Thứ trưởng Bộ Y tế: thời gian này cho học sinh đi học lại là hợp lý

20/01/2022 06:25
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội gần như đã trở lại bình thường, không có lý do gì học sinh phải học trực tuyến.

Lợi ích của việc trẻ được đến trường lớn hơn nhiều so với trẻ ở nhà

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục ngày 19/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, tỉ lệ tiêm vaccine cho người lớn và trẻ em từ 12 đến 17 tuổi của Việt Nam ở mức cao, đạt miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh cũng được nâng cao. Trong hơn hai năm chống Covid-19, Việt Nam cũng đạt được thành tựu, kinh nghiệm nhất định, có thể đảm bảo an toàn khi các trường học mở cửa trở lại.

Đối với nhóm tuổi thanh thiếu niên thông qua những đợt dịch bùng phát, các em cũng được trang bị kiến thức phòng chống dịch Covid-19 khi tham gia vào những hoạt động cộng đồng hoặc trong môi trường học tập.

Với trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi chưa được tiêm vaccine, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tăng cường truyền thông để phụ huynh an tâm cho con trở lại trường. Bởi lẽ, lợi ích của việc trẻ được đến trường lớn hơn nhiều so với cho trẻ ở nhà.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo thông tin từ Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở nhóm từ 0 đến 17 tuổi chỉ chiếm rất nhỏ, khoảng 0,42%, trong khi con số này ở độ tuổi từ 18 đến 49 là trên 15%.

"Tôi nghĩ thời gian này cho học sinh đi học là hợp lý. Trong khi các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội gần như trở lại bình thường, tôi thấy nhiều em theo bố mẹ đi chơi, đi ăn tại quán ăn, nhà hàng thì không có lý do gì để học sinh phải học trực tuyến.

Về phía Bộ Y tế, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể ban hành những thông báo, những nội dung liên quan đến công tác tổ chức đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương sẵn sàng trao đổi, có hướng dẫn với các vấn đề nảy sinh khi đưa hoạt động dạy và học trở lại trực tiếp”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Để đảm bảo phòng dịch khi học sinh trở lại trường, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng các kịch bản phòng chống dịch trong trường học một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương.

Cần xây dựng 5K thành “văn hóa phòng ngừa Covid-19”

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng để có thể đưa trẻ trở lại trường học phải quan tâm đặc biệt đến 4 yếu tố đó là: tiếp tục bao phủ vaccine, đặc biệt vaccine cho trẻ em đến tuổi đi học (từ 5 tuổi trở lên); xây dựng giải pháp phòng ngừa không đặc hiệu thành văn hóa trong cộng đồng, ở gia đình và trong nhà trường; nêu cao trách nhiệm của gia đình, cha mẹ quan tâm chăm sóc trẻ thường xuyên; phối hợp giữa ngành Giáo dục và Y tế trong ứng phó linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 ở nhà trường.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Nếu học sinh có các triệu chứng mắc Covid-19 ở trường, giáo viên hoặc nhân viên nhà trường phải nhanh chóng phối hợp với y tế địa phương. Trong trường hợp bạn cùng lớp hoặc giáo viên có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hãy theo dõi các triệu chứng của trẻ và thực hiện những khuyến cáo tự cách ly.

Trẻ bị béo phì, hen suyễn, tiểu đường và các bệnh nền khác vẫn có thể đến trường nhưng phải căn cứ vào tình trạng bệnh hiện tại của trẻ, tình trạng tiêm chủng, các biện pháp an toàn ở trường và tình hình dịch Covid-19 tại nơi sinh sống.

Ngoài ra, cần xây dựng 5K thành “văn hóa phòng ngừa Covid-19”, lan tỏa và áp dụng 5K vào nhà trường. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng của tiêm vaccine phòng Covid-19 có thể giúp bảo vệ trẻ tránh mắc loại virus này".

Cũng theo Phó Giáo sư Trần Minh Điển, học sinh quay lại trường học cần bảo đảm tất cả các thành viên đủ điều kiện trong gia đình đều được tiêm chủng đầy đủ. Phụ huynh phải nắm được các thông tin cụ thể về quy định ứng phó với Covid-19 tại trường học của con em mình và chuẩn bị tâm lý, hướng dẫn dự phòng 5K cẩn thận khi cho trẻ đi học. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho, không nên cho các con đến trường, trường hợp đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, cần giữ trẻ ở nhà và tự cách ly theo khuyến cáo của y tế địa phương.

Thông tin tại Hội nghị về tình hình tiêm vaccine cho trẻ em, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo số liệu thống kê cập nhật trên hệ thống đến ngày 15/1/2022, số học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine mũi 1: 6.500.033/7.213.883 (đạt 90,10%); mũi 2: 5.211.874/7.213.883 (đạt 72,24%).

Bên cạnh đó, số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 là 1.225.688 cán bộ giáo viên/1.494.618 cán bộ giáo viên (đạt 82%); mũi 3 là 422.519/1.494.618 (đạt 28,2%).

Ngọc Ánh