Thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng, sao lại yêu cầu "học sinh khác" ở nhà?

12/01/2019 07:22
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Từ sự việc này cho thấy căn bệnh thành tích đã ngấm sâu vào suy nghĩ của một số lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục hiện nay.

Thông tin ngành giáo dục thành phố Hải Phòng tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố đối với bậc tiểu học nhưng chỉ chọn học sinh giỏi, khá đi học còn những em “học sinh khác” thì cho ở nhà đã gây nên bất bình cho nhiều phụ huynh học sinh.

Từ sự việc này cho thấy căn bệnh thành tích đã ngấm sâu vào suy nghĩ của một số lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục hiện nay.

Dù vẫn biết đây là việc không hề mới nhưng làm một cách “công khai” như Hải Phòng thì có lẽ đây là lần đầu tiên xảy ra ở ngành giáo dục.

Từ lâu, dư luận đã nói nhiều đến việc “diễn” ở các hội thi, trong đó có hội thi giáo viên giỏi các cấp của ngành giáo dục.

Giáo viên giam gia hội thi giáo viên giỏi (Hình ảnh mang tính chất minh họa: ththanhxuantrung.pgdthanhxuan.edu.vn).

Giáo viên giam gia hội thi giáo viên giỏi  (Hình ảnh mang tính chất minh họa: 

ththanhxuantrung.pgdthanhxuan.edu.vn).

Chính vì vậy, ngày 17/12/2018 vừa qua, trong buổi làm việc ở Yên Bái thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Ông nói: “Tôi đang yêu cầu các vụ, cục rà soát đẻ cắt giảm, nhiều cuộc thi hình thức, gây áp lực, không nâng cao được chất lượng cho giáo dục.

Thi đua dạy tốt, học tốt nhưng phải tốt thật chứ không phải áp lực theo hướng xấu. Chứ thi mà không thiết thực, diễn là chính thì rất phản cảm.

Năm ngoái đã cắt một loạt các cuộc thi rồi, năm nay tiếp tục rà soát. Cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả”.

Những trăn trở của vị Tư lệnh ngành mới đây đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người, nhất là đội ngũ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường.

Bởi từ lâu, nhiều giáo viên không muốn tham dự hội thi giáo viên giỏi các cấp vì nó mang tính “diễn” hơn là một hội thi.

Thế nhưng, những trăn trở của Bộ trưởng chưa đầy một tháng sau thì sự việc này đã xuất hiện ở Hải Phòng- đây thực sự không chỉ gây nên “phản cảm” mà nó còn gây bức xúc cho phụ huynh, cho xã hội.

Thông thường, hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh (thành phố) được tổ chức 4 năm một lần.

Và, đương nhiên là hội thi này sẽ do Sở Giáo dục đứng ra tổ chức, điều hành. Thế nhưng, việc làm của Sở Giáo dục thành phố Hải Phòng cho thấy rất nhiều điều bất ổn vì không hướng tới tính trung thực và ý nghĩa thiết thực của hội thi.

Trong thông báo bằng tin nhắn điện tử của trường tiểu học Lê Hồng Phong - nơi diễn ra phần thi thực hành đã gửi cho phụ huynh có nội dung như sau:

Trường tiểu học Lê Hồng Phong thông báo, từ thứ 4 (9.1) đến thứ 6 (ngày 11.1), Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học tại trường.

Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học. Trân trọng!”.

“Học sinh khác” ở đây là đối lượng học sinh nào? Chắc chắn đó là những em có học lực yếu trong lớp- những em sẽ không thể “đóng góp” vào sự thành công của tiết dạy và hội thi.

Vậy nên, các em phải ở nhà để những bạn của mình có học lực khá hơn tham gia vào những tiết “diễn” của hội thi.

Đây không chỉ là sự đối xử bất bình đẳng mà nó hoàn toàn thiếu đi tính nhân văn ở trong môi trường giáo dục.

Vì thế, những thầy cô tham dự hội thi có được công nhận là giáo viên giỏi cấp thành phố, hội thi có “thành công tốt đẹp” đến đâu thì việc làm này của ngành giáo dục Hải Phòng cũng đã không còn nhiều ý nghĩa.

Một vị phụ huynh có con bị thông báo nghỉ học đã có những chia sẻ chua chát như sau:

Thi giáo viên dạy giỏi mà chỉ tuyển chọn các học sinh ngoan, học giỏi, nhận thức tốt để dạy còn các học sinh khác ở nhà thì khác nào chỉ để tô vẽ bộ mặt bên ngoài của ngành giáo dục.

Chỉ các học sinh ngoan, giỏi tham gia bài giảng của giáo viên dự thi là điều quá dễ dàng, cần gì phải thi nữa”.

Thế nhưng, sự việc này đã và đang xảy ra đối với ngành giáo dục.

Trong khi, cấp tiểu học hiện nay được quy định chỉ có 35 học sinh/ lớp thì số lượng này có nhiều nhặn gì đâu mà lại yêu cầu các em học sinh có học lực yếu kém ở nhà?

Vậy nhưng, khi chia sẻ với báo chí về vấn đề này thì ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở Giáo dục thành phố Hải Phòng đã nói:

Một năm trong ngành giáo dục có khoảng 2 - 3 tuần phục vụ cho các hoạt động khác và hội thi này là một hoạt động chuyên môn của ngành, thầy cô đi thi, cho các học sinh nghỉ học là chuyện bình thường. Vì là hội thi nên không thể lấy số lượng nhiều, chỉ lấy lượng học sinh nhất định để thực hiện bài giảng”.

Trên cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục của thành phố Hải Phòng, có lẽ ông Giám đốc Sở đã có những ý kiến chủ quan chăng?

Tại sao ông lại đặt vấn đề “thầy cô đi thi, cho các học sinh nghỉ học là chuyện bình thường” được?

Nếu thầy cô đi thi mà hội thi đó không liên quan gì đến học sinh thì đó mới là chuyện “bình thường”.

Nhưng, ở đây là hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố, là giảng dạy trên lớp và liên quan trực tiếp đến học sinh nên việc cho học sinh yếu kém nghỉ học tất nhiên là chuyện “không bình thường” một chút nào.

Hơn nữa, đã gọi là hội thi giáo viên giỏi thì giáo viên tham dự phải hội tụ đầy đủ các khả năng, phẩm chất của người thầy.

Giáo viên đó phải biết phát huy thế mạnh của những em học sinh khá giỏi, biết động viên, khích lệ những em yếu kém tiến bộ thì mới được gọi là “giỏi”.

Đằng này chỉ dạy những em có học lực khá, giỏi thì đương nhiên chỉ mới đánh giá được bề nổi của người thầy.

Vì thế, việc không để tất cả học sinh học tập ở lớp là một sai lầm của hội thi giáo viên giỏi.

 Nếu như tổ chức thao giảng thì có nhiều giáo viên đến dự, việc lựa chọn một số lượng học sinh nhất định còn có thể còn chấp nhận được vì thao giảng chỉ có 1 tiết mà phòng học thì có hạn trong khi giáo viên dự giờ quá đông.

Nhưng đây là hội thi giáo viên giỏi, mỗi tiết dự giờ chỉ có 3 giám khảo, họ có thể ngồi trong cùng 1 bàn với nhau được.

Sự có mặt của ban giám khảo không làm mất quá nhiều không gian của lớp học nên mọi giải thích của lãnh đạo ngành giáo dục Hải Phòng nhằm bao biện cho cái sai của mình có lẽ đều không hợp lý.

Học sinh nghỉ 3 buổi học thì ít nhất các em đã mất 15 tiết học (cấp tiểu học thường có từ 5-6 tiết/ buổi học), sau này càng khó khăn tiếp thu kiến thức ở các học kế tiếp.

Từ sự việc xảy ra như thế này ở Hải Phòng đặt ra vấn đề cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Giáo dục để chấn chỉnh tình trạng “diễn” trong ngành giáo dục.

Bởi, hội thi này là do Sở tổ chức mà còn như vậy thì hội thi cấp trường, cấp quận (huyện) sẽ còn “diễn” đến chừng nào?

Tài liệu tham khảo:

https://laodong.vn/giao-duc/hai-phong-giao-vien-thi-day-gioi-cam-hoc-sinh-kem-khong-duoc-vao-lop-651603.ldo

NGUYỄN CAO