'Thủ khoa của các thủ khoa' bật mí cách ôn luyện nước rút kỳ thi tốt nghiệp

17/06/2021 06:04
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thủ khoa toàn quốc năm 2020 cảnh báo nhiều “bẫy” trong đề thi trắc nghiệm, nhắn nhủ đến các thí sinh, nếu có phải thi riêng đợt 2, cũng không cần hoang mang.

Dù có ôn thi 12 tiếng/ngày cũng đừng quên “xả stress”

Đó là bí quyết ôn thi mà chàng trai Nguyễn Lê Vũ (Thủ khoa 30 điểm khối B năm 2020) gửi gắm đến các sĩ tử năm nay.

Với số điểm tuyệt đối của 3 bài thi, chàng trai đến từ Đà Nẵng trong đợt thi thứ 2 được ưu ái gọi bằng cái tên “Thủ khoa của các Thủ khoa”, sau khi “soán ngôi của 4 Thủ khoa đợt 1 (với 29,75 điểm) trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

Nhắc đến “chiến thuật” ôn thi đặc biệt của mình, Nguyễn Lê Vũ nhớ lại: “Bắt đầu từ thời điểm giãn cách xã hội, em “bật chế độ” tập trung ôn thi. Bên cạnh thời gian ôn tập trực tuyến, trao đổi cùng thầy cô qua điện thoại với những phần kiến thức chưa thực sự hiểu rõ, em cũng tăng cường khả năng tự học của bản thân.

Càng gần đến ngày thi, em càng dành nhiều thời gian hơn. Có những ngày em ngồi vào bàn học đến 12 tiếng: Sáng từ 7 rưỡi đến 11 giờ, chiều từ 1 rưỡi đến 5 giờ và tối từ 7 giờ đến 12 giờ. Cứ như vậy, mỗi ngày em giải 2 đề Toán, 3 đề Hóa và 4 đề Sinh, thậm chí, có hôm còn giải nhiều hơn.

Tuy vậy, em vẫn dành những khoảng thời gian nhất định trong ngày để “xả stress”. Và cách mà em lựa chọn chính là xem các chương trình, tiểu phẩm hài.

Chính nụ cười đã khiến em cảm thấy thư giãn, thoải mái, như được xua tan mọi áp lực trước kỳ thi.

Thủ khoa Nguyễn Lê Vũ chia sẻ những bí quyết ôn tập và tránh “bẫy” làm bài thi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thủ khoa Nguyễn Lê Vũ chia sẻ những bí quyết ôn tập và tránh “bẫy” làm bài thi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Em nghĩ các bạn thí sinh cũng nên quan tâm đến những giải pháp giải tỏa áp lực, bởi lẽ, thông thường, trong giai đoạn cuối, nhiều bạn cũng thường bị căng thẳng, nên cần sớm “trị” để tránh bị rối, dẫn đến sai sót trong phòng thi hoặc làm bài không được như ý muốn”.

Là một học sinh giỏi toàn diện suốt 12 năm học phổ thông, Nguyễn Lê Vũ cũng từng góp mặt trong nhiều kỳ thi Toán, Khoa học phạm vi trong nước và quốc tế.

Đó có lẽ cũng chính là những màn “tập dượt” tâm lý cho một kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Vũ cho biết, mặc dù kiến thức của mỗi môn thi không yêu cầu sâu như những kỳ thi khác nhưng áp lực của kỳ thi tốt nghiệp lại lớn hơn rất nhiều.

Nhưng nhờ có những lần thử thách bản thân trước đó, Vũ đã tìm thấy sự tự tin của bản thân để chinh phục kỳ thi.

Để giúp các thí sinh tránh một số sai lầm đáng tiếc khi làm bài, chàng Thủ khoa 30 điểm không quên nhấn mạnh: “Có một sai lầm ngay từ giai đoạn ôn thi của một số thí sinh, đó là chỉ tập trung vào giải bài tập và luyện đề, mà quên mất lý thuyết. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến thí sinh rất dễ mất điểm khi làm bài. Đặc biệt, đối với các bài thi trắc nghiệm, thường rất dễ có “bẫy”.

Có khi đề ra “đánh lừa” ngay từ ngữ trong phần câu hỏi, thí sinh cần đọc thật kỹ, cân nhắc từng đáp án, nhất là với những câu càng dễ, càng phải cẩn thận.

Nguyên tắc khi ra đề, rất ít khi những câu ở mức độ khó có “bẫy”, còn câu ở mức độ dễ và trung bình thì do thí sinh thường chủ quan và “ngộ nhận” rằng câu đó “dễ ăn” nên hay đọc lướt qua. Chính vì vậy, càng cần phải đề phòng”.

“Bản thân em cũng từng là người rất dễ “dính bẫy” nên thường phải căn giờ, dành ít nhất khoảng 15 phút để đọc lại bài làm, rà lại toàn bộ để phát hiện những phần chưa hợp lý. Em mong các bạn thí sinh cũng sẽ chú ý thời gian để kịp thời điều chỉnh những đáp án một cách cẩn thận”, Vũ nhấn mạnh.

Theo Vũ, bên cạnh dồn “tổng lực” ôn tập, các thí sinh cũng cần dành thời gian giải tỏa áp lực. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo Vũ, bên cạnh dồn “tổng lực” ôn tập, các thí sinh cũng cần dành thời gian giải tỏa áp lực. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thí sinh thi đợt 2 cũng không cần hoang mang

Bản thân là một trong số những thí sinh phải chờ đợi kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 “dài hơi” hơn so với nhiều địa phương khác, Nguyễn Lê Vũ cũng từng có những nỗi lo về cơ hội của bản thân.

“Em ở Đà Nẵng, phải thi đợt 2 cùng các thí sinh tại một số tỉnh thành khác, nhưng hồi đầu, do bị dời lịch thi nhiều nên cũng có phần hoang mang.

Thậm chí, có lúc, em lo lắng, không biết trường đại học mình muốn vào có “để dành” suất hay không?

Tuy nhiên, ngay khi chưa có thông tin chính thức về xét tuyển đại học, em đã phải tự động viên mình nỗ lực hết sức để vững tâm lý ôn thi.

Trong giai đoạn cuối, các sĩ tử hãy dành thời gian để ôn lại toàn bộ những gì mình đã tích lũy được, để kịp thời bù đắp những phần còn hổng.

Năm trước, mặc dù phải hồi hộp chờ kỳ thi, song, sau khi em tham khảo đề thi của đợt 1, cảm thấy rất may mắn, vì cấu trúc đề thi đợt 2 cũng tương tự.

Chính vì vậy, em coi đó là một lợi thế cho các thí sinh thi đợt sau. Mong rằng các bạn thí sinh năm nay nếu chẳng may phải thi vào đợt sau, hãy thật bình tĩnh, yên tâm rằng các trường đại học sẽ chờ chúng ta thi xong hết các đợt mới xét tuyển. Đồng thời, hãy tận dụng thời gian, tập trung ôn thi và tham khảo thêm đề của đợt thi trước”, Vũ nhắn nhủ.

Chia sẻ về những thay đổi từ môi trường phổ thông lên đại học, chàng sinh viên Trường Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh không ngần ngại giãi bày: “Trước đây, có người nói: “Lên đại học, học sẽ nhàn hơn...”. Nhưng quả thực, lên đại học sẽ rất khác! Chẳng hạn, học kỳ I, em mới học 8 môn thì sang kỳ II đã tăng lên học 16 môn, lịch thi rất gấp. Ở phổ thông, có thầy cô sát sao từng môn học, còn ở đại học, quan trọng nhất là khả năng tự học.

Vì vậy, để không bị “ngợp” khi thay đổi môi trường, các bạn cũng nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, tìm mọi cách để “giảm sốc” tốt nhất có thể.

Em cố gắng thích ứng nhanh và kết bạn với nhiều người, tham gia thêm các câu lạc bộ để có thêm cơ hội học hỏi, giao lưu.

Dù học và ôn thi 3 buổi/ngày, nhưng mỗi tuần, em vẫn dành thời gian cho những sở thích như đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình và xem hài để cân bằng lại bản thân”.

Vũ cho rằng, tân sinh viên nên cố gắng kết bạn và tìm những cách “giảm sốc” tốt nhất ở môi trường mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vũ cho rằng, tân sinh viên nên cố gắng kết bạn và tìm những cách “giảm sốc” tốt nhất ở môi trường mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về ước mơ của mình, Vũ cho biết: “Em theo học ngành Y bởi từ khi còn nhỏ, em đã rất ngưỡng mộ ông ngoại và cậu ruột khi được nghe những câu chuyện về y học.

Em cũng có tìm hiểu các tài liệu, phim về những điều thú vị của ngành Y. Ngành học này cũng là cách để em chạm tới ước mơ chữa bệnh cứu người, giúp đỡ người nghèo bị bệnh nan y, cố gắng trở thành người có ích cho xã hội và gia đình.

Thực sự, lúc em đặt mục tiêu vào trường Y thì em cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều bởi em biết, “tấm vé” vào trường là điểm phải rất cao, vả lại học nhiều và có thể sẽ rất áp lực.

Tuy nhiên, nghĩ thoáng một chút, bất cứ ngành nghề nào cũng phải nỗ lực mới có thành công, và ước mơ trở thành bác sĩ đã thôi thúc em cố gắng để làm được điều đó và sống với lựa chọn của chính mình.

Những ngày tháng qua, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh những y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch vất vả từng ngày trong bộ đồ bảo hộ kín mít, có lúc em không thể kìm được nước mắt.

Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cũng cử lực lượng tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại một số “điểm nóng”, rất tiếc em đã bỏ lỡ.

Tuy nhiên, lần tới khi có cơ hội, em chắc chắn sẽ tham gia, góp một phần sức lực nhỏ bé vào cuộc chiến chung này”.

Ngân Chi