Thi tuyển hiệu trưởng công khai sẽ dẹp được "chạy chọt", xóa "vua con" ở trường

01/12/2021 06:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy chế thi tuyển hiệu trưởng thì phải có sự bàn bạc giữa các Bộ để có văn bản thống nhất, chứ để các trường tự làm, tự mò mẫm thì đến lúc họ lại vấp.

Thời gian vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp để giáo dục "cất cánh". Một trong các đề xuất là chọn quản lý giỏi ở các trường bằng việc tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Thực tế, vào tháng 9 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cũng đã tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Kháng Nhật (Sơn Dương).

Tiếp đó ngày 23/11, Sở Giáo dục tỉnh Tuyên Quang thông báo thi tuyển Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông Xuân Vân (Yên Sơn).

Việc tổ chức thi tuyển hiệu trưởng của tỉnh Tuyên Quang được dư luận tán thành ủng hộ vì giải pháp này sẽ góp phần loại bỏ vấn đề được xã hội quan tâm là nạn "chạy chọt bổ nhiệm" hay "con ông cháu cha", góp phần thúc đẩy minh bạch trong tuyển chọn lãnh đạo ở trường học. Tuy nhiên, cách thức này chưa được nhân rộng tại nhiều địa phương.

Để có góc nhìn đa chiều liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận một số ý kiến chuyên gia giáo dục.

Thi tuyển hiệu trưởng để chọn người tài thật

Trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc thi tuyển hiệu trưởng là cách làm rất hay, thể hiện sự dân chủ, minh bạch trong tuyển chọn người tài thực sự trong giáo dục.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, tỉnh Tuyên Quang đã làm rồi. Quá trình làm nếu Tuyên Quang kiến nghị Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ để có sự thống nhất từ quy trình đến tiêu chuẩn thì sẽ hoàn toàn có thể triển khai rộng được.

"Quy trình tuyển chọn hiệu trưởng có thể để giáo viên xung phong xin thi, hay phải qua vòng sơ tuyển rồi mới thi, quy trình này phải bàn với nhau rất kĩ.

Quy chế thi tuyển thì phải có sự bàn bạc giữa các Bộ để có văn bản thống nhất, chứ để các địa phương tự làm, tự mò mẫm thì đến lúc họ lại vấp. Từ đây, dần dần mất đi ý nghĩa của việc thi tuyển hiệu trưởng. Giờ phải làm sao để có sự chỉ đạo thống nhất, quy chuẩn, quy trình rõ ràng", Tiến sỹ Tùng Lâm nhận định.

Tiến sỹ Tùng Lâm cũng cho hay, hiện tại cần có phải có tiêu chuẩn chung về hiệu trưởng thông qua thi tuyển, từ đây chúng ta mới có góc độ để góp ý cho hoàn thiện hơn. Đồng thời, nếu mang lại hiệu quả tốt thì nên áp dụng ở nhiều địa phương khác.

Góp phần ngăn chặn tình trạng "chạy chọt", "con ông cháu cha"

Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc bổ nhiệm hiệu trường theo quy hoạch cán bộ đã và đang làm hạn chế cơ hội tuyển dụng cho những cá nhân có phẩm chất, năng lực quản lý.

Thực tế, trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có nhiều lo ngại sự tác động từ trên xuống, từ dưới lên để "nhét" người thân quen vào. Vì thế, thi tuyển công khai nếu có một quy trình chuẩn, thống nhất dưới sự bàn thảo của 2 ngành Giáo dục và Nội vụ, chắc chắn người ứng tuyển, thi tuyển đều phải thực sự có năng lực. Cùng với đó, những người ngồi vị trí giám khảo chấm tuyển công tâm, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được thi tuyển công khai chắc chắn là người có năng lực thực sự.

Khi loại bỏ được tình trạng “con ông cháu cha” từ việc thi tuyển hiệu trưởng, Tiến sỹ Tùng Lâm cho rằng sẽ giảm các vấn đề tiêu cực khác trong giáo dục như lạm thu, lạm chi, dạy thêm - học thêm chính khóa...

"Những người đúng chuẩn mực thì người ta sẽ làm chuẩn chỉnh. Đồng thời song song với việc thi tuyển này thì cần nêu cao văn hóa từ chức, ai vi phạm quy định thì phải xử lý", Tiến sỹ Tùng Lâm nhấn mạnh.

Hiện nay thực trạng trạng bổ nhiệm hiệu trưởng làm hạn chế cơ hội cho những người đủ phẩm chất, năng lực quản lý.

Trong khi đó, đối với việc thi tuyển thì những người không đủ phẩm chất, không đủ năng lực sẽ thấy ngay khi thi tuyển công khai. Ví như việc người thi phải đưa ra đề án và phương án xử lý một số tình huống, nó sẽ cho thấy năng lực thực sự của họ.

Tiến sỹ Tùng Lâm nhận định, việc thi tuyển hiệu trưởng nên để cho các địa phương tự tổ chức. Trong bài thi thì Hội đồng chấm thi đưa phần lý thuyết vào bài thi ít thôi, cái chính là hỏi về đề án để người thi giải quyết. Trong cuộc thi thì phải nghiên cứu chặt chẽ tính thực tế, gắn liền với nhà trường.

Bày tỏ sự ủng hộ với việc nên thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường công lập, Phó giáo sư - Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá việc thi tuyển hiệu trưởng là một trong những cách để tìm người thích hợp với công việc đó.

Còn hiện nay, việc bổ nhiệm hiệu trưởng theo kiểu đề bạt, quy hoạch, dù có tiêu chuẩn nhưng nó vẫn mang tính chủ quan của người quản lí nào đó. Việc này có thể dẫn đến tình trạng "con ông cháu cha" sẽ được đề bạt hoặc tình trạng chạy chức chạy quyền vào vị trí hiệu trưởng.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhận định, việc thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là việc nên làm và làm như vậy thì sẽ tuyển được ứng viên là người tài.

Ví như người được tuyển phải hiểu được tình hình của trường đó như thế nào, cần phải đưa trường đó đi lên như nào theo kế hoạch của họ. Nếu họ vào trường thì có kế hoạch thế nào để nâng trình độ của cán bộ giảng dạy, đến khoảng thời gian nào đó phải đạt được trình độ đặt ra.

Hoặc nhà trường cần phải có tham gia nghiên cứu khoa học hay thay đổi phương pháp dạy, nhất là trong thời điểm công nghệ 4.0 chuyển đổi số thì họ phải làm như nào để cán bộ, học sinh theo kịp.

Hội đồng thi đưa ra tiêu chuẩn, đề bài như vậy thì người ứng cử phải có đề án rõ ràng, trên cơ sở đó phải xét những đề án của những người có khả năng khả thi, có đạo đức tốt. Cách làm như vậy sẽ khách quan hơn và nên khuyến khích.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định, nếu Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục thấy việc tổ chức thi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại cơ sở làm tốt, minh bạch, khách quan thì Bộ phải có sự chỉ đạo rõ ràng để các nơi cùng thực hiện.

"Tôi từ trước đến nay luôn luôn ủng hộ người lãnh đạo tốt, giỏi đưa đơn vị đó tiến lên phía trước, còn đơn vị nào có lãnh đạo là "con ông cháu cha" thì như dân gian vẫn nói, "quan đần dân khổ". Những người giữ chức vụ hiệu trưởng không có năng lực thì cả tập thể đó khổ, còn người tài giỏi sẽ giúp cả tập thể đó đi lên, đất nước phát triển", Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Mạnh Đoàn