Thí sinh đã trúng tuyển, muốn rà soát điểm thi, phải chỉ ra dấu hiệu bất thường

08/08/2018 06:36
Đỗ Thơm
(GDVN) - Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh, ông chưa từng thấy có tiền lệ thí sinh đã trúng tuyển mà các trường tiến hành rà soát lại kết quả thi.

Như báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngày 6/8, một cán bộ của Phòng Đào tạo Học viện an ninh nhân dân (đề nghị không nêu tên) cho biết, năm nay học viện tuyển 220 chỉ tiêu nghiệp vụ an ninh và 12 chỉ tiêu ngoài ngành.

Kết quả tuyển sinh vào học viện, các địa phương chiếm số lượng thí sinh đỗ cao gồm có Sơn La 10 thí sinh, Lạng Sơn 23 thí sinh (trong đó có 12 em ở K20), Hòa Bình 14 thí sinh; Cao Bằng 14 thí sinh; Hà Tĩnh 15 thí sinh...

Các tỉnh thành khác như Hà Nội có 7 thí sinh, Nghệ An 5 thí sinh, Thanh Hóa 6 thí sinh.

Trong đó, Lạng Sơn có 2 thí sinh đạt điểm cao nhất ở khối thi A01 và D01 (Nam).

Hòa Bình có 3 thí sinh đạt điểm cao nhất, trong đó một thí sinh nam điểm cao nhất ở khối thi C03, một thí sinh nữ điểm cao nhất ở khối thi C03 và một nữ đỗ đầu khối D01.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho rằng: "Đã trúng tuyển, muốn rà soát kết quả thi, phải chỉ ra dấu hiệu bất thường". (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho rằng: "Đã trúng tuyển, muốn rà soát kết quả thi, phải chỉ ra dấu hiệu bất thường". (Ảnh: Thùy Linh)

Liên quan đến kết quả này, một số ý kiến cho rằng nên rà soát kết quả trúng tuyển của các thí sinh.

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam khẳng định, ngay khi xảy ra tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Thủ tướng đã chỉ đạo cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Công an phối hợp để làm rõ.

Và cơ quan chức năng đã phát hiện ra sai phạm ở một số địa phương.

“Đúng là kỳ thi năm nay khiến dư luận nghi ngờ lẫn lộn học sinh thi thật và thi “ảo” (thi không thật).

Vì vậy, nếu rà soát tất cả các cháu trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân thì chắc chắn sẽ có cháu thi bằng thực lực thật. Điều đó sẽ khiến các cháu cảm thấy bị xúc phạm.

Bởi nếu rà soát tất chả khác nào coi tất cả các cháu đều gian lận. Việc này tôi cho là rất khó.

Vì vậy, trường nếu muốn rà soát phải chỉ ra được dấu hiệu bất thường của thí sinh trúng tuyển.

Làm gì thì làm cũng phải đảm bảo quyền lợi của tất cả các cháu sau khi đã có kết quả trúng tuyển. Chúng ta không thể vơ đũa cả nắm được.

Việc đã có kết quả trúng tuyển rồi mà trường rà soát lại, tôi nhớ là chưa từng có tiền lệ”, Giáo sư Phạm Tất Dong nói.

Ông phân tích, kết quả thi đã được công bố, công nhận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã rà soát kết quả ở Lạng Sơn và không phát hiện ra gian lận. Vì vậy, trừ phi, thí sinh nào bị phát hiện gian lận thì mới xem lại kết quả thi mà thôi.

Ở trường hợp nghi ngờ kết quả của các thí sinh là cảnh sát cơ động trúng tuyển thì cũng phải có cơ sở thì trường mới được rà soát.

“Phải có dấu hiệu bất thường thì việc rà soát thí sinh trúng tuyển mới khiến chính họ tâm phục khẩu phục”, Giáo sư Dong nhấn mạnh.

Thí sinh đã trúng tuyển, muốn rà soát điểm thi, phải chỉ ra dấu hiệu bất thường ảnh 2Học viện An ninh nhân dân không có nguyện vọng và ý định rà soát lại kết quả

Ông nêu một thực tế là trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm nay, số học sinh bị phát hiện gian lận thi cử  lại ít hơn người chịu trách nhiệm tổ chức, giám sát thi vi phạm.

“Việc gian lận kết quả thi của thí sinh phải có bàn tay chống lưng thì mới làm được.

Không phải bỗng dưng mà có thể gian lận kết quả thi được. Phải có sự cấu kết của người chấm mà người chấm lại có anh bên ngoài giật dây.

Thậm chí, tôi nghĩ trong số các cháu bị phát hiện có gian lận thi cử vừa qua, bản thân các cháu và bố mẹ có khi lại không xin xỏ ai cả.

Nhưng vì các em này là con quan to nên hệ thống bên dưới có tác động, chủ động quan tâm”, Giáo sư Dong đánh giá.

Vì thế, năm nay mục đích ngăn thí sinh làm bậy không đạt được mà lại nảy nòi ra thầy giáo, cán bộ làm trong ngành giáo dục bị kỷ luật, khởi tố.

“Thực tế, kỳ thi tổ chức theo cách giao cho các địa phương như năm nay thì việc gian lận thi cử ở các địa phương khác khó có thể nói là không có. Chỉ là ít hay nhiều mà thôi.

Tôi cho rằng, cái cần làm hiện nay là giải quyết dứt điểm việc gian lận thi cử  ở các địa phương đã được phát hiện. Trả lại điểm thực cho các thí sinh. Bởi nếu càng kéo dài sẽ càng làm mất niềm tin của người dân”, Giáo sư Phạm Tất Dong nói.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Điều cần làm bây giờ là tính toán phương cách thực hiện kỳ thi năm tới hiệu quả, chấm dứt được tiêu cực”.

Đại biểu nêu quan điểm, kỳ thi quốc gia đã kết hợp được cả 2 nội dung là cải tiến rất có lợi, giảm chi phí xã hội, giảm phiền hà cho gia đình, học sinh.

Những cải tiến kỳ thi năm tới cần tính toán đến các yếu tốt. Thứ nhất là cải tiến việc ra đề thi, hạn chế tiêu cực xảy ra.

Khâu chấm thi, coi thi phải đổi cụm, chấm theo cụm.

“Theo tôi, chúng ta cần giữ ổn định cho kỳ thi bằng cách làm đảm bảo khách quan hơn. Nếu hễ chút là đòi thay đổi thì làm sao ổn định và theo kịp được”, đại biểu Phương chia sẻ.

Đỗ Thơm