Thu hút được trường đại học mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Hưng Yên

19/03/2017 07:24
Thu Minh
(GDVN) - Đó là ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hưng Yên, nơi đang cho thấy diện mạo ngày càng rõ ràng về một đô thị đại học.

Cơ hội cho địa phương

Khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên có tổng diện tích 1.000 ha, nằm ở vị trí thuận lợi kết nối với Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận. 

Dự kiến khu đại học Phố Hiến sẽ có quy mô đào tạo gần 80.000 sinh viên và 1.000 cán bộ, giảng viên. 

Hiện nay, Trường Đại học Thủy Lợi đã hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển một phần đào tạo về khu đại học Phố Hiến. 

Hai trường khác là Trường Đại học Giao thông Vận tải và Trường Đại học Y dược cổ truyền cũng đang triển khai dự án đầu tư tại đây.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm Khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm Khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên.

Tới thăm Trường Đại học Thủy Lợi cơ sở Phố Hiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vui mừng nhận thấy diện mạo của một đại học hiện đại giữa vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống văn hiến. 

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi biết sự vất vả của các đồng chí để có được cơ ngơi như hôm nay.

Nhưng rõ ràng, cơ ngơi này đã minh chứng cho khát vọng và nỗ lực của chính quyền tỉnh Hưng Yên cũng như tâm huyết của Trường Đại học Thủy lợi. 

Cơ ngơi bước đầu của Trường Đại học Thủy lợi sẽ là tạo động lực cho các trường khác đẩy mạnh đầu tư vào khu đại học Phố Hiến”.

Sự kết nối giữa địa phương và nhà trường, theo Bộ trưởng, cần mật thiết hơn để các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của nhà trường sẽ đóng góp thiết thực cho địa phương, cụ thể trước hết là cho nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, để từ đó mỗi người dân thấy được và tự hào về sự hiện diện của nhà trường.

Thu hút được trường đại học mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Hưng Yên ảnh 2

Bộ đã nắm được "6 điểm trũng" của giáo dục Lạng Sơn

Nhận thấy cơ hội và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên, Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương cần tạo điều kiện tối đa để các trường đại học yên tâm đầu tư và hoạt động trên địa bàn. 

Theo Bộ trưởng, cùng lúc có hàng ngàn sinh viên về đây học tập sinh sống sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, sự bỡ ngỡ của các em cũng cần được khỏa lấp bằng những hoạt động cộng đồng thân thiện, tích cực.

Thay bằng việc đưa về đây một nhà máy có thể gây ô nhiễm môi trường, việc thu hút các trường đại học sẽ đồng nghĩa với việc mang văn hóa, trí tuệ về cho địa phương. Cơ hội phát triển kinh tế dịch vụ cũng mở ra.

Với hàng ngàn sinh viên, giảng viên về học tập, làm việc, sinh sống sẽ tạo ra nguồn thu dịch vụ đáng kế, góp phần tăng trưởng GDP cho địa phương” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ưu tiên quỹ đất ở cho giáo viên

Dù đã có những kết quả cụ thể trong thu hút các trường đại học mở cơ sở đào tạo tại địa phương song tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, đến nay quá trình thu hút vẫn diễn ra chậm do một số vướng mắc về cơ chế chính sách trong sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư cho cơ sở đào tạo, chính sách về nhà ở cho đội ngũ cán bộ giảng viên và đặc biệt là giao thông kết nối với thủ đô Hà Nội chưa thực sự thuận lợi dẫn tới những e ngại của các trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo địa phương.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo địa phương.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Bộ sẽ có trách nhiệm giới thiệu và cùng địa phương thúc đẩy các trường đại học sớm đầu tư mở cơ sở đào tạo tại tỉnh Hưng Yên, trong đó ưu tiên lấp đầy khu đại học Phố Hiến. 

Tuy nhiên, để làm được điều đó, tỉnh Hưng Yên cần lưu ý quy hoạch các khu đại học theo hướng mở, trong đó có những khu dịch vụ chung như khu thể thao, vui chơi… tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, trường nào biết trường đó, đầu tư giống nhau dẫn tới lãng phí cả về đất đai và nguồn lực đầu tư. 

Vấn đề được quan tâm khi hình thành khu đô thị đại học là đất ở dành cho cán bộ giảng viên. 

Theo Bộ trưởng, đất ở dành cho giáo viên phải tính toán vị trí, cách triển khai phù hợp và có chính sách ưu đãi hợp lý.

Nếu yêu cầu cho không sẽ khó khăn cho địa phương song cần có ưu đãi xứng đáng để mỗi cán bộ giảng viên đều được tạo điều kiện về nơi ở, có như thế họ mới yên tâm gắn bó lâu dài với công việc.

Trong quá trình quy hoạch quỹ đất ở dành cho giáo viên cần quy hoạch thành các cụm, khu riêng, không xen kẹp vào khu giảng đường, tránh tình trạng có khu đại học tốt nhưng lại có khu dân cư trong đại học tạo nên tổng thể lộn xộn” - Bộ trưởng lưu ý.

Bên cạnh khu đại học Phố Hiến, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Hưng Yên cũng nên tính toán hình thành khu chuyển giao khoa học công nghệ cao và khởi nghiệp, khu giáo dục quốc tế tại các vị trí phù hợp, có sự kết nối để tạo thành thể thống nhất.

Các mô hình này phải xây dựng thành đề án, có tham khảo quốc tế để thuận lợi cho quá trình xây dựng và thu hút các nhà đầu tư. 

Hưng Yên là địa phương thuận lợi để hình thành một đô thị đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Tôi tin trong thời gian tới khi đường giao thông được kết nối thuận lợi, rút ngắn thời gian từ Hưng Yên về Hà Nội chỉ còn khoảng 1/2 như hiện nay, diện mạo khu đại học Phố Hiến và các khu phụ trợ sẽ thay đổi” - Bộ trưởng khẳng định.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. 

Đó là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, đào tạo theo cả hai hướng đại trà và chất lượng cao; 

Sớm đưa Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên trở thành vệ tinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương; 

Rà soát đội ngũ giáo viên theo chuẩn, quy chuẩn gắn với đổi mới chương trình, sách giáo khoa; 
Sớm xây dựng đề án phát triển trường Chuyên của tỉnh để đầu tư cho hiệu quả; phối hợp với Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và Cục Công nghệ thông tin của Bộ để đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; làm tốt việc dự báo nguồn nhân lực và phân luồng sau trung học cơ sở; 

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa; quan tâm hơn nữa tới giáo dục đạo đức lối sống, dân chủ, an toàn trường học và kỳ thi quốc gia năm 2017.

Thu Minh