Theo tôi, không thể bỏ Sao đỏ đi được

06/12/2018 06:40
THIÊN ẤN
(GDVN) - Hoạt động “tự quản” của học sinh thông qua đội cờ đỏ là phải có. Tại trường học, ai giám sát, theo dõi, đánh giá học sinh tốt, chính xác bằng học sinh (cờ đỏ)?

LTS: Trước nhiều bài viết nêu ra những điểm không tốt của đội cờ đỏ (đội sao đỏ), thầy giáo Thiên Ấn đưa ra ý kiến phản biện cho rằng đây là một hoạt động cần thiết trong nhà trường.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong thời gian quan, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài phản ánh về hoạt động cờ đỏ của học sinh trường phổ thông: Bé tí đã trịch thượng, cậy uy quyền, lớn lên sẽ như thế nào đây?;

Sao đỏ - "hồng vệ binh", nỗi ám ảnh của học trò; Thật ra không cần đội cờ đỏ;  

Trao quyền cho sao đỏ, lớp trưởng là tiếp tay cho bạo lực học đường?;

Đội Cờ đỏ - "ngáo ộp" trá hình ở trường học; Lớp trưởng và đội sao đỏ có phải là nguyên nhân gây ra bạo lực học đường?

Phần lớn các bài viết hướng đến những câu chuyện, sự việc, hiện tượng đơn lẻ với thái độ chỉ trích, phê phán, phản bác, phủ nhận toàn bộ vai trò, công lao của các em tham gia đội cờ đỏ ở trường phổ thông. 

Theo tôi, chỉ có bài “Lớp trưởng và đội sao đỏ có phải là nguyên nhân gây ra bạo lực học đường?” (đăng ngày 25/10/2016) của thầy giáo Nguyên Cao là đánh giá khách quan, công tâm và xác đáng về hoạt động “tự quản” này của học sinh. 

Tôi xin dẫn ra đây những ý kiến, nhận xét, tâm tư của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh để giúp cho bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan, chân thực về vấn đề này. 

Thành viên đội cờ đỏ của trường nhắc nhở phụ huynh dừng, đỗ xe đúng nơi quy định để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Báo Đăk Lăk điện tử
Thành viên đội cờ đỏ của trường nhắc nhở phụ huynh dừng, đỗ xe đúng nơi quy định để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Báo Đăk Lăk điện tử

Thầy Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng của một trường tiểu học ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: 

“Cấp tiểu học có cái thuận lợi, giáo viên chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy chính thường xuyên bám sát, gần gũi với các em, với lớp của mình. 

Qua theo dõi, quan sát trong các buổi dạy trên lớp, các giáo viên có thể nắm bắt, nhắc nhở, uốn nắn, điều chỉnh một số lỗi, vi phạm của học sinh như nói chuyện riêng, mất trật tự, tác phong chưa đúng quy định… 

Song đội cờ đỏ trong học sinh vẫn cần thiết để các em, các lớp “tự quản”, thi đua lẫn nhau vào đầu buổi, thời gian nghỉ giải lao…

Thực tế cho thấy, đội cờ đỏ trường tôi vẫn hoạt động hiệu quả lâu nay, chẳng có vấn đề gì cả. 

Tất cả giáo viên, phụ huynh và học sinh luôn ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ tối đa cho đội cờ đỏ làm việc. 

Tôi không đồng tình với đề xuất của một số người, trường học không cần cờ đỏ nữa.” 

Theo tôi, không thể bỏ Sao đỏ đi được ảnh 2Trong trường, thật ra không cần đội cờ đỏ

Thầy Lê Huyền Chung, Phó trưởng ban quản sinh Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) chia sẻ:

“Thời học sinh phổ thông tôi từng được thầy cô giáo viên cử làm cờ đỏ nhiều năm của lớp, của trường. 

Ngày ấy, tôi thấy cảm thấy rất vui và tự hào vì được đóng góp chút công sức của mình cho hoạt động theo dõi, chấm điểm thi đua các bạn, các lớp. 

Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra oai, dùng quyền lực, dọa dẫm, gây khó dễ đối với bạn bè, các lớp khác, lúc nào cũng trong sáng, hồn nhiên, vô tư đúng như lứa tuổi của mình. 

Bây giờ làm thầy, phụ trách mảng quản sinh, thường xuyên quán xuyến các em cờ đỏ, các em làm tốt lắm, các em chính là “cánh tay nối dài” của nhà trường, thầy cô giáo giúp cho kỷ cương, nề nếp học sinh tốt lên, bớt đi nhiều tiêu cực, lệch lạc… trong môi trường giáo dục...”.

Khi hỏi về vai trò, tính cần thiết của đội cờ đỏ hiện nay, ông Nguyễn Tấn Sâm, 39 tuổi, một phụ huynh, có 2 con học tiểu học và trung học cơ sở tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nhận xét:

“Tính tự giác của học sinh nói riêng, người Việt ta nói chung, nhìn tổng thể là chưa cao, còn nhiều hạn chế lắm.

Do vậy, trong nhà trường cần có các lực lượng, bộ phận tham gia quản lý giáo dục. 

Hoạt động “tự quản” của học sinh thông qua đội cờ đỏ là phải có. Tại trường học, ai giám sát, theo dõi, đánh giá học sinh tốt, chính xác bằng học sinh (cờ đỏ)? 

Thi đua, đánh giá lành mạnh, công tâm trong học sinh, giữa các lớp là một động lực quan trọng để chất lượng giáo dục được đảm bảo, bền vững. 

Nhà trường, thầy cô giáo biết cách “lái” các em cờ đỏ làm đúng vai trò, chức năng. 

Nơi này, nơi kia có vấn đề, chuyện nọ, chuyện kia thì trách nhiệm thuộc về người lớn, thầy cô giáo, đổ lỗi cho các em cờ đỏ là không được. 

Đừng dựa vào hiện tượng, một vài sự việc lặt vặt mà vội quy kết, phủ nhận sạch trơn hoạt động “tự quản” trong học sinh ở trường phổ thông, nhất là các thầy cô giáo- những “người trong cuộc”. 

Trường nào đã tốt càng làm cho nó tốt hơn. Trường nào chưa tốt, còn lệch lạc thì tự điều chỉnh, tìm biện pháp khả thi hơn. Thế mới là giáo dục.

THIÊN ẤN