Thị trường lao động còn “khát” nhân lực, vì sao cử nhân vẫn thất nghiệp?

31/12/2021 13:51
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sĩ Dương Văn Bá: “Nếu trường đại học không thay đổi tư duy, cách thức tổ chức đào tạo thì câu chuyện cử nhân thất nghiệp sẽ còn tiếp diễn”.

Bước ra từ cổng trường đại học, số lượng cử nhân thất nghiệp được thống kê hằng năm vẫn là con số đáng báo động, trở thành vấn đề “nhức nhối” của ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung.

Sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành, hoặc phải đào tạo lại ở các doanh nghiệp, vấn đề này có phần trách nhiệm của các trường đại học trong công tác đào tạo của mình.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Dương Văn Bá – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp rất lớn nhưng cử nhân vẫn thất nghiệp, lý do hàng đầu là bởi sinh viên ra trường nhưng không làm được việc, không đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề.

Loại bỏ tư duy "đến trường chỉ để học kiến thức"

Theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, câu chuyện đào tạo của giáo dục đại học đang tồn tại nhiều bất cập. Trong khi người học vẫn quan niệm đến trường chỉ để học kiến thức, học tập vì bằng cấp thì chương trình đào tạo trong nhà trường vẫn nặng về lý thuyết, hoạt động thực hành chưa đi vào thực chất.

Hệ quả là khi sinh viên ra trường, dù kiến thức nền tốt nhưng lại thiếu kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng mềm.

Theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, đào tạo giáo dục đại học cần tăng cường thực hành và hoạt động thực hành cần đi vào thực chất. (Ảnh: NVCC)

Theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, đào tạo giáo dục đại học cần tăng cường thực hành và hoạt động thực hành cần đi vào thực chất. (Ảnh: NVCC)

Dẫu trong chương trình đào tạo của trường đại học đã bao gồm phần lý thuyết và thực hành nhưng thực hành còn ít, chưa phát huy hiệu quả, chưa giúp người học hình thành kỹ năng làm việc, vì vậy mà năng lực chuyên ngành còn yếu.

“Chưa kể thời gian thực tập của sinh viên tại các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn quá ít ỏi. Mỗi sinh viên chỉ có 2-3 tháng thực tập, khoảng thời gian này không đủ để hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho các em. Một số em còn tham gia thực tập một cách gượng ép, làm hình thức, hoàn thành báo cáo để nộp cho nhà trường, chưa biết tận dụng thời gian quý giá này để học hỏi, rèn luyện.

Ngược lại, có một số sinh viên ra trường làm được việc bởi ngay khi còn đi học, các em đã tự tìm kiếm cơ hội cho mình để thực hành và thực tập nhiều hơn”, thầy Bá nhận định.

Vấn đề thứ hai là nhiều trường đại học chưa tư vấn sâu cho sinh viên về nghề nghiệp. Khi nhập học là sinh viên đã có sự lựa chọn về ngành học. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều sinh viên vào trường đại học rồi vẫn không biết sau này ra trường mình sẽ làm gì, và có thể làm ở đâu. Nguyên nhân là do hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên của các nhà trường còn hạn chế và chưa được quan tâm.

Các trường cần đẩy mạnh công tác định hướng công việc, nghề nghiệp cho sinh viên, giúp các em có định hướng rõ về công việc tương lai của mình, từ đó chủ động học hỏi, tìm hiểu và biết cách thâm nhập sớm vào thị trường lao động theo nghề nghiệp mình yêu thích.

Đào tạo gắn liền với doanh nghiệp

Thạc sĩ Dương Văn Bá cho rằng, để giải quyết bài toán cử nhân thất nghiệp, các trường đại học cần thay đổi về tư duy đào tạo cũng như cách thức triển khai, công tác tổ chức đào tạo. Điều quan trọng là phải tăng cường thực hành, thực tế cho sinh viên tại các cơ sở, doanh nghiệp, để sinh viên được học việc một cách đúng nghĩa, được cọ xát, rèn luyện trong chính môi trường lao động của ngành nghề mình đang học.

Trường Đại học Hòa Bình xây dựng chiến lược, tư duy đào tạo theo định hướng ứng dụng, thực hiện mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp để sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. (Ảnh: NVCC)

Trường Đại học Hòa Bình xây dựng chiến lược, tư duy đào tạo theo định hướng ứng dụng, thực hiện mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp để sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. (Ảnh: NVCC)

Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào trong hoạt động đào tạo của nhà trường. Muốn vậy, nhà trường phải có kế hoạch, chương trình đào tạo gắn với doanh nghiệp, hợp tác trong đào tạo để tạo nên một nguồn nhân lực lao động làm được việc, làm tốt việc và làm giỏi việc.

Đây là yêu cầu cấp thiết, quan trọng của giáo dục đại học. Những đổi mới trong đào tạo, đặc biệt là tăng cường thực hành, thực tế cho sinh viên là “chìa khóa” giải quyết bài toán nhân lực lao động cho xã hội.

“Hiện nay, một số trường đại học đã thực hiện ký kết hợp tác với doanh nghiệp nhưng vẫn còn nửa vời, thiếu hiệu quả.

Sau khi giới thiệu sinh viên đến các doanh nghiệp thực hành, thực tập, chỉ có một số lượng nhỏ sinh viên chịu khó học tập và học làm việc, điều đó chứng tỏ cả phía doanh nghiệp và nhà trường đều chưa vào cuộc một cách sâu sát trong hoạt động đào tạo, trong quản lý sinh viên thực tập và chưa đi đến cuối cùng mục tiêu của việc hợp tác”, thầy Bá nêu quan điểm.

Cũng theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, Trường Đại học Hòa Bình đã xây dựng chiến lược, tư duy đào tạo theo định hướng ứng dụng, thực hiện mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, với mục tiêu sinh viên ra trường làm được việc, làm tốt việc và làm giỏi việc.

Là trường thuộc tập đoàn kinh tế, nhà trường có lợi thế khi có sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn trong tập đoàn, sinh viên có cơ hội được tiếp xúc sớm với thị trường lao động, được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, rèn luyện và thực hành kỹ năng ngành nghề từ rất sớm.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp ngoài tập đoàn để triển khai, tổ chức mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Yêu cầu đặt ra là làm sao để sinh viên vừa học lý thuyết ở trường vừa có cơ hội thực hành với doanh nghiệp, tiếp cận với thị trường lao động.

“Nếu 4 năm học, sinh viên không được tiếp cận với thị trường lao động, không được đào tạo trong các doanh nghiệp, các em sẽ thiếu hụt trầm trọng kỹ năng lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng nghề nghiệp. Sau khi ra trường, các em bỡ ngỡ, không thể hòa nhập và không được thị trường lao động chấp nhận.

Đó chính là lý do để Trường Đại học Hòa Bình đẩy mạnh mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, các đơn vị phòng, khoa trong trường cũng tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu đào tạo của mình.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn, mở ra cơ hội cho sinh viên được đào tạo trong chính môi trường doanh nghiệp. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho sinh viên thực hành tại doanh nghiệp theo từng năm”, Thầy Bá cho biết.

Thạc sĩ Dương Văn Bá cũng khuyến khích tinh thần chủ động của sinh viên trong hoạt động học tập, rèn luyện kỹ năng và tìm kiếm cơ hội việc làm. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Dương Văn Bá cũng khuyến khích tinh thần chủ động của sinh viên trong hoạt động học tập, rèn luyện kỹ năng và tìm kiếm cơ hội việc làm. (Ảnh: NVCC)

Cụ thể, sinh viên theo học các ngành của nhà trường đều được tiếp cận với thị trường lao động từ năm nhất. Trong hai năm học đầu tiên, các em được tham gia ở những thị trường lao động giản đơn để làm quen, học hỏi cách giao tiếp, kỹ năng xử lý vấn đề trong công việc, tìm hiểu quá trình vận hành của hệ thống dịch vụ, sản xuất, đồng thời rèn luyện tinh thần, kỷ luật lao động.

Những năm học cuối, sau khi đã có kiến thức chuyên ngành và được nhà trường định hướng rõ nét về công việc, các em sẽ được thực hành kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện và phát triển trong môi trường lao động đúng ngành nghề.

Ngoài ra, theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, để không rơi vào cảnh ra trường thất nghiệp, bản thân sinh viên cũng phải tự mình chủ động tìm hiểu, học tập các kiến thức cần thiết, tìm kiếm cơ hội thực hành để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Theo đó, sinh viên bước vào môi trường giáo dục đại học cần phải xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ chính và cần phải bố trí thời gian để thực hiện song hành.

Đầu tiên là việc học, sinh viên cần có tinh thần tự học, học tại trường, học ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào để có kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội thật vững.

Thứ hai là tham gia rèn luyện, sinh viên chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng trong và ngoài trường để rèn luyện kỹ năng mềm trong cuộc sống.

Thứ ba là làm việc, bên cạnh sự hỗ trợ, kết nối của nhà trường, sinh viên đại học cần tích cực tìm kiếm và tham gia vào thị trường lao động để học việc và sớm hình thành kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của những vị trí việc làm trong xã hội. Đi làm không phải vì mục đích kinh tế mà là tìm môi trường để học hỏi, rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tìm cơ hội công việc cho chính mình sau khi tốt nghiệp.

Phạm Minh