Thủ khoa thật đi chăn lợn, thủ khoa “rởm” sẽ làm gì?

28/04/2019 07:30
NGUYỄN CAO
(GDVN) - “Thủ khoa đầu ra thật” mà còn phải gác bằng đi chăn lợn thì “thủ khoa đầu vào giả” nhằm nhò gì mà các em cũng lao vào học tập cho nó khổ cơ chứ?

Gần hai năm về trước, dư luận cả nước đã có một dịp xôn xao về thủ khoa sư phạm đầu ra Bùi Thị Hà (Hà Giang) sau khi ra trường đã về quê…chăn lợn.

Lúc bấy giờ, chúng ta cũng được biết em thủ khoa này đã viết tâm thư cho Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh để mong muốn có việc làm đúng với chuyên môn mà mình được đào tạo.

Nhưng mọi sự cố gắng của em Bùi Thị Hà đã không thành hiện thực. Em về nhà trồng rau, bán rau quả và chăn lợn để phụ giúp gia đình.

Bỏ lại phía sau là những ánh hào quang của quá trình học như danh hiệu thủ khoa đầu ra và cả sự vinh danh là 1 trong 100 sinh thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám năm 2016.

Thủ khoa Bùi Thị Hà đã từng gây xôn xao dư luận vào năm 2017- khi phải về quê chăn lợn (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Thủ khoa Bùi Thị Hà đã từng gây xôn xao dư luận vào  năm 2017- khi phải về quê chăn lợn

(Ảnh: giaoduc.net.vn)

Chính vì thế, cứ nghĩ về cô bé thủ khoa Bùi Thị Hà năm ấy mà chúng tôi lại thấy áy náy cho hàng trăm thí sinh của 3 tỉnh có thí sinh tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vừa qua.

Trong số những em được sửa điểm, có nhiều em là thủ khoa của các trường đại học...

Tuy nhiên, “thủ khoa đầu ra thật” mà còn phải gác bằng đi chăn lợn thì “thủ khoa đầu vào giả” nhằm nhò gì mà các em cũng lao vào học tập cho nó khổ cơ chứ?

Các em thí sinh của 3 tỉnh được xác định là được sửa điểm, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang- nơi có thủ khoa Bùi Thị Hà đã từng được dư luận biết đến, tỉnh này đã có em được nâng đến trên 29 điểm.

Không biết các em chạy điểm để vào đại học làm gì nhỉ, liệu các em có trở thành thủ khoa đầu ra như cô bé Bùi Thị Hà trước đây hay không? Cho dù các em có thành thủ khoa thì chắc gì đã có việc làm?

Cầu cứu lãnh đạo như viết tâm thư ư? Thì cứ nhìn vào tấm gương của thủ khoa Bùi Thị Hà sẽ rõ. Cô thủ khoa thật cũng từng viết tâm thư gửi cho Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh còn gì.

Thủ khoa thật đi chăn lợn, thủ khoa “rởm” sẽ làm gì? ảnh 2Gửi nữ thủ khoa xuất sắc Bùi Thị Hà, em còn chờ đợi đến bao giờ?

Nhưng, có xin được việc đâu, cái gì cũng phải có quy trình chứ.

Cho dù thủ khoa mà không có đợt tuyển dụng thì cũng chẳng bao giờ được tuyển vào vào làm việc trong các cơ quan nhà nước đâu nhé.

Hơn nữa, thủ khoa Bùi Thị Hà sinh ra và lớn lên từ vùng quê lam lũ, quen với chấn lấm tay bùn. Ở quê còn có đất trồng rau, nuôi lợn nên dù không xin được việc thì cũng có kế sinh nhai để chờ đợi công việc.

Chứ hàng trăm em thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang phần lớn là sinh ra từ phố, bố mẹ đa phần lại là quan chức địa phương. Từ nhỏ, vì cha mẹ bận bịu nên đã không có điều kiện dạy dỗ các em chăn nuôi, trồng trọt.

Trong khi, ở thành phố thì phần lớn nhà cửa san sát, mấy gia đình có đất để trồng rau, nuôi lợn. Vì thế, lỡ mai này ra trường không xin được việc thì còn “khổ sở” hơn em Bùi Thị Hà rất nhiều.

Cứ nghĩ như thế, chúng tôi lại lo cho tương lai của các em sau này và cho rằng các em đã quá dại dột nghe lời cha mẹ mà lao vào các trường đại học lớn.

Tại sao không chọn mấy trường nông –lâm mà học để sau này xin việc cho dễ bởi vùng đất 3 tỉnh các em đều là rừng núi nhiều. Khi ra trường không xin được việc gần nhà thì đi xa nhà một chút, lên mấy huyện miền núi cũng có sao đâu.

Đằng này lại lao vào học mấy trường Quân đội, Công an, Y, Ngoại thương, Kinh tế… làm gì cho nó vất vả mà lại đau đầu?

Ra trường mà về làm cùng cơ quan với bố mẹ cũng phức tạp lắm, cha mẹ lại phải chăm sóc kỹ lưỡng, bắt ngồi chỗ này, chỗ khác như những ngày còn lên 4, lên 5 thì khổ quá chứ có sung sướng gì đâu.

Thủ khoa thật đi chăn lợn, thủ khoa “rởm” sẽ làm gì? ảnh 3Bôi bẩn...thủ khoa

Thôi thì, nhân việc hàng trăm thí sinh đã bị phát hiện gian lận phải trở về gia đình trong những ngày vừa qua hãy xem đó là cơ hội cho mình.

Các em có thể nhân cơ hội này tập trồng rau, nuôi lợn, tập viết tâm thư cũng được.

Nếu như trước đây, thủ khoa Bùi Thị Hà đã viết tâm thư gửi Bí thư tỉnh ủy Hà Giang để mong muốn được đi dạy.

Bây giờ, các em thử viết tâm thư gửi cho người đứng đầu địa phương xin làm lao công, lái xe, bảo vệ nơi cha mẹ các em đang công tác cũng có sao. Biết đâu, lãnh đạo địa phương sẽ thương tình.

Vì cha mẹ các em có người là Giám đốc, Trưởng phòng của Sở, có em lại có cha, chú đang là Phó Chủ tịch tỉnh, Phó Chủ tịch huyện…thì biết đâu lãnh đạo địa phương sẽ nể cha mẹ các em mà sắp xếp cho các em một công việc phù hợp theo nguyện vọng.

Hãy đừng buồn và thất vọng các em nhé, cũng đừng nghĩ đến chuyện phải đi du học xa xôi để làm gì. Các em cứ nhìn tấm gương thủ khoa thật sẽ nghĩ đến mình nhiều hơn.

Thủ khoa thật còn phải đi chăn lợn chứ các em chỉ là thủ khoa đầu vào do cha mẹ tác động thì cũng đã thấm tháp gì đâu! Nếu không bị phát hiện tiêu cực thì biết đâu học xong sẽ về quê và cũng thất nghiệp như thường?

NGUYỄN CAO