Thù lao chấm thi sao quá bọt bèo, mỗi nơi trả một kiểu

13/08/2021 10:47
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có giám khảo chấm bài tự luận sau khi nhận được thù lao 5.250 đồng/bài thi thì thốt lên, tiền công chấm thi sao quá bọt bèo!

Trong nghề giáo có lẽ ai cũng biết rằng, chấm thi tốt nghiệp là nhiệm vụ mà bất cứ giáo viên bậc trung học phổ thông nào cũng phải tham gia khi có lệnh điều động từ Sở Giáo dục và Đào tạo của địa phương.

Giáo viên đi chấm thi được hưởng một khoản thù lao theo quy định. Thế nhưng, nhiều năm nay một số tỉnh, thành chi trả thù lao chấm thi quá bèo bọt, thiếu minh bạch. Trong khi đó áp lực công việc chấm thi nặng nề, nhất là năm nay dịch bệnh bủa vây tứ phía khiến giám khảo không khỏi chạnh lòng.

Mỗi địa phương chi trả một kiểu

Từ năm 2017 đến nay, việc chấm thi tốt nghiệp được thực hiện tại Sở Giáo dục và Đào tạo của từng tỉnh, thành, và kì lạ thay, thù lao chấm thi cho giáo viên bị giảm nhiều, mỗi địa phương chi trả một kiểu.

Theo tìm hiểu của người viết, năm nay tỉnh Bình Phước trả 7 ngàn đồng/bài thi. Giám khảo nào ở xa (so với Sở Giáo dục) được cấp giấy đi đường 14 ngày, có thêm 50 ngàn đồng/ngày theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Tương tự, tỉnh Đắk Lắk trả 7 ngàn đồng/bài thi; tỉnh Gia Lai trả 7.500 đồng/bài thi.

Còn tỉnh Tây Ninh trả nhiều hơn đến 16 ngàn đồng/bài thi, nhưng mỗi giáo viên chỉ chấm khoảng dưới 200 bài thi, do số lượng thí sinh ít. Tỉnh Thanh Hóa cũng trả 16 ngàn đồng/bài thi, giáo viên chấm 1 tuần nhận thù lao khoảng 4 triệu đồng.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh thì nhiều năm nay thù lao chấm thi tốt nghiệp, kể cả chấm thi tuyển sinh 10 không thay đổi, vẫn giữ nguyên giá 5.250 đồng/bài thi.

(Ảnh minh hoạ: Baodantoc.vn)

(Ảnh minh hoạ: Baodantoc.vn)

Chi trả thù lao chấm thi theo quy định nào?

Tiền công chấm thi được quy định theo Công văn 2584/2015/BGDĐT-KHTC ngày 29/5/2015 về hướng dẫn định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (nay gọi là kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông). Cụ thể, chi chấm bài thi tự luận, mức chi tối đa 18.000 đồng/bài. [1]

Có ý kiến cho rằng, giám khảo được nhận thấp hơn mức quy định này là do một bài thi có rất nhiều khâu, bộ phận tham gia, ví như phúc khảo, làm phách… thậm chí cả tiếp khách. Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, ý kiến này không đúng vì Công văn 2584/BGDĐT-KHTC ghi rõ:

“Chi phụ cấp trách nhiệm đối với Ban coi thi, Ban chấm thi, Hội đồng chấm thi; chi bồi dưỡng đối với cán bộ chấm thẩm định, chấm phúc khảo, thanh tra, kiểm tra bài thi: đề nghị vận dụng mức chi theo định mức tại Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT/BTC-BGDĐT hướng dẫn nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực (Thông tư số 66)”.

Như thế, không có nội dung nào trong văn bản này quy định tiền chấm bài tự luận dùng chi cho việc khác, người khác. Hay nói cách khác, không có nội dung nào trong Công văn 2584/BGDĐT-KHTC quy định giám khảo không được hưởng đúng trần chế độ thù lao đã được quy định trong văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo [1] và liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]

Liên quan đến thù lao chấm thi của giáo viên, từ năm 2015 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo - khẳng định các cụm thi đang hiểu lầm công văn số 2584/BGDĐT-KHTC về hướng dẫn định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

“Công văn ghi rõ chi chấm bài thi tự luận, mức tối đa là 18.000 đồng/bài thì các cụm thi phải hiểu là chi cho giáo viên trực tiếp chấm thi. Việc chi cho các khâu liên quan khác như ban chấm thi, hội đồng chấm thi, bồi dưỡng đối với cán bộ chấm thẩm định, chấm phúc khảo, kiểm tra bài thi… thì vận dụng mức chi theo định mức tại Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT/BTC-BGDĐT” - ông Nghĩa nói với Báo Người Lao Động. [3]

Thế nhưng, từ năm 2015 đến nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn chi trả cho giám khảo tự luận mức thù lao thua xa trần định mức, còn giáo viên thì cứ bức xúc rồi âm thầm chịu đựng hết năm này qua năm khác.

Năm nay, giám khảo ở Thành phố Hồ Chí Minh phải chấm thi 10 ngày, tính ra mỗi giáo viên nhận thù lao trung bình khoảng 3 triệu đồng, chưa kể bị đóng thuế 10%. Ví như, giáo viên chấm được 3 triệu đồng thì phải đóng thuế mất 300 ngàn đồng, tương đương hơn 60 bài chấm (mỗi bài 5.250 đồng).

Tất nhiên, không một ai mang hết số tiền này về nhà vì giám khảo phải chi tiền cơm ăn, nước uống, xăng xe khoảng 100 ngàn đồng/ngày. Vậy nên, có giáo viên thốt lên rằng, tiền công chấm thi sao quá bèo bọt?

Xung quanh chuyện này cũng có một số giáo viên lên tiếng, đã được phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua các bài viết như: “Giám khảo chấm thi quốc gia, tiền công bèo bọt thua cả thợ xây” [4]; “Cán bộ chấm thi quốc gia ở Sài Gòn nói bị bớt xén thù lao chấm tự luận”… nhưng vẫn không được các cấp có thẩm quyền quan tâm, lên tiếng. [5]

Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe tiếng nói chính đáng của giáo viên, từ đó chỉ đạo nhất quán để các địa phương trên cả nước trả thù lao đúng chế độ cho giám khảo làm nhiệm vụ không những ở kì thi tốt nghiệp mà còn các kì thi khác như tuyển sinh 10, thi học sinh giỏi, thi Olympic…

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/cong-van/Thue-Phi-Le-Phi/Cong-van-2584-BGDDT-KHTC-2015-dinh-muc-chi-le-phi-du-thi-du-tuyen-tu-ngan-sach-nha-nuoc-276079.aspx

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-chinh-nha-nuoc/thong-tu-lien-tich-66-2012-ttlt-btc-bgddt-xay-dung-ngan-hang-cau-trac-nghiem-138616.aspx?v=d

[3] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/buc-xuc-thu-lao-cham-thi-20150714221053385.htm

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giam-khao-cham-thi-quoc-gia-tien-cong-beo-bot-thua-ca-tho-xay-post187788.gd

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/can-bo-cham-thi-quoc-gia-o-sai-gon-noi-bi-bot-xen-thu-lao-cham-tu-luan-post200305.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương