, sách tham khảo, thiết bị học tập. (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Cùng với đó, giá các bộ sách giáo khoa cũng không chênh nhau bao nhiêu nên phụ huynh cũng khó chọn chỗ tốt, rẻ để mua.

Chẳng hạn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022, trong đó, sách giáo khoa lớp 2, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" có giá 186.000 đồng/bộ. Còn bộ sách "Chân trời sáng tạo" có giá thấp hơn một chút là 179.000 đồng/bộ.

Hay, sách giáo khoa lớp 6, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" có giá 245.000 đồng/bộ. Còn bộ sách "Chân trời sáng tạo" có giá 234.000 đồng/bộ. [4]

Vì thế, mong rằng Bộ trưởng Tài chính phối hợp cùng Bộ Giáo dục báo cáo Chính phủ, Quốc hội sớm có giải pháp căn cơ, lâu dài bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá và có chính sách trợ giá để giảm áp lực cho các gia đình khó khăn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-25-2020-TT-BGDDT-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-429883.aspx?v=d

[3] https://tienphong.vn/giao-vien-dak-lak-to-chon-sach-giao-khoa-bi-lam-luat-binh-moi-ruou-cu-post1435510.tpo

[4] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/gia-sgk-lop-2-lop-6-tang-hon-3-lan-sgk-hien-hanh-tu-310000-den-410000-dong-bo-20210408152457659.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ly Ly