Thủ khoa lớp 10 bật mí cách chinh phục những môn học “nằm trong nỗi sợ”

30/06/2021 06:30
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với 57/60 điểm, Trần Tùng Bách đã vượt qua 93.000 thí sinh, chính thức trở thành Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2021.

Từ môn học ghét nhất trở thành yêu thích nhất, môn Ngữ văn như một “ẩn số” đối với chàng Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. Bí quyết chinh phục những môn học “nằm trong nỗi sợ” của nam sinh này là gì?

Bản lĩnh chinh phục những môn học “sở đoản”

Với 57/60 điểm, Trần Tùng Bách (học sinh lớp 9A02, Trường Trung học cơ sở Đống Đa) đã vượt qua 93.000 thí sinh, chính thức trở thành Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm 2021.

Tùng Bách xuất sắc đạt 2 điểm 10 môn Tiếng Anh và Lịch sử, còn môn Toán đạt 9,5 điểm và Ngữ văn với 9 điểm. Đây cũng là một bất ngờ đối với bản thân nam sinh: “Lúc thi về, em cũng chấm được điểm thi của mình ở ngưỡng ổn nhưng không nghĩ lại cao đến vậy. Đặc biệt, môn Ngữ văn thi tự luận nên em cũng khó ước lượng chính xác”.

Trần Tùng Bách - Thủ khoa lớp 10 tại Hà Nội năm 2021. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trần Tùng Bách - Thủ khoa lớp 10 tại Hà Nội năm 2021. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Nhin (giáo viên dạy Văn, đồng thời là chủ nhiệm lớp 9A02) nhắc đến cậu học trò này với một giọng đầy tin tưởng: “Khi Bách thi xong, tôi đã đoán nếu con làm đúng thực lực thì môn Ngữ văn hoàn toàn có khả năng được 9 điểm. Suốt thời gian ôn tập, em luôn có phong độ ổn định ở môn Văn, bài kiểm tra học kỳ gần nhất cũng đạt 9 điểm”.

Chia sẻ về những môn học tưởng chừng như “khó nhằn” với bản thân, Tùng Bách cũng không ngần ngại chia sẻ: “Với cả 4 môn thi năm nay, em đều cảm thấy hứng thú. Ngay từ nhỏ, em khá yêu thích môn tiếng Anh vì đây là một môn học thú vị và là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Nhưng dần dần, theo dòng thời gian, môn học mà em từ ghét nhất trở thành yêu thích nhất lại chính là Ngữ văn. Em “học cách yêu” môn học này bằng cách tìm ra những điểm hấp dẫn.

Chẳng hạn, ngoài những ý văn trữ tình, nghệ thuật trong các văn bản đã được học, em còn chú ý đến phần nghị luận xã hội đòi hỏi những hiểu biết về kiến thức xã hội phải cập nhật một cách đầy đủ, phong phú.

Chính vì vậy, em xem thời sự, đọc báo chính thống hằng ngày để theo dõi tin tức thường xuyên và hình thành quan điểm đúng đắn.

Bí quyết của Bách là không đi học thêm nhiều để dành thời gian tự học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bí quyết của Bách là không đi học thêm nhiều để dành thời gian tự học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đối với môn Lịch sử, thực ra, lúc mới nghe tin về môn thi thứ tư của năm nay, em cũng hơi sợ, giống như nhiều người hay nói, rằng Sử khô khan và nhiều kiến thức phải ghi nhớ... Nhưng khi đã làm chủ được, em lại thấy đây là môn học lý tưởng để “kéo điểm”.

Một phần có lẽ vì các thầy cô cũng đã có kinh nghiệm đồng hành cùng các thí sinh trong mùa thi năm 2019 rồi, nên em rất tự tin.

Nhìn lại thì em học kỹ môn này nhất, mỗi ngày, em học thuộc kiến thức cơ bản vào lúc sáng sớm và sau mỗi chủ đề, em sẽ luyện kiến thức của chủ đề ấy, sau khi xong hết chương trình thì chuyển sang luyện đề thi thử. Cuối cùng, em cũng nhận ra, Sử sẽ không hề khô khan nếu chúng ta thực sự muốn học!”.

Nam sinh cũng tiết lộ thêm: “Trong cả 4 môn thi, em sợ nhất là môn Toán. Nhưng dù có là “nỗi sợ” thì mình cũng phải “chiến đấu” và có phương pháp luyện tập mà “đương đầu”. Để chinh phục “nỗi sợ”, em chọn cách tăng thời gian học Toán, luyện đề thường xuyên để phát hiện và kịp thời khắc phục những chỗ còn thiếu sót”.

Thấy Bách yêu thích tiếng Anh, nhiều người khuyên nam sinh thi trường chuyên nhưng cậu lại khẳng định: “Em yêu thích việc học tốt nhiều môn hơn là chọn ra một lĩnh vực là thế mạnh”.

Đó là lý do mà Trần Tùng Bách sẽ theo học tại Trường Trung học phổ thông Kim Liên, một trong những ngôi trường công lập thuộc “top đầu” tại Hà Nội.

Tùng Bách và cô giáo chủ nhiệm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tùng Bách và cô giáo chủ nhiệm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Dành thời gian đi học thêm vào tự học

Không giống nhiều bạn bè đồng trang lứa, khi kỳ thi ngày càng đến gần, Tùng Bách quyết định không đi học thêm nhiều mà thay vào đó là dành thời gian tự học.

Với cậu, tự nghiên cứu sẽ lĩnh hội kiến thức được sâu hơn: “Để tự tìm hiểu kỹ và nắm vững kiến thức trong đầu, hằng ngày, em luôn dành thời gian để đọc lại những nội dung đã được học. Thậm chí, sau khi học xong, em luôn xin thêm bài tập từ các thầy cô để rèn luyện kỹ năng làm bài.

Mỗi khi thầy cô đưa đề cương hay đáp án, em đều xin file trống đáp án để tự giải trước rồi mới so sau. Em nghĩ như vậy mới biết mình sai ở đâu, cần cải thiện nội dung nào và sẽ nhớ kiến thức lâu hơn.

Theo em, điều quan trọng nhất để chinh phục mỗi kỳ thi vẫn là tinh thần tự học của bản thân. Em không đi học thêm quá nhiều mà chủ yếu dành thời gian để tự ôn tập lại kiến thức. Vì thế nên em không bị áp lực trong công cuộc học tập”.

Theo chị Nguyễn Thanh Tú (mẹ của Bách), tinh thần tự học của cậu đã được hình thành từ rất sớm: “Từ bé đến lớn, Bách có ưu điểm là ý thức tự giác, chăm chỉ nên mẹ không bao giờ phải nhắc nhở việc học hành. Mọi vấn đề liên quan đến việc học đều do con tự phân bổ, sắp xếp, bố mẹ hầu như không phải tham gia”.

“Mặc dù vậy, cũng không thể nói là em không gặp khó khăn trong lúc ôn thi, giai đoạn thử thách nhất chính là thời gian trước kỳ thi khoảng một tháng rưỡi. Ban đầu em lo lắng vì phải học online do tình hình dịch bệnh căng thẳng, như vậy sẽ không hiệu quả bằng học trên lớp.

Nhưng sau đó, em đã trấn tĩnh lại và đưa ra kế hoạch học tập, phân bổ thời gian phù hợp. Kết hợp với đó là tích cực nghe giảng trong các giờ học và nỗ lực hết sức mình, tự dặn mình không bỏ cuộc dù có thế nào. Cuối cùng, em đã vượt qua, cảm thấy rất vui, và đến khi nhận điểm thì quả thực đã vỡ òa!”, nam sinh chia sẻ.

Nam sinh chọn Trường Trung học phổ thông Kim Liên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nam sinh chọn Trường Trung học phổ thông Kim Liên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo cô giáo chủ nhiệm của Bách, cậu đã có một chặng đường ôn thi bền bỉ và chăm chỉ. Nhiều hôm, kể cả 11 giờ, 12 giờ đêm, nếu chưa hiểu chỗ nào hoặc còn băn khoăn, trăn trở, Bách vẫn gọi điện, nhắn tin với các thầy cô để hỏi bài.

Tân Thủ khoa lớp 10 cũng không quên nhắn nhủ: “Nếu có điều gì muốn nói với các thí sinh năm sau, em mong rằng các em ấy sẽ tập trung học hành ngay từ đầu và dành hết tâm huyết cho học tập.

Số lượng thí sinh thi vào lớp 10 sẽ ngày một đông hơn, đồng nghĩa với việc cơ hội vào trường Trung học phổ thông công lập sẽ ngày một ít đi.

Chính vì vậy, nếu các em không cố gắng thì cũng chính là đang tự thu hẹp lại cơ hội trên “cuộc đua” khốc liệt.

Các em cũng không nên lơ là bất kỳ một môn học nào vì rất có thể nó sẽ trở thành môn thi. Để đến lúc cận thi mới ôn thì sẽ rất khổ và khó, gây nên nhiều áp lực.

Tuy nhiên, học tập cũng cần kết hợp nhuần nhuyễn với giải trí để giải tỏa căng thẳng. Đặc biệt, mong rằng các em không nên đi học thêm quá nhiều, vì việc này rất dễ phản tác dụng, học nhiều sẽ khiến các em mệt mỏi và sợ học.

Việc học trong thời gian này sẽ nảy sinh rất nhiều áp lực, sự chán nản nên để tránh điều đó thì phải có một tâm lý vững vàng.

Các em có thể đọc một cuốn sách, nghe những bản nhạc nhẹ, làm những việc các em thấy thoải mái khi bản thân quá căng thẳng. Cuối cùng, hãy tin vào chính bản thân mình, chỉ cần luôn cố gắng thì cơ hội sẽ luôn rộng mở”.

Hiện tại, mặc dù vẫn chưa xác định cụ thể sẽ theo đuổi lĩnh vực hay thi vào đại học nào, nhưng Tùng Bách bật mí, từ tháng sau, cậu sẽ dành thời gian học IELTS, mục tiêu từ 8.0-8.5.

Tùng Bách cho biết: “Thời điểm này, em cũng chưa có định hướng cụ thể sẽ theo ngành học nào nhưng hiện tại em đang có hứng thú với công nghệ thông tin.

Em sẽ cố gắng học tập tốt, khám phá thế mạnh của bản thân để sau này theo đuổi một lĩnh vực mình thực sự yêu thích”.

Ngân Chi