Thi hay không Thi quốc gia, Bộ cần sớm quyết định

16/04/2020 11:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo muộn công bố công bố phương án thi quốc gia thì nhà trường sẽ trở tay không kịp!

Hai phương án cho kì thi quốc gia

Ngày 15/4, chia sẻ với báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã trình Chính phủ phương án thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, phương án thứ nhất là vẫn tổ chức kỳ thi quốc gia từ ngày 8 đến 11/8 với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6.

Bộ vẫn tổ chức kì thi quốc gia bởi theo tính toán, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc vào ngày 15/7 và học sinh lớp 12 vẫn còn gần một tháng để ôn tập - bằng thời gian ôn tập những năm trước. 

Bên cạnh đó, các trường đều dạy và học trực tuyến theo chỉ đạo hướng dẫn chính thức của Bộ từ ngày 25/3.

Và nếu dịch bệnh giảm, chậm nhất là từ ngày 15/6 học sinh có thể đi học trở lại, cộng với thời gian học trực tuyến trước đó thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm quyết định phương án thi quốc gia chính thức. (Ảnh minh hoạ: Moet.gov.vn)
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm quyết định phương án thi quốc gia chính thức. (Ảnh minh hoạ: Moet.gov.vn)

Cũng theo Bộ, nếu tổ chức quốc gia thi thì phương thức cơ bản vẫn giữ nguyên như năm 2019 nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. 

Ngoài ra, đề thi sẽ được giảm nhẹ hết mức có thể và không có các phần kiến thức đã được tinh giản nhưng vẫn phải đảm bảo phân loại được mức độ học lực của học sinh.

Còn phương án thứ hai là không tổ chức thi quốc gia, tùy thuộc vào tình hình dịch Covid-19. Lúc đó kỳ thi quốc gia sẽ giao cho các địa phương xét tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Tuy nhiên, nếu xét đặc cách tốt nghiệp thì Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục. [1]

Như vậy, thông tin mới nhất của Bộ về kì thi quốc gia năm nay có hai nội dung đáng chú ý: thứ nhất, vẫn thi quốc gia nhưng giảm môn thi; thứ hai, xét tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Có thể trường học trở tay không kịp

Là người có nhiều năm giảng dạy và ôn thi cho học sinh lớp 12, chúng tôi xin có ý kiến, Bộ cần sớm công bố phương án chính thức là thi quốc gia hay xét tuyển để trường phổ thông lên kế hoạch dạy học, ôn tập cho phù hợp và trường đại học chủ động trong công tác tuyển sinh cho năm học tới.

Bộ Giáo dục cần cân nhắc việc tổ chức kỳ thi quốc gia trong năm nay
Bộ Giáo dục cần cân nhắc việc tổ chức kỳ thi quốc gia trong năm nay

Theo tính toán, sau khi Bộ đã tinh giản chương trình thì cần khoảng 10 tuần giảng dạy để kết thúc học kì 2.

Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán Canh Tý, nhà trường đã dạy được 2 tuần chương trình của học kì 2 – như vậy còn khoảng 8 tuần thực dạy để kết thúc năm học.

Nếu tính mốc 15/5 học sinh cả nước đi học trở lại thì còn khoảng 8 tuần cho học kì 2 và khoảng 1 tháng để ôn thi quốc gia; còn ngày 15/6 mới mở trường (vì dịch bệnh kéo dài) thì thời gian học chỉ còn 4 tuần (15/7 là kết thúc năm học).

Cho dù học sinh đã được học online, học qua truyền hình trước đó nhưng nhiều giáo viên cho biết, mức độ tiếp thu bài của các em chỉ ở mức khoảng 60% so với dạy học ở trên lớp.

Chưa kể, số học sinh vắng học, nghỉ học còn nhiều nên buộc nhà trường phải dạy lại bài mới bắt đầu từ tuần thứ 3 của học kì 2 thì mới đảm bảo kiến thức.

Trong khoảng thời gian này, nhà trường còn phải tổ chức cho học sinh kiểm tra định kì (điểm hệ số 2); kiểm tra học kì (hệ số 3); chấm bài, vô điểm; hướng dẫn cho các em làm hồ sơ dự thi; tư vấn hướng nghiệp và hoàn tất các loại hồ sơ sổ sách – nhanh nhất cũng mất khoảng 2 tuần làm việc cật lực.

Ngoài ra, học sinh chỉ có khoảng 4 tuần để ôn thi là cập rập, cho dù có tăng tiết và học luôn ngày thứ bảy, chủ nhật.

Hơn nữa, học sinh phải ôn cả chương trình học kì 1 cho 4 bài thi với 6 môn học (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một tổ hợp tự chọn gồm 3 môn) là quá tải.

Nếu Bộ giảm môn thi quốc gia thì chỉ có thể giảm tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, chỉ giữ lại 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Như thế, nhà trường sẽ phải thay đổi kế hoạch ôn tập vì học sinh chỉ tập trung vào 3 môn này. 

Cho nên, khi Bộ sớm công bố phương án thi quốc gia thì nhà trường sẽ chủ động trong việc lên kế hoạch dạy học và ôn tập sau khi học sinh đi học trở lại.

Còn nếu Bộ công bố muộn, chắc chắn nhà trường sẽ trở tay không kịp vì những lí do như đã phân tích.

Trường đại học đang bị động trong khâu tuyển sinh

Muốn duy trì kỳ thi quốc gia, Bộ Giáo dục cần có lập luận khoa học, thuyết phục
Muốn duy trì kỳ thi quốc gia, Bộ Giáo dục cần có lập luận khoa học, thuyết phục

Trong trường hợp Bộ không tổ chức kỳ thi quốc gia thì một số trường đại học sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh theo 2 bước là sơ tuyển và kiểm tra riêng.

Trong đó, việc sơ tuyển dựa trên các kết quả học tập đã có sẵn của học sinh như học bạ, chứng chỉ tiếng Anh.

Sau bước sàng lọc này, thí sinh được chọn sẽ tiếp tục qua kỳ thi hoặc kiểm tra, phỏng vấn. [1]

Tuy vậy, nhiều trường đại học vẫn chờ quyết định chính thức từ Bộ sẽ thi theo phương án nào.

Bởi hàng năm có khoảng 70% các trường đại học sử dụng kết quả của kì thi quốc gia để xét tuyển, trong đó đa phần là các trường tư thục.

Được biết, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong ít trường cho đến thời điểm này đã quyết định phương án tuyển sinh riêng năm 2020, bằng một kỳ thi tổ chức chiều 25/7 tại trường, với hình thức thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn. [2]

Hoặc Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố 3 phương thức tuyển sinh năm nay, đó là tuyển thẳng các đối tượng theo quy chế tuyển sinh năm 2020 của Bộ;

Ưu tiên xét tuyển và xét học bạ theo các nhóm đối tượng; xét tuyển theo kết quả kỳ thi quốc gia 2020 thí sinh có tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp môn đăng ký xét tuyển từ 16 trở lên. [3]

“Nếu không thể tổ chức được kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà phải dùng phương án xét tuyển học bạ hay các phương án khác sẽ dẫn đến xáo trộn nhiều công tác xét tuyển đại học năm nay. 

Do vậy, trong trường hợp kỳ thi trung học phổ thông không thể được tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn chi tiết”, Báo Người lao động dẫn lời Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu ý kiến. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-gd-dt-trinh-chinh-phu-phuong-an-thi-thpt-quoc-gia-2020-de-nghi-giam-so-mon-thi-20200415163429619.htm

[2] //tuoitre.vn/dh-bach-khoa-ha-noi-cong-bo-phuong-thuc-tuyen-sinh-rieng-20200410195732708.htm

[3] //tuoitre.vn/dh-ngan-hang-tphcm-tang-chi-tieu-xet-tuyen-hoc-ba-20200413134926668.htm

[4] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truong-dh-tuyen-sinh-the-nao-neu-khong-thi-thpt-quoc-gia-20200412110136958.htm

Cao Nguyên