Thưa Bộ trưởng Sơn, các mẫu giáo án, kế hoạch 5512 là hình thức cần bỏ hẳn

29/06/2021 14:03
Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Phụ lục IV là hình thức, đã và đang gây ra áp lực, phản ứng của giáo viên không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học.

Tới thăm cán bộ, công chức, viên chức Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ: “Tôi mong rằng mỗi cán bộ quản lý chung quyết tâm, chung tinh thần, tận dụng các điều kiện để hoàn thành tốt đổi mới giáo dục phổ thông.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, thực thi cho một tinh thần lớn, đó là coi trọng thực tế, thực tiễn và thực chất.

Toàn ngành đang cùng nhau quán triệt trong các hoạt động dạy và học những gì là hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học thì kiên quyết sàng lọc, loại bỏ, để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất; tạo sức sống mới, tinh thần mới trong giáo dục”.[1]

Tinh thần coi trọng thực tế, thực tiễn và thực chất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã được giáo viên nói riêng, xã hội nói chung ủng hộ nhiệt liệt.

Nhóm kín "Chợ giáo án - giáo trình - tài liệu cho giáo viên" trên facebook. Ảnh chụp màn hình.

Nhóm kín "Chợ giáo án - giáo trình - tài liệu cho giáo viên" trên facebook. Ảnh chụp màn hình.

"Thưa Bộ trưởng Sơn, giáo án 5512 là hình thức"

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã nhận được ý kiến trái chiều của dư luận, đặc biệt là phần Khung Kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV.

Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết phản biện của các thầy cô giáo đang dạy học trực tiếp về Giáo án mẫu theo Công văn 5512, nhiều diễn đàn giáo dục trên các cơ quan ngôn luận khác cũng cho rằng Khung Kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mang nặng tính hình thức.

Báo Lao động viết “Giáo án mẫu theo Công văn 5512: Vì sao giáo viên rối bời?”, “Sôi động "chợ" giáo án theo Công văn 5512 của Bộ GDĐT”...

Báo điện tử VOV2 viết “Kế hoạch bài dạy (hay còn gọi là giáo án) theo mẫu tại Phụ lục IV của công văn 5512/BGDĐT-GDTrH cho một tiết dạy, một chủ đề có độ dài từ 8 đến 15 trang trở lên thực sự trở thành áp lực, cho giáo viên và chỉ mang tính hình thức.

Đặc biệt, việc soạn giáo án theo công văn này được cho là đang tạo ra nhu cầu mua bán giáo án nhằm đối phó với việc thanh kiểm tra. Chưa kể sự phí phạm khi mỗi giáo viên phải in cả ngàn trang giáo án”.[2]

Bất cứ giáo viên nào khi đọc Khung Kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thấy rõ tính hình thức trong đó.

Hoạt động nào trong Khung Kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đều phải nêu đầy đủ: Mục tiêu, Nội dung, Sản phẩm, Tổ chức thực hiện (Bạn đọc có thể theo dõi Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH tại đây).

Chính việc nhắc đi, nhắc lại, phải nêu rõ, mô tả rõ, các kiến thức, kĩ năng, phẩm chất, năng lực cần phải đạt; tiến trình tổ chức thực hiện, sản phẩm cần phải đạt... đã làm cho Kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH trở nên dài dòng, vô bổ, mang nặng tính hình thức, dài hàng chục trang cho 1 tiết dạy hay một chủ đề đó là thực tế, thực tiễn và thực chất.

Sau khi “Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học giải thích mẫu giáo án 5512 và "thư công tác"” giáo viên càng hoang mang.

Khi thực tế chỉ riêng Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã dài 4 trang, vậy mà “Như vậy, "kịch bản" tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn. Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2-3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh”.[3]

Chính vì thế mới có chuyện “Nếu phải đứng lớp và soạn giáo án theo mẫu 5512 Vụ trưởng Thành đã không nói thế”, “Giáo viên phản biện Vụ trưởng Thành: giáo án mẫu 5512 cần bỏ, đừng cố đấm ăn xôi”...

Phần lớn bình luận của giáo viên trong các bài phản biện về Kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đều mong muốn Vụ trưởng Thành cho giáo viên xem một giáo án mẫu “khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang”, giáo viên chúng tôi khẳng định đó là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH nói chung, Kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV nói riêng đã gây áp lực không cần thiết lên giáo viên.

Vì thế khi Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ra đời, bài viết “Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH như cơn mưa xóa tan "nắng hạn" mẫu giáo án 5512” đã nhận được gần 1 triệu lượt đọc, cũng là con số gần 1 triệu giáo viên phổ thông trên cả nước.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH được giáo viên quan tâm đến thế. Sự quan tâm của giáo viên với Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã phản ánh chân thực áp lực của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH lên nhà giáo.

Hay nói cách khác Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Phụ lục IV, không có tác dụng nâng cao hay phát triển giáo dục!

Sự ra đời Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH đã ghi nhận sự lắng nghe, cầu thị của Bộ trưởng Sơn từ thực tế, tiếc thay bộ phận tham mưu của Bộ trưởng “Vụ trưởng Thành vẫn bảo vệ Công văn 5512, mẫu giáo án vẫn tồn tại theo lộ trình?”.

Thưa Bộ trưởng, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Phụ lục IV là hình thức, đã và đang gây ra áp lực, phản ứng của giáo viên, không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học dù đã trở thành “tài liệu tham khảo” theo Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH.

Thế nhưng, nó vẫn đang là hòn đá tảng, lực cản vô hình, ngăn cản sự sáng tạo của giáo viên. Để hoàn thành bài thu hoạch mô-đun 4, giáo viên vẫn phải thực hiện hiện theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Phụ lục IV.

Coi trọng thực tế, thực tiễn và thực chất, những gì là hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học thì kiên quyết sàng lọc, loại bỏ, để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất; tạo sức sống mới, tinh thần mới trong giáo dục.

Người viết mong muốn Bộ trưởng Sơn hãy xóa hẳn Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, có như thế nó không còn gây phiền phức cho giáo viên trong dạy và học 9 mô-đun bồi dưỡng Chương trình 2018.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-giao-duc-loai-bo-nhung-gi-hinh-thuc-de-huong-toi-giao-duc-thuc-chat-post218910.gd

[2] https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/cong-van-2613-thao-bo-ganh-nang-cho-hon-1-trieu-giao-vien-27008.vov2

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hồng Nhung