Thi tuyển hiệu trưởng sẽ hết tư tưởng “ông trời con”

01/09/2021 08:07
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi nguồn giáo viên khá dồi dào, đa dạng thì việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng sẽ chọn được người có trình độ và năng lực.

Trong bất kỳ công cuộc cải cách hay đổi mới nào con người luôn đóng vai trò là nhân tố then chốt và quyết định, với lĩnh vực giáo dục - nơi ươm mầm tài năng và cung cấp nguồn nhân lực cho quốc gia thì nó đặc biệt càng quan trọng hơn.

Nhìn nhận câu chuyện vừa qua Tuyên Quang khai mạc kỳ thi thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Kháng Nhật, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sóng Hiền - thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, việc chọn hiệu trưởng qua thi tuyển mà Tuyên Quang triển khai là một hướng đi sáng tạo, có tính đột phá góp phần thúc đẩy và thực thi thành công công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Với việc bổ nhiệm hiệu trưởng theo cách làm cũ thông qua quy hoạch cán bộ mà chúng ta đã và đang thực hiện làm hạn chế cơ hội tuyển dụng những cá nhân có phẩm chất và năng lực quản lý khác.

“Việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng sẽ giúp phá bỏ những hạn chế này, tạo cơ hội cho những người thật sự có tâm, có tài được tuyển chọn. Một vấn đề không kém quan trọng là việc thi tuyển hiệu trưởng sẽ giúp các trường trung học phổ thông chọn cho mình được cá nhân lãnh đạo có những tiêu chí phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu mà trường đó hướng tới”, ông Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sóng Hiền - thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia (ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Sóng Hiền - thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia (ảnh: NVCC)

Cũng theo vị này, việc thi tuyển sẽ giúp xoá bỏ tư tưởng “ông trời con” của các vị hiệu trưởng khi vị trí này không còn là đặc quyền chỉ cho một vài cá nhân được bế lên ngồi nhờ một quy trình khép kín.

Chưa kể, thi tuyển còn giúp đội ngũ giáo viên và học sinh, phụ huynh có cơ hội để hiểu rõ hơn về năng lực của vị thuyền trưởng sẽ chèo lái tương lai của mình từ đó họ thêm tin tưởng, đồng hành.

Cuối cùng một việc mà nhà nghiên cứu Nguyễn Sóng Hiền cho rằng hết sức quan trọng đó chính là hướng tới cơ chế tự chủ trong lãnh đạo và quản lý đối với bậc trung học phổ thông nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Theo ông, một điều không thể phủ nhận là mô hình trường học tự chủ sẽ là xu thế tất yếu trong thế kỷ 21 vì vậy hệ thống giáo dục cần phải tuyển chọn cho được những cá nhân có những tố chất, phẩm chất và năng lực có thể đáp ứng được những thách thức và yêu cầu của xu thế đó.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, thi tuyển hiệu trưởng là hình thức đổi mới trong công tác tuyển chọn cán bộ, tuy nhiên cần phải làm đúng phương pháp khoa học, đảm bảo độ công bằng, chính xác, tin cậy nếu không dễ hỏng việc.

“Thi tuyển là việc làm có ý nghĩa, mang lại niềm tin cho những người làm công tác quản lý giáo dục; tạo cơ hội cho những nhà giáo tâm huyết thể hiện, khẳng định bản thân và nỗ lực cố gắng đạt được kết quả tốt nhất. Nếu tuyển đúng thì sẽ chọn được người tài” Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Cũng theo Giáo sư Phạm Tất Dong, thường người ta nhìn góc độ hiệu trưởng như một nhà quản lý nhưng thực ra hiệu trưởng trước hết phải là nhà sư phạm. Nếu hiệu trưởng không phải là nhà sư phạm thì làm sao quản lý được giáo dục?

Để "nguồn cung" hiệu trưởng phong phú đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, trước mắt, cần cho giáo viên được bồi dưỡng bài bản, bởi lẽ hiệu trưởng vốn được đào tạo trong các trường sư phạm và sau đó phải được bồi dưỡng ở những trường đào tạo cán bộ hành chính. Như vậy công sức đổ ra để đào tạo hiệu trưởng gấp đôi so với đào tạo giáo viên.

Giáo viên chỉ đào tạo về mặt chuyên môn, đứng lớp giảng dạy nhưng hiệu trưởng không chỉ là giáo viên mà còn là cương vị người quản lý.

Cũng theo Giáo sư Dong, trong công tác bồi dưỡng sẽ thấy không phải cứ giáo viên dạy giỏi thì có thể làm hiệu trưởng giỏi. Bởi nhiệm vụ của hiệu trưởng quản lý sẽ không giống như quản lý một doanh nghiệp vì môi trường nhà trường là giáo dục, đào tạo con người.

Công tác của hiệu trưởng cũng không chỉ quản lý về mặt hành chính mà phải quản lý theo công nghệ giáo dục.

Trong đó, môi trường nhà trường là môi trường đạo đức chứ không phải môi trường xã hội đơn thuần. Chính vì thế, một hiệu trưởng phải là nhà giáo giỏi và nhà quản lý giáo dục giỏi. “Nếu hiệu trưởng yếu kém dễ sinh ra tiêu cực, khơi mào cho thi cử không nghiêm, nâng điểm hạ điểm….” Giáo sư Dong nhấn mạnh.

Do đó, vị Giáo sư này đề xuất, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo có thể rà soát tìm nguồn nhân tố mới là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và những giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, tạo điều kiện cho giáo viên nguồn tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị, các lớp quản lý. Khi nguồn giáo viên khá dồi dào, đa dạng thì việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng sẽ chọn được người có trình độ và năng lực, có phẩm chất, đạo đức.

Thùy Linh