Thưa Bộ, giáo viên lấy tiền đâu ra để học chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp?

06/08/2021 06:59
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc quy định "mở" như thế này, ai dám chắc sẽ không có giáo viên nào buộc phải bỏ tiền túi ra để học để có chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp.

Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra 02 quyết định số 2454/QĐ-BGDĐ và quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên; Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở môn Lịch sử và Địa lý. Phần kinh phí bồi dưỡng, 02 quyết định này viết:

Giáo viên học bồi dưỡng chương trình mới (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Giáo viên học bồi dưỡng chương trình mới (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

- Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương.

- Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng.

- Do người học tự đóng góp.

Trước thông tin trên, rất có thể những thầy cô đi học bồi dưỡng chương trình 2 môn tích hợp phải bỏ tiền túi ra học đã làm cho nhiều thầy cô giáo lo lắng, bất bình và chán nản.

Lo lắng vì không biết sẽ lấy đâu ra khoản tiền không hề nhỏ từ 3 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng để đi học. Rồi còn tiền ăn ở, đi lại, lấy được cái chứng chỉ biết đâu lại mất gần chục triệu đồng như bao lần đã từng đi học các loại chứng chỉ.

Bất bình vì cứ học hết chứng chỉ này, bãi bỏ lại sinh ra chứng chỉ khác. Mỗi lần học mất không ít tiền trong khi đời sống giáo viên đang khá khó khăn.

Tôi mất vài chục triệu học chứng chỉ rồi, giờ mất thêm tiền chắc tôi sẽ bỏ nghề mất

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) một giáo viên bậc trung học cơ sở tại một tỉnh Tây Nguyên. Thầy H. kể rằng thầy và nhiều thầy cô giáo nơi đây đi học chứng chỉ tin học và ngoại ngữ từ những ngày đầu có quy định.

Thời ấy, muốn học phải xuống phố mà các thầy cô cắm bản cách phố vài trăm cây số. Cứ hè đến là dắt díu nhau xuống thuê nhà trọ, tiền đi lại, ăn ở và chi tiêu khi lấy được chứng chỉ phải mất hơn chục triệu đồng/chứng chỉ.

Thế là, dạy cả năm tiết kiệm chi tiêu cũng không thể đủ tiền đi học. Người vay ngân hàng, người đành vay nóng. Và, lãi mẹ đẻ lãi con nên quanh năm trở thành con nợ.

Có 2 chứng chỉ lận lưng ngỡ đã yên ổn với nghề thì gần đây phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Do quy định không rõ ràng nên mỗi người hiểu mỗi khác và nhiều thầy cô giáo lại học sai hạng, dẫn đến việc một số thầy cô dù đã có tới 2 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng thực tế vẫn như chưa có cái chứng chỉ nào.

Thầy giáo N. (đề nghị không nêu tên) giáo viên dạy một trường trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, ra trường suốt 7 năm nhưng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng với đồng lương khiêm tốn hơn 4 triệu đồng 1 tháng.

Trong 7 năm đó, thầy đã mất mấy chục triệu đồng cho việc lấy bằng đại học để đạt chuẩn theo quy định mới, mất vài chục triệu đồng cho việc lấy các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, 3 cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Thầy N. nói, tiền lương từ ngày đi dạy đến nay, chẳng dư nổi một đồng mà còn vây nợ đến nay trả vẫn chưa xong. Nếu nay lại tiếp tục phải bỏ tiền ra học thêm cái chứng chỉ tích hợp trong chương trình mới sẽ không thể gồng nổi nên có thể sẽ xin nghỉ việc để kiếm một công việc đỡ áp lực hơn.

Bộ cần bỏ quy định "kinh phí bồi dưỡng do người học tự đóng góp"

Triển khai chương trình mới là mục tiêu lớn của ngành giáo dục sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, các điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới.

Sẽ thật hoàn hảo nếu 4 năm về trước, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã chuẩn bị một lực lượng giáo viên dạy tích hợp. Sau khi triển khai chương trình, giáo viên sẽ có đủ trình độ, kỹ năng để đảm nhiệm tốt công việc.

Đội ngũ giáo viên cũ ở trường sẽ được bố trí giảng dạy các khối lớp chưa triển khai chương trình mới.

Các giáo viên khác cũng sẽ tiếp cận, học hỏi thêm dần bằng việc tự học, học trong sinh hoạt chuyên môn, học đồng nghiệp để tiếp cận nhanh với yêu cầu của chương trình mới.

Cùng với đó, sau mỗi kỳ nghỉ hè giáo viên sẽ được bồi dưỡng tập trung ngắn hạn mà kinh phí cho các báo cáo viên sẽ do ngành giáo dục chi trả mới là hợp lý.

Thế nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quy định về kinh phí bồi dưỡng giáo viên từ 3 nguồn:

- Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương.

- Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng.

- Do người học tự đóng góp.

Việc quy định không rõ ràng như thế này, chắc chắn sẽ có nhiều giáo viên phải bỏ tiền túi ra để học chứng chỉ cho "đủ điều kiện tối thiểu" như 2 quyết định nêu trên của Bộ quy định.

Nếu thế, gánh nặng về tài chính lại đè nặng trên vai những nhà giáo khốn khổ. Khi cuộc sống thường nhật vẫn còn bao lo toan, khi cái ăn cái mặc hằng ngày vẫn còn là sự bận tâm của nhiều nhà giáo, khi đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến việc lấy tiền đâu đi học? Hay như đi học về biết lấy tiền đâu để trả…thì làm gì còn tâm trí nào dành cho việc dạy?

Từ thực tế trên, chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục cần bỏ ngay quy định kinh phí do người học tự đóng góp để an lòng đội ngũ nhà giáo, dịch bệnh đã khó khăn, xin đừng để giáo viên chúng tôi phải chắt bóp nuôi các trường dạy chứng chỉ 02 môn tích hợp nữa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết