Thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giữ làm giảng viên

23/06/2022 06:45
Thiên Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việt Dũng cho rằng, việc học ở đại học không hề đơn giản, nếu không nỗ lực ngay từ những bước đầu, đến năm cuối sẽ rất khó gỡ lại điểm.

Với điểm trung bình tích lũy đạt 3,98/4, Nguyễn Việt Dũng (sinh năm 2000, Quảng Ninh) nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc và trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Việt Dũng rất vui và vinh dự khi đạt danh hiệu thủ khoa. Chàng trai sinh năm 2000 chưa từng nghĩ bản thân sẽ đạt được thành tích này.

Nuôi ước mơ trở thành thầy giáo từ năm lớp 6

Việt Dũng là cựu học sinh chuyên Toán, Trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long (Quảng Ninh). Năm 2018, em là một trong số những thí sinh được tuyển thẳng vào khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nói về niềm đam mê toán học, Việt Dũng cho biết, khi còn là học sinh tiểu học, Tiếng Anh mới là môn học mà em yêu thích. Tuy nhiên, đầu cấp hai, việc học ngoại ngữ của Dũng bị chững lại, khó cải thiện các kỹ năng như mong muốn. Trong lúc loay hoay không biết chọn môn học nào để phát triển thành điểm mạnh của bản thân thì Dũng đã may mắn gặp được người truyền cảm hứng toán học cho mình.

Với điểm trung bình tích lũy đạt 3,98/4, Nguyễn Việt Dũng trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với điểm trung bình tích lũy đạt 3,98/4, Nguyễn Việt Dũng trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Chính cô giáo dạy Toán ngay gần nhà lại là người đặt những viên gạch đầu tiên giúp em đến gần hơn với toán học. Mặc dù có cơ hội chọn nhiều ngành khác nhưng em vẫn chọn Sư phạm Toán, bởi đó là ước mơ và đam mê được em ấp ủ từ năm học lớp 6. Em muốn trở thành thầy giáo, là một người truyền cảm hứng, đem tình yêu, kiến thức Toán truyền dạy cho học trò như cô đã từng làm với em", chàng trai sinh năm 2000 tâm sự.

Tuy nhiên, vào đại học, Việt Dũng choáng ngợp khi thấy cách học khác xa so với phổ thông. Những ngày đầu đến trường, giảng viên viết kín bảng, toàn công thức, lúc ấy Dũng mới nhận ra việc học ở đại học không hề đơn giản, nếu không nỗ lực ngay từ những bước đầu, đến năm cuối sẽ rất khó gỡ lại điểm.

Cũng từ đó, Dũng bắt đầu vạch ra mục tiêu học tập rõ ràng hơn. Trước mọi vấn đề, em luôn đặt câu hỏi và tự tư duy để tìm ra đáp án. Không thể tự giải quyết, Dũng thường đem những thắc mắc đó đi hỏi bạn bè, thầy cô.

"Mặc dù xuất phát là dân chuyên toán, em cũng có nỗi sợ riêng với môn Hình học, Giải tích số... cũng có bài toán khó, em phải mất hơn 2 ngày để giải ra kết quả. Tuy nhiên, học là để hiểu nên em cũng không quá áp lực về mặt thời gian", Dũng nói.

Ngoài thành tích học tốt, Việt Dũng thường xuyên gặt hái được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi của khoa, trường tổ chức. Dũng bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học từ năm 3 đại học và từng có đề tài được đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Integer Sequences.

"Em cảm thấy mình may mắn vì có cơ hội thử sức ở các sân chơi trí tuệ. Em được gặp nhiều người, thông qua những chia sẻ của họ em đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu cho công việc giảng dạy trong tương lai. Đặc biệt, nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học, em cũng có cơ hội tiếp cận gần hơn với những vấn đề thời sự trong lĩnh vực giáo dục", tân thủ khoa chia sẻ.

Dũng cho biết, khi có thời gian rảnh, em hay đi dạy gia sư, luyện thi vào cấp 3 cho một số bạn học sinh.

"Em từng dạy kèm cho một bạn lớp 9 đỗ vào Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Công việc này cho em thêm nhiều niềm vui khi thường xuyên tiếp cận, trò chuyện với các em học sinh. Từ đó, em cũng cải thiện được kỹ năng sư phạm của mình", Dũng cho hay.

Nhìn lại quãng thời gian sinh viên, điều Việt Dũng tiếc nuối nhất là chưa tham gia được nhiều hoạt động ngoại khóa cũng như chưa có đủ dũng khí tỏ tình với người mình thích.

Trăn trở với nghề

Khi nói về nghề giáo, Việt Dũng rất tâm đắc câu nói nổi tiếng của William Arthur Ward: "Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi chỉ biết giải thích, người thầy xuất chúng chỉ biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng".

Đối với Dũng, câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam dẫn lối cho em trong suốt 4 năm đại học. Dũng cũng hay đặt ra câu hỏi "Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Toán?", "Làm thế nào để học sinh tìm thấy niềm vui và vẻ đẹp của môn học mình đang dạy?". Với tân thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tìm được đáp án cho những câu hỏi này còn vĩ đại hơn bất cứ công trình nghiên cứu nào.

"Em nghĩ dạy Toán không chỉ đơn thuần là truyền đạt lại những kiến thức của toán học mà thông qua toán học, người thầy phải dạy được cho học sinh của mình cách tư duy, giải quyết vấn đề, làm việc trung thực và trách nhiệm", chàng trai sinh năm 2000 cho hay.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Dũng bật mí cậu đã nhận được lời mời ở lại trường công tác và lời mời từ Trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long (Quảng Ninh). Mong muốn đóng góp cho quê hương, Dũng dự định sẽ học lên thạc sĩ và làm việc tại Quảng Ninh.

Thiên Ân