Thu nhập tăng thêm cho giáo viên, trường chi rủng rỉnh, trường không đồng nào

25/01/2021 06:44
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng một huyện, thị với nhau, cùng một cấp học nhưng có trường giáo viên được chia 5-7 triệu đồng nhưng lại có trường chẳng có đồng nào.

Cuối năm, giáo viên các trường học công lập lại nhỏ to về chuyện thu nhập tăng thêm của trường mình, trường bạn. Cùng một huyện, thị với nhau, cùng một cấp học nhưng có trường giáo viên được chia 5-7 triệu đồng, thậm chí có trường được hàng chục triệu đồng nhưng lại có trường chẳng có đồng nào.

Trường được chia nhiều, hiệu trưởng sẽ nói với giáo viên là trường mình năm nay tiết kiệm được kinh phí, trường không có thu nhập tăng thêm thì hiệu trưởng sẽ nói là năm nay trường mình khó khăn, không còn tiền chia cho anh em trong đơn vị.

Giáo viên, nhân viên trong trường nghe hiệu trưởng nói vậy thì biết vậy chứ biết thắc mắc với ai. Bởi, chuyện thu-chi, mua sắm là chuyện của hiệu trưởng và kế toán nhà trường, ngay cả phó hiệu trưởng cũng không biết thì làm sao giáo viên biết được.

Câu chuyện "thưởng Tết" được giáo viên bàn luận nhiều nhất vào dịp cuối năm (Ảnh minh họa: TTXVN)
Câu chuyện "thưởng Tết" được giáo viên bàn luận nhiều nhất vào dịp cuối năm
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Một năm kinh tế khó khăn…

Năm 2020 là năm mà cả nước phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nên kinh phí các trường học ở nhiều nơi phải bớt lại để chung tay cùng các cấp chính quyền của địa phương lo phòng chống dịch bệnh.

Khó khăn là khó khăn chung của cả nước nên trường học cũng không nằm ngoài quy luật này. Chính vì thế, các đơn vị trường học được phép chi thu nhập tăng thêm vào dịp cuối năm đều bị ảnh hưởng, đa phần là thấp hơn các năm trước.

Thôi thì, ít hay nhiều mà có một chút gọi là thu nhập tăng thêm, mà mọi người hay gọi nôm na là thưởng Tết thì giáo viên cũng cảm thấy ấm lòng.

Cho dù có trường, giáo viên được chi 5-7 trăm ngàn đồng, có trường được chi 1-2 triệu đồng cho giáo viên như vậy cũng đã là cao rồi vì nhiều trường còn không có để mà chi.

Hiện nay, cách chi thu nhập tăng thêm cũng rất khác nhau, có trường chi thu nhập tăng thêm theo danh hiệu thi đua, ai được danh hiệu thi đua cao thì được hưởng hơn một chút.

Có trường lại thống nhất chi đều cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường bởi theo nhiều người ý kiến thì những giáo viên được thành tích cao đã được thưởng rồi. Tiền đơn vị tiết kiệm được là tiền của chung đơn vị nên mọi người được hưởng đồng đều.

Chia cách nào cũng được, bởi cách nào cũng đúng và giáo viên đều vui vẻ vì Tết có thêm một chút kinh phí để cho tiêu cho gia đình.

Thế nhưng, có nhiều trường học “không dư tiền cuối năm” đã trở thành truyền thống bởi khi bước sang năm mới (dương lịch) thì kế toán nhà trường công khai kinh phí hoạt động báo là kinh phí vừa đủ, không thừa, không thiếu.

Trong mớ bòng bong con số được kế toán đọc một hồi rồi nói tổng thì giáo viên nghe cũng chỉ biết vậy chứ làm sao hiểu được nó cụ thể như thế nào. Nhưng, khi nghe nói kinh phí không dư thường khiến cho giáo viên trong trường hẫng hụt nhiều hơn.

Dù sao, cũng là giáo viên với nhau, cùng một cấp học trong một huyện mà trường này năm nào cũng được chi thu nhập tăng thêm, trường mình năm nào cũng không có dễ khiến giáo viên so sánh, dị nghị.

Tâm và tài của hiệu trưởng và kế toán nhà trường

Một số văn bản hiện hành cho phép đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có trường học) được quyền tự chủ tài chính, nên nhiều trường cố gắng chi tiêu tiết kiệm để có được khoản kết dư cuối năm.

Điều này có nghĩa là các trường học công lập tiết kiệm được từ nguồn kinh phí cấp về thì cuối năm sẽ chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Trong quá trình thực hiện thì cũng có địa phương cho chi khoản tiền nếu tiết kiệm được và cũng có địa phương không cho chi.

Tuy nhiên, các trường học ở các tỉnh phía Nam đa số được chi khoản tiền này, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh thì giáo viên nhiều trường học luôn có một khoản thu nhập tăng thêm khá cao vào dịp cuối năm.

Thực ra, một khi kinh phí cấp trên cấp về hàng năm thì dù có cho nhà trường chi thu nhập tăng thêm hay không cho nhà trường chi khoản này thì cuối năm vẫn hết gọn kinh phí- đó là điều mà chúng ta thường thấy.

Bởi, chẳng có ai dại gì mà đem tiền đã được khoán đầu năm trả lại cho nhà nước khi đơn vị tiêu không hết.

Chính vì thế, để có khoản thu nhập tăng thêm thì đương nhiên giáo viên, nhân viên trong nhà trường rất trông chờ vào tài năng, đức độ của hiệu trưởng và kế toán nhà trường.

Đối với các khoản chi thường xuyên như lương giáo viên thì đương nhiên là nó đã cố định rồi. Những khoản chi không thường xuyên như đầu tư, mua sắm trang thiết bị hàng năm mà giá cả phù hợp, đừng “cao quá” thì những khoản kinh phí sẽ dư thừa chút đỉnh.

Khổ nỗi, một số hiệu trưởng và kế toán nhà trường bây giờ họ tính toán “rất khéo”. Thành ra nhiều trường học công lập không còn đồng nào vào dịp cuối năm.

Song, việc có tiền thu nhập tăng thêm hay không có tiền thu nhập tăng thêm chưa quan trọng bằng việc minh bạch các khoản thu- chi trong nhà trường. Nếu nhà trường làm tốt vấn đề này thì những dị nghị sẽ không còn nữa.

Còn cứ nhập nhèm như một số trường học đang làm thì chuyện bàn tán, dị nghị về khoản thu nhập tăng thêm hàng năm sẽ là chủ đề sẽ được giáo viên nói nhiều, nói mãi trong những dịp Tết đến, Xuân về.

LÊ MINH