Thu nhập dạy thêm quá hấp dẫn, nhu cầu lại nhiều sao cưỡng lại được

08/01/2021 07:01
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn giáo viên không dạy thêm, phải làm sao giáo viên sống được bằng lương của mình, hoặc không dám dạy thêm.

Ngày 16/5/2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển ký, cũng đã cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học.

Cụ thể, tại điều 4 của Thông tư này ghi rõ “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Có cấm được dạy thêm, học thêm ở tiểu học?

Giáo viên các trường tiểu học ở khu vực đô thị có dạy thêm hay không? Chúng tôi khẳng định là đa phần giáo viên chủ nhiệm ở đây đều dạy thêm, kể cả đối với những học sinh đã học 2 buổi/ ngày.

Những giáo viên dạy tiểu học ở khu vực thành thị thường bao trọn gói chuyện học hành, đi lại trong ngày cho học sinh.

Sáng, cha mẹ chở các em đến trường, buổi trưa học xong thì thầy cô đưa học sinh về nhà mình ăn uống, nghỉ ngơi. Chiều học thêm, tối cha mẹ đón học sinh tại nhà thầy cô.

Nếu học sinh học buổi chiều, sáng cha mẹ đưa học sinh đến nhà thầy cô để học thêm, trưa thì thầy cô lo chuyện ăn uống và đưa học trò đến trường, chiều tối thì cha mẹ đón con tại trường.

Những học sinh học bán trú cả ngày, chiều tối giáo viên đưa về nhà cho ăn nhẹ rồi lại tiếp tục học thêm. Khoảng 19h30 thì cha mẹ đến đón.

Nhìn chung, nhiều học sinh tiểu học dù học sáng hay chiều đều có những ca học thêm như đã là mặc định. Bởi, học buổi nào, thậm chí học 2 buổi vẫn được giáo viên gợi ý để phụ huynh đồng ý cho đi học thêm.

Học sinh tiểu học không học thêm có được không? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Học sinh tiểu học không học thêm có được không? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Tại sao học sinh tiểu học phải đi học thêm?

Thực tế hiện nay, chương trình lớp 1 (kể cả cũ và mới) quá nặng, sĩ lớp học luôn vượt chuẩn cho phép, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nơi lên đến 60 em/lớp.

Nếu là giáo viên, dạy lớp có sĩ số đông, ai cũng cảm nhận được sự nặng nề, mệt mỏi do áp lực công việc. Với sĩ số đông, giáo viên không thể bao quát, dạy cho mọi học sinh, sửa chữa kịp thời sai sót của học trò.

Giáo viên dù muốn dạy thật tốt cho mọi học sinh nhưng bất khả kháng, không thể làm được với lớp học có sĩ số đông như vậy. Từ thực tế đó, phụ huynh phải cho con học thêm.

Như vậy, chương trình nặng, sĩ số lớp quá đông vô hình trung đã tạo ra nhu cầu học thêm cho học sinh và phụ huynh. Có cầu ắt có cung, giáo viên sẽ dạy thêm.

Học thêm ở tiểu học là nhu cầu có thật, dù có văn bản cấm, nhưng dạy thêm, học thêm ở tiểu học vẫn là ... điều bình thường đã và đang diễn ra.

Làm sao cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học?

Muốn giáo viên không dạy thêm, phải làm sao giáo viên sống được bằng lương của mình, hoặc không dám dạy thêm.

Muốn giáo viên sống được bằng lương của mình, phải tăng lương cho giáo viên. Điều này thực tế không hoặc chưa thể làm được trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Muốn giáo viên không dám dạy thêm, phải thực thi luật thật nghiêm, điều này khó thực hiện khi mà nhu cầu học thêm là có thật, nhu cầu đó không phải là số ít, mà ngược lại.

Ngay cả người thực thi pháp luật cũng có nhu cầu cho con mình đi học thêm, làm sao mà thực thi cho nghiêm túc?

Thu nhập dạy thêm là chính, thu nhập dạy chính là phụ, khó mà quản được chuyện dạy thêm.

Đơn giản nhất, chính là xóa bỏ nhu cầu học thêm của học trò. Điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo làm được, ngành Giáo dục làm được.

Kiểm tra đánh giá kiến thức nhẹ nhàng, nặng về phẩm chất, năng lực; tuyệt đối không tổ chức thi học sinh giỏi với học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Các tác giả viết sách giáo khoa, nhà xuất bản, tuyệt đối không “đẻ thêm con” sách nâng cao, sách “Để học tốt”, phục vụ cho dạy gà nòi; thực tế những sách này cũng chỉ là lấy trên ép xuống dưới, hình thành thói quen học tủ, học vẹt, học trước.

Khuyến khích tư nhân đầu tư trường chuyên, lớp chọn; đảm bảo có nơi cho “thần đồng”, “cậu ấm, cô chiêu”, người có nhu cầu học thêm học.

Vay đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển đất nước nhanh nhất, rẻ nhất, bền vững nhất. Vì vậy, đã đến lúc nhà nước phải thực hiện “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” trong chính sách vay vốn phát triển.

Thực hiện chương trình mới, chúng ta phải xóa bỏ được dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay, nếu không chương trình mới trở nên vô nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

https://vtc.vn/phu-huynh-dua-nhau-cho-con-di-hoc-them-truoc-lop-1-co-can-thiet-ar587652.html

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cam-day-them-o-bac-tieu-hoc-ai-cam-cam-ai-post205190.gd

Sơn Quang Huyến