Theo tôi, nếu Lịch sử là môn bắt buộc sẽ không 'vỡ trận' như nhiều người nghĩ

30/05/2022 06:36
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cấp Trung học phổ thông, chương trình được xây dựng ở tầm cao, không bị trộn lẫn giữa Lịch sử và Địa lý, chọn lọc những chủ đề cốt lõi.

“Môn Lịch sử đang là môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông, nếu giờ trở thành môn học bắt buộc thì tôi cho rằng, mọi thay đổi cũng không quá gian nan, phức tạp. Nói một cách khác là giáo viên vẫn có thể sắp xếp, điều chỉnh chương trình dạy một cách ổn thỏa, phù hợp bởi đây là chương trình được xây dựng rất hay, rất thực tế.

Cụ thể, chương trình môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng một cách rất khoa học với 3 mục tiêu.

Thứ nhất, phát triển năng lực lịch sử, bao gồm hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu để nhận thức được tư duy lịch sử, nhận thức được quy luật lịch sử, cũng như vận dụng các kiến thức lịch sử vào cuộc sống hiện tại.

Thứ hai, giáo dục lịch sử, có nghĩa giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cùng với tinh hoa văn hóa của nhân loại, giáo dục những phẩm chất của con người Việt Nam trong thời đại mới hướng tới phẩm chất của công dân toàn cầu.

Thứ ba, giáo dục hướng nghiệp, chú trọng kết nối những giá trị của những lĩnh vực nghề nghiệp như báo chí, luật pháp, hành chính,…

Chương trình chia ra ba mục tiêu rất rõ ràng, nếu như trong trường hợp môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, có nghĩa tất cả học sinh đều phải học thì giáo viên sẽ tập trung lựa chọn vào hai mục tiêu đầu, vì vậy không có gì phải quá lo lắng”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trương Thị Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chia sẻ.

Cô Trương Thị Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Trương Thị Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo cô Thu: “Với 2 mục tiêu đầu tiên là phát triển nhận thức lịch sử, phát triển giáo dục lịch sử, chúng tôi chú trọng và triển khai cũng khá đơn giản. Còn giáo dục hướng nghiệp sẽ không đưa vào dạy đại trà, phần này chỉ dành cho một số học sinh có định hướng sau này theo nghề nghiệp liên quan đến môn Lịch sử. Ví dụ toàn trường có 20 lớp 10 thì chỉ có 1 lớp hoặc có thể ít hơn nữa các em đi theo mục tiêu thứ ba.

Giáo viên sẽ biến mục tiêu đầu tiên là giáo dục hiện hành trở thành mục tiêu dạy đại trà cho tất cả học sinh từ lớp 10. Giáo viên có thể cắt đi phần giáo dục hướng nghiệp, tập trung phát triển 2 mục tiêu cơ bản.

Về phần nội dung chương trình mới được xây dựng rất hay và khoa học gồm 2 phần: chủ đề cốt lõi và chuyên đề nâng cao.

Ở phần chủ đề cốt lõi giúp học sinh tìm hiểu vấn đề về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực, cũng như lịch sử Việt Nam.

Với phần chuyên đề nâng cao, vấn đề được nâng cao chuyên sâu hơn nhưng chỉ phù hợp với một nhóm rất ít học sinh sau này lựa chọn trường, ngành nghề liên quan đến Lịch sử, mức kiến thức này cao hơn mức đại trà. Cấu trúc chương trình theo tôi khá hợp lí, và đại đa số học sinh chỉ tập trung học phần cốt lõi.

Vấn đề nữa là thời lượng, ví dụ: Chương trình lớp 10 sắp triển khai môn Lịch sử sẽ có 105 tiết, trong đó có 70 tiết học về các chủ đề cốt lõi, có 35 tiết học về chủ đề hướng nghiệp nâng cao. Nếu thành môn bắt buộc thực hiện đại trà, các trường sẽ rút bớt thời lượng còn 70 tiết cốt lõi và triển khai 1 tuần có 2 tiết, như vậy cũng tương đương với chương trình hiện hành đang thực hiện.

Có thể nói về mặt thời lượng, số tiết học, đội ngũ thầy cô, và độ khả thi của các trường sẽ không phải thay đổi quá nhiều, không bị xáo trộn, không “vỡ trận” như một số người đang nghĩ. Nếu môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, có nghĩa học sinh Trung học phổ thông sẽ học đủ 8 môn bao gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương. Ngoài ra các em lựa chọn các tổ hợp 4 môn còn lại trên cơ sở những tổ hợp môn mà nhà trường tự xây dựng để làm sao đủ số môn theo quy định của Bộ”.

Khi học xong, các em là những công dân 18 tuổi, bước vào đời có được một năng lực hoàn chỉnh, có được nhận thức, tình cảm, những lý tưởng sâu sắc, có được bản sắc của dân tộc mình. Ảnh minh họa: T.D.

Khi học xong, các em là những công dân 18 tuổi, bước vào đời có được một năng lực hoàn chỉnh, có được nhận thức, tình cảm, những lý tưởng sâu sắc, có được bản sắc của dân tộc mình. Ảnh minh họa: T.D.

Liệu có phải thay sách giáo khoa từ bậc Trung học cơ sở?

Cô Thu khẳng định: “Chương trình bậc trung học cơ sở thì sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý viết chung nhưng có 2 phần tách biệt. Đối với nội dung phần Lịch sử thì sách giáo khoa điểm lại những sự kiện, giai đoạn, thời kì lịch sử phù hợp với mức độ nhận biết của lứa tuổi trung học cơ sở. Hết lớp 9, các em nắm được kiến thức tổng quát.

Đến bậc trung học phổ thông, chương trình được xây dựng ở tầm cao hơn, không bị trộn lẫn giữa Lịch sử và Địa lý, trong đó giáo dục về quy luật, chọn lọc những chủ đề cốt lõi, tinh túy hơn hẳn với cấp trung học cơ sở.

Khi học xong, các em là những công dân 18 tuổi, bước vào đời có được một năng lực hoàn chỉnh, có được nhận thức, tình cảm, những lý tưởng sâu sắc, có được bản sắc của dân tộc mình. Có thể nói chương trình môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông rất hay, đạt được mức độ giáo dục ở tầm cao. Chương trình cũng tạo “điều kiện” hơn giúp cho giáo viên thăng hoa, say mê với việc truyền kiến thức, giúp học sinh thích học môn này”.

Cô Thu chia sẻ thêm: “Bản thân tôi cũng như rất nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử, thấy mình được giảng dạy một chương trình mới như vậy, tự thấy rất phấn khởi, rất tâm huyết và chờ mong".

Tùng Dương