Thợ dạy, anh là ai?

11/03/2019 06:26
HỒNG LAM SƠN
(GDVN) - Có những giáo viên sử dụng giáo án “nhuần nhuyễn” nhiều năm, vẫn cuốn giáo án ấy đều đều lên lớp từ năm này qua năm khác.

LTS: Chia sẻ những suy nghĩ về nghề dạy học, thầy giáo Hồng Lam Sơn vẽ ra chân dung những "thợ dạy" khiến công cuộc đổi mới giáo dục thêm khó khăn.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bên cạnh những “thầy dạy”, tức là những giáo viên dạy có tâm huyết, yêu nghề, dạy có hiệu quả, được đồng nghiệp và học sinh quý mến, tin tưởng thì còn có những “thợ dạy” mà chúng ta dễ dàng bắt gặp khắp nơi.

Nhận diện được “thợ dạy” không khó! Đó là những giáo viên “sáng ôm giáo án đi, trưa ôm giáo án về”.

Họ dạy cho có giờ, có tiết được phân công trên thời khóa biểu. Kiến thức truyền đạt không sai, vì cứ theo sách hướng dẫn mà “làm tới” là “an toàn”.

Họ là những giáo viên có thâm niên cao, là những bậc “cây cao bóng cả” trong nhà trường.

Vì vậy, ít ai dám góp ý vì số năm trong ngành của họ cũng không còn nhiều.

Giáo viên giỏi và thợ dạy khác nhau như thế nào? Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ từ sggp.org.vn
Giáo viên giỏi và thợ dạy khác nhau như thế nào? Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ từ sggp.org.vn

Hơn nữa, bậc “cha chú” thì đàn em “sinh sau đẻ muộn” phải biết “ý tứ”, không dám góp ý về chuyện phương pháp, chuyên môn …

Có những giáo viên sử dụng giáo án “nhuần nhuyễn” nhiều năm, vẫn cuốn giáo án ấy đều đều lên lớp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ học trò này qua thế hệ học trò khác!

Mặc dù có quy định: giáo án từ năm năm trở lên phải có bổ sung kiến thức nhưng việc họ có “bổ sung” hay không thì là chuyện khác…

Có khi chỉ là một tờ giấy A4 lẻ ghép vào, có khi là một bài báo cắt ở đâu đó…

Những giờ dạy khô cứng, không vì học sinh nên các em khó tiếp thu. Rồi phụ huynh phản ánh.

Bản thân thầy cô cũng lo mình chỉ là ...thợ dạy

Nhà trường gặp riêng góp ý thì họ bảo tại học sinh làm biếng học, trong giờ dạy không chú ý nghe giảng…

Họ không nghĩ rằng vì sao các em lại hờ hững, không chú ý nghe giảng?

Phải chăng lỗi thuộc về mình trước, không chịu mở mang kiến thức, tìm hiểu thêm những tư liệu để bài giảng sinh động, hấp dẫn?

Điều chúng tôi muốn nói ở đây là thực trạng “thợ dạy” hiện nay khá nhiều, họ làm cản trở cho việc đổi mới phương pháp.

Lương, thưởng thì “đến hạn lại lên”, dạy thiếu nhiệt tình vẫn không bị phê bình (mà ai dám phê bình) nên ảnh hưởng không ít đến tư tưởng, đến tinh thần phấn đấu của những giáo viên trẻ mới vào nghề.

Nhìn những cuốn giáo án với bìa cũ ố vàng, góc quăn queo vẫn được sử dụng … đều đều mà ái ngại!

Ở Việt Nam, lên bục giảng là Giáo viên hay Thợ dạy?

Thật “vô phước” cho những học trò gặp phải những “thợ dạy” như thế này.

Cũng kiến thức ấy, cũng thí dụ ấy, trình tự bài dạy ấy không hề thay đổi!

Năm nào, bài “Chơi chữ trong tiếng Việt” vẫn là “Ruồi đậu mâm xôi đậu/ Kiến bò đĩa thịt ” có sẵn trong sách giáo khoa, dạy hết lớp người anh (chị) qua lớp đàn em cũng vậy!

Sao không chịu khó tìm thí dụ khác như: “Bánh ít nhiều đường, bánh ít ngọt/ Trầu không có thuốc, trầu không cay” để nó mới hơn, lạ hơn, học sinh phải “vắt óc” suy nghĩ hơn?

Một khi các em giành nhau trả lời thì lớp mới sôi nổi, sinh động và vui hơn…

Xem ra “thợ dạy” vẫn còn “đất sống” bởi sự cả nể mang tính "truyền thống", tinh thần đấu tranh cho cái mới trong nhà trường chưa cao, chưa hiệu quả.

Thật buồn khi những “thợ dạy” Văn mà không thuộc nổi một bài thơ, đoạn văn; không thể ngâm nổi một bài thơ mà phải nhờ đến máy móc…

Như thế thì họ lấy “lửa” ở đâu để truyền “ngọn lửa” yêu văn chương cho học sinh, cho những tâm hồn non trẻ, đầy khát vọng?

HỒNG LAM SƠN