Thi trung học phổ thông trên máy tính, khó khăn nhất ở đề thi và cơ sở hạ tầng

31/12/2019 06:25
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Theo tôi, khó khăn và thách thức lớn nhất đối với việc tổ chức thi trên máy tính nằm ở 2 khâu: ngân hàng đề thi và cơ sở hạ tầng phải đảm bảo.

Cục quản lí chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ban hành kế hoạch số 1527/KH-QLCL, ngày 06/12/2019 về việc tổ chức điều tra, khảo sát để xây dựng phương án thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020. 

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chọn một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tiến hành tổ chức khảo sát học sinh và giáo viên có đồng ý hay không đồng ý với  việc tổ chức thi trên máy tính.

Là một thầy giáo, cán bộ quản lý ở trường trung học phổ thông, tôi rất hoan nghênh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tra, khảo sát, lấy ý kiến của học sinh và giáo viên trước khi ra quyết định có tổ chức thi trên máy tính hay không. 

Đề xuất thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính được nhiều chuyên gia đồng tình (Ảnh minh họa: INT/giaoducthoidai.vn).
Đề xuất thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính được nhiều chuyên gia đồng tình (Ảnh minh họa: INT/giaoducthoidai.vn).

Thầy Phù Trọng Hưng, tổ trưởng tổ toán, Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) cho rằng:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến của  giáo viên và học sinh, hai chủ thể chính của  quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi trung học phổ thông quốc gia là hoàn toàn xác đáng. 

Chính họ hiểu hơn ai hết hình thức thi truyền thống (trên giấy) lâu nay với hình thức thi trên máy tính có những ưu điểm, nhược điểm như thế nào.

Bản thân tôi và nhiều thầy cô giáo ủng hộ phương án mới, tổ chức thi trung học phổ thông Quốc gia trên máy tính. 

Tất nhiên, cơ sở hạ tầng, phòng ốc, máy tính các thiết bị khác ở các địa phương phải được đầu tư mạnh thì mới đảm bảo yêu cầu cho việc thi cử sau năm 2020”.

Trang, học sinh lớp 12 của một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Trường em và một số trường ở đây cũng đã tổ chức kiểm tra trên máy tính. Tụi em rất hào hứng. Thầy cô giáo hướng dẫn qua (vài phút) là tụi em đã biết cách sử dụng các thao tác cần thiết. 

Sau năm 2021, có thể triển khai thi quốc gia trên máy tính

Làm xong, nhấn nút nộp bài, hiện ngay trên màn hình kết quả điểm, bao nhiêu câu đúng, bao nhiêu câu sai, thật mau lẹ và tiện ích nhiều thứ. 

Từ thực tế đó, tụi em luôn đồng tình và sẵn sàng với hình thức kiểm tra, thi mới”.

Người viết bài cách đây 3 tháng từng tham gia kỳ thi thăng hạng giáo viên, từ hạng ba lên hạng hai, tại Trường đại học Phạm Văn Đồng do Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức với 4 bài thi được thực hiện trên máy tính, cũng cảm nhận được tính tiện ích, hiệu quả của việc thi trên máy tính hơn hẳn so với thi làm trên giấy (cách truyền thống). 

Mấy năm nay, một số trường đại học đã tổ chức thành công việc thi tuyển sinh đại học qua bài kiểm tra đánh giá năng lực làm trên máy tính. Đây sẽ cơ sở, kinh nghiệm quý để Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, học hỏi, nếu hình thức thi trên máy tính được áp dụng đại trà những năm tới. 

Nếu nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ phía học sinh và giáo viên (qua điều tra, khảo sát) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương phải có kế hoạch, lộ trình chuẩn bị 2 khâu trên cho thật bài bản, chu đáo. 

Có vậy, hình thức thi trên máy tính mới thành công, đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân và Nhà nước. 

ĐỖ TẤN NGỌC