Thưa Bộ Giáo dục, là giáo viên tiểu học tôi thấy chương trình mới lớp 1 quá nặng

02/10/2020 09:26
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình mới kiểu này nếu các em không đi học trước hoặc không đi học thêm sẽ rất khó để theo kịp.

Là giáo viên đang giảng dạy tại một trường tiểu học, thường xuyên tiếp xúc với phụ huynh và đồng nghiệp ở trường cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, chủ đề mà chúng tôi luôn bàn luận hiện nay luôn xoay quanh chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới.

Chắc chắn những chia sẻ mà tôi ghi lại sau đây sẽ không thể hoặc khó có cơ hội xuất hiện trong các bảng báo cáo chuyên môn ở trường học, trong các phiếu đánh giá góp ý về chương trình, trong các buổi hội thảo sơ và tổng kết chuyên môn của ngành.

Lý do khá đơn giản, giáo viên không dám nói thật những nhận xét của mình vì rất dễ bị quy chụp là chưa biết vận dụng tốt phương pháp dạy học tích cực vào bài dạy, chưa chịu nghiên cứu, học hỏi phương pháp giảng dạy mới, là chuyên môn của thầy cô giáo ấy có vấn đề…vân vân và vân vân.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Thùy Linh.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Thùy Linh.

Còn nhà trường cũng không dám báo cáo thật những tồn tại khi triển khai chương trình mới cũng vì sợ bị quy chụp chỉ đạo chuyên môn chưa sâu sát, chỉ đạo chưa đúng tinh thần đổi mới giáo dục, là năng lực của Ban giám hiệu có vấn đề cần xem lại.

Theo tôi vì thế nên mới có chuyện học trò lớp 1 năm nay cùng thầy cô, cha mẹ đang ngày ngày đánh vật với bài vở, năm học mới đã dạy gần 4 tuần nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào từ cơ sở cho rằng chương trình mới quá nặng.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời phóng viên Báo Tuổi Trẻ: “Trong tháng 9 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đoàn kiểm tra đến các trường tiểu học gồm 4 địa phương khu vực đô thị vùng đồng bằng Tây Nguyên không thấy có phản ánh nào như vậy”.

Không nghe phản ánh gì, không có nghĩa là chương trình không nặng. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ nhất chuyện này. Bởi thế, chúng tôi sẽ góp thêm tiếng nói trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hy vọng góp phần chuyển tải những nhận xét của phụ huynh, của đồng nghiệp giúp bạn đọc có cái nhìn thực tế hơn.

Để thực hiện bài viết này, tôi đã đồng ý với một số phụ huynh có con đang theo học lớp 1 và nhiều đồng nghiệp đang giảng dạy lớp 1 xin được giấu danh tính của họ.

Phụ huynh nói gì về chương trình, sách giáo khoa lớp 1

Vào học được một tuần là chị Lan, một phụ huynh có con học lớp 1 tại Bình Thuận lại tất tả đi tìm giáo viên để dạy kèm cho cậu con trai của mình.

Chị Lan cho biết: “Tuần vừa rồi, cứ tối đến là hai vợ chồng đánh vật với con, hết đọc đến viết. Vậy mà sáng hôm sau đi học vẫn thường xuyên bị cô giáo gọi nhắc nhở cháu đọc bài không được, gia đình về kèm cho cháu thêm”.

Rồi chị cho biết, cô giáo của con không dạy thêm nên chị phải vất vả đi tìm người dạy cho con, không muốn con bị mặc cảm với bạn bè vì học chậm.

Chị Hoa cũng có con vào lớp 1 năm nay nói rằng, sách giáo khoa cũ tôi còn dạy được cháu nhưng sách năm nay nhìn đã thấy rối mắt. Đang học âm chuyển sang học vần, rồi đọc câu dài, luyện nói theo tranh bằng những câu nghe ngô nghê thế nào nên rất khó thuộc.

Ví dụ bài mới bài 12, bé vừa làm quen với âm "g" và âm "h" đã qua phần Tập đọc phải ghép thành câu như: "Hà ho, bà ạ"; "Để bà bế bé Lê đã."; "A, ba! Ba bế bé Hà! Ba bế cả Hà, cả bé Lê."

Chị Hoa nói: “Con thuộc được 2 âm đã là tốt nhưng bắt đọc thuộc đến 4 câu trong bài tập đọc quả chẳng dễ đối với những em không đi học thêm tuổi mẫu giáo”.

Đến bài 22 bé phải đọc trơn một bài tập đọc 6 câu dài. Yêu cầu này ở chương trình cũ phải đến cuối năm học.

Vì thế, hôm nào dạy con mẹ cũng la hét đến khàn giọng, còn con thì nước mắt lưng tròng, vừa mếu máo vừa đọc nhìn mà thấy xót xa.

Chị Mai cũng bày tỏ chuyện con mình chỉ vừa bước sang tuổi thứ 6, cái tuổi vừa học vừa chơi nhưng con học suốt ngày trên trường tối đến ăn vội miếng cơm là vào ngay bàn học. Đọc, viết đến 9, 10 giờ đêm mới xong. Vậy mà ngày mai lên lớp con vẫn không thể tiếp thu bài theo yêu cầu.

Giáo viên lớp 1 than trời

Cô giáo M.Y. người có kinh nghiệm gần 30 chuyên dạy lớp 1 khẳng định một cách chắc chắn: “Nếu so với chương trình hiện hành thì chương trình mới nặng hơn rất nhiều”.

Rồi cô cho biết: “Chương trình cũ trước đây được đánh giá là nặng so với học sinh vừa qua tuổi mẫu giáo, nhưng chương trình mới không chỉ nặng hơn chương trình cũ còn rất khó dạy”.

Mỗi ngày cũng học 2 âm nhưng chương trình hiện hành học âm xong mới đến học vần rồi ráp từ, thành câu ngắn, đơn giản. Cuối năm, học sinh chỉ đọc hiểu một bài tập đọc ngắn dăm câu là đạt yêu cầu.

Chương trình mới cũng học 2 âm mỗi ngày nhưng học âm và học vần đan xen nhau. Học sinh chưa thuộc âm đã phải nhớ sang vần để ghép tiếng, ghép từ và đọc câu. Thế nên, đa phần học sinh lẫn lộn âm và vần nên không thể đọc được câu”.

Cô M.N. tổ trưởng chuyên môn khối 1 cũng nói rằng khi chọn sách giáo khoa, giáo viên đã cố gắng tìm bộ sách có kiến thức nhẹ nhất. Vậy mà, khi vào dạy vẫn thấy kiến thức nặng hơn chương trình cũ nhiều.

Do chương trình dạy quá nhanh nên đa phần học sinh không đi học thêm trước sẽ rất khó theo kịp.

Chỉ đến giữa học kỳ 1 các em phải đọc bài tập đọc của học sinh lớp 2 với hơn 50 tiếng quả là vô cùng áp lực. Đến hết học kỳ 1, nội dung đọc thường là câu chuyện ngụ ngôn của các nước.

Cô M.N. cho biết lợi thế là trường học dạy 2 buổi/ngày, một tuần các em được học tới hơn 20 tiết tiếng Việt (đến trường là học miệt mài cho đến khi ra về) nhưng nhiều em vẫn tiếp thu chậm trừ một số học sinh đã đi học trước thời gian hè.

Nói rồi cô M.N. khẳng định chương trình mới kiểu này nếu các em không đi học trước hoặc không đi học thêm sẽ rất khó để theo kịp.

Phan Tuyết