Thí sinh chỉ được nộp 1 nguyện vọng, trúng tuyển là phải đi học

26/08/2016 06:10
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Nên chăng quy định rằng mỗi thí sinh trong một đợt xét tuyển chỉ được đăng ký vào một trường để xét tuyển. Khi đã đỗ trường nào thì phải học ở trường đó.

LTS: Góp ý về phương án thi năm 2017, thầy Trần Trí Dũng, từ Quảng Ninh có ý tưởng, quan điểm rất đáng chú ý.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về phương án cho mùa thi năm 2017, và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đang tổ chức thăm dò, vì vậy chúng tôi xin đóng góp một số quan điểm, lấy làm tham khảo nhằm hướng đến một mùa tuyển sinh thành công, làm tiền đề cho những năm tiếp theo.

Năm 2015 đánh dấu cho một mốc đổi mới trong Giáo dục, khi mà kỳ thi tốt nghiệp được nhập chung với kỳ thi tuyển sinh Đại học, còn được gọi là phương thức thi 2 trong 1.

Với phương thức này đã được đánh giá là khá tích cực do làm giảm áp lực thi cử đối với thí sinh, giảm tốn kém cho phụ huynh và xã hội. Ngoài sự cố sai sót về đề thi đối với môn Vật lí và sự không hợp lý trong việc xét tuyển nguyện vọng vào đại học, thì có thể nói hình thức thi này là một sự thành công, được xã hội ghi nhận.

Nhiều trường đại học lớn ở Hà Nội đang thông báo xét tuyển bổ sung (Ảnh: giaoduc.net.vn).
Nhiều trường đại học lớn ở Hà Nội đang thông báo xét tuyển bổ sung (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Tới mùa thi 2016 vừa qua, phương thức 2 trong 1 vẫn được áp dụng, cùng với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi quy chế xét tuyển hợp lý hơn thì có thể nói đây là một mùa thi thành công.

Tuy nhiên, với quy chế tuyển sinh hiện tại, hiện tượng thí sinh ảo và một số trường Đại học đã phải hạ điểm để tuyển sinh bổ sung cũng đang là một vấn đề được quan tâm.

Đặc biệt, một số trường có uy tín như Trường Đại học Y Hà Nội chẳng hạn, việc không tuyển đủ chỉ tiêu khi xét tuyển đợt 1 khiến cho nhà trường băn khoăn vì hiện tượng này ảo chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh của nhà trường.

Thí sinh chỉ được nộp 1 nguyện vọng, trúng tuyển là phải đi học ảnh 2

Sắp có phương án tuyển sinh năm 2017

Vì thế, đối với mùa thi năm 2017 cần lưu ý đến vấn đề này.

Bởi lẽ, nếu một số trường phải hạ điểm chuẩn khi xét tuyển bổ sung do thí sinh ảo sẽ làm giảm uy tín của nhà trường và gây suy nghĩ  đối với thí sinh đã được tuyển chọn đợt một trước đó.

Đối với hình thức thi 2 trong 1, theo tôi là hình thức thi hợp lý, tuy rằng hai kỳ thi có những yêu cầu khác nhau được nhập chung làm một, điều này chỉ đòi hỏi công tác ra đề thi và coi thi đảm bảo cho một mùa thi an toàn, không tiêu cực.

Thực tế đối với thi Đại học, mỗi trường và mỗi một ngành học có những yêu cầu khác nhau.

Vì thế, đối với đề thi theo hình thức này, đòi hỏi phải có sự phân loại cao đối với thí sinh, vừa là những yêu cầu cơ bản đối với học sinh chỉ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông có thể làm bài được 5, 6 điểm, bên cạnh đó là phải đảm bảo sự lựa chọn đòi hỏi đối với học sinh thi Đại học.

Do đó, đối với hình thức thi này, đây là một yêu cầu quan trọng.

Trên thực tế, việc ra đề thi chung cho các trường Đại học được bắt đầu từ mùa thi năm 2002 với phương thức ba chung cho tới nay đã được 15 năm mà không có trở ngại nào.

Nếu chúng ta đổi mới theo hướng giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông, và giao cho các trường Đại học tự tuyển sinh cũng có những hợp lý nhất định.

Tuy nhiên, việc giao cho các trường Đại học tự tổ chức tuyển sinh thì thực chất là chúng ta lại quay trở lại phương thức cũ với rất nhiều bất cập như trước đây.

Đó là đề thi không đảm bảo về phần kiến thức thuộc trong chương trình Trung học Phổ thông, nhiều khi nằm ngoài nội dung của sách giáo khoa, đòi hỏi quá cao đối với học sinh.

Cùng với đó là nạn dạy thêm và học thêm lại diễn ra gây bức xúc trong xã hội, không đảm bảo sự ổn định trong giáo dục.    

Đối với quy chế tuyển sinh, để hạn chế tình trạng thí sinh ảo, nên chăng quy định rằng mỗi thí sinh trong một đợt xét tuyển chỉ được đăng ký vào một trường để xét tuyển.

Khi đã đỗ trường nào thì phải học ở trường đó.

Quy định này sẽ góp phần định hướng tư tưởng cho học sinh trong việc cân nhắc lựa chọn ngành nghề mà mình theo đuổi, theo đúng quan điểm "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" mà ngày xưa các cụ nhà ta đã chỉ dạy.

Và chúng ta có thể tổ chức làm nhiều đợt xét tuyển cho các trường.

Thực tế trong các năm trước chúng ta cũng đã cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng khác nhau (3, 4) với nhiều đợt xét tuyển mà vẫn thành công, không gây bức xúc xã hội.

Đối với hình thức thi Quốc gia chung, do tính chất của đề thi nên học sinh chỉ thi tốt nghiệp điểm sẽ không cao và có thể học sinh thi Đại học điểm sẽ ở mức tương đương nhau nhiều hơn.

Thí sinh chỉ được nộp 1 nguyện vọng, trúng tuyển là phải đi học ảnh 3

Mang danh trường tốp trên mà ra sức vơ vét thí sinh là kém văn hóa

Vì thế, để đảm bảo khách quan, công bằng và thuận lợi cho việc xét tuyển, chúng ta nên quy định việc xét cộng điểm trên cơ sở của học bạ đã được đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Nên có quy định khi xét tuyển việc học sinh gửi  thêm bảng tổng kết quá trình học ở Trung học Phổ thông có xác nhận của thầy cô giáo và nhà trường.

Việc này được thực hiện trên cơ sở là cùng với việc ghi học bạ hàng năm của học sinh, các thầy cô giáo cần có thêm bảng tổng kết kết quả học tập của học sinh, để học sinh dùng trong việc thi tuyển sau này được thuận lợi.

Điều đó cũng gợi mở cho các trường đại học có thêm tiêu chí riêng trong việc tuyển sinh theo yêu cầu của trường mình, trên cơ sở kỳ thi chung và định hướng chủ động cho các trường.

Cũng với hình thức thi chung này mở ra định hướng giảng dạy cho các trường Trung học Phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo hiệu quả dạy tốt, học tốt và giảm áp lực thi cử.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn, nhận thức, cách hành văn và kiến nghị của riêng thầy giáo Trần Trí Dũng.

Trần Trí Dũng