Theo nhiều chuyên gia, giảng dạy trường chuyên chỉ cần thạc sĩ, tiến sĩ

25/03/2022 06:58
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ý kiến chuyên gia, việc giảng dạy trong trường chuyên chỉ cần thạc sỹ, không cần đến phó giáo sư, giáo sư.

Đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường Trung học phổ thông chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế trình Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Trong nội dung của Dự thảo có chính sách hỗ trợ 1 tỷ đồng với phó giáo sư, giáo sư và 300 triệu đồng đối với tiến sỹ về công tác tại trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, Phó giáo sư Đặng Thị Oanh (nguyên trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, với chính sách thu hút giáo viên là phó giáo sư, giáo sư có chế độ đãi ngộ cao nhưng vẫn sẽ có rất ít người về, bởi lẽ họ đều có công việc, cương vị tương đối ổn định trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong khi đó, nếu về trường trung học phổ thông chuyên, việc nghiên cứu cũng sẽ khó khăn.

Từ đây, Phó giáo sư Đặng Thị Oanh nhận định, thạc sỹ, tiến sỹ về công tác tại trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ sẽ hợp lí hơn.

"Theo tôi, tiến sĩ với thạc sỹ phù hợp với trường trung học phổ thông chuyên, còn phó giáo sư và giáo sư thì khó thu hút được đội ngũ này", bà Oanh chia sẻ.

Việc chi 1 tỷ đồng để thu hút phó giáo sư, giáo sư là một khoản tiền lớn nhưng cũng chưa chắc mang lại sự hấp dẫn. Bởi lẽ, có những phó giáo sư, giáo sư làm tại các viện nghiên cứu của các trường đại học thì họ kiếm số tiền này không phải là quá khó.

Phó giáo sư Đặng Thị Oanh - nguyên trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Đặng Thị Oanh - nguyên trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: NVCC)

"Có thể có một số phó giáo sư và giáo sư cả vài năm cũng không làm được đề tài nghiên cứu khoa học, tuy nhiên nói chung với trình độ như vậy, người có thực lực thì việc có đề tài nghiên cứu khoa học để có thu nhập ổn định không quá khó", Phó giáo sư Oanh chia sẻ.

Nguyên phó trưởng khoa Hóa, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận định, bên cạnh chế độ hỗ trợ cho phó giáo sư và giáo sư, thì việc ràng buộc thời gian công tác 10 năm công tác đối với những đối tượng trên cũng khó để họ đồng ý.

Bên cạnh đó, phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên cũng là sự lãng phí, bởi để có được học hàm như vậy thì họ phải đầu tư chất xám rất nhiều.

"Họ đạt đến trình độ phó giáo sư, giáo sư thì cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu và phải trải qua quá trình phấn đấu. Nếu về trường chuyên, thì cơ hội phát triển cho họ cũng rất khó", Phó giáo sư Oanh chia sẻ.

Về quan điểm phó giáo sư và giáo sư sẽ không phù hợp với môi trường năng động và tâm sinh lý của học sinh phổ thông, bà Oanh cho rằng quan điểm trên chưa hoàn toàn đúng, bởi hiện nay nhiều phó giáo sư, giáo sư rất trẻ và họ cũng nắm vững tâm lý học sinh.

Trao đổi thêm về chính sách trên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến- Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, đối với trường chuyên thì không nhất thiết phải có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà chỉ cần thạc sĩ về công tác giảng dạy trường chuyên là phù hợp.

"Nếu tỉnh Hòa Bình thành lập viện nghiên cứu thì dùng chính sách thu hút phó giáo sư, giáo sư về sẽ hợp lí. Tôi thấy nhiều giáo viên nổi tiếng ở trường chuyên đâu cần là tiến sĩ trở lên", Tiến sĩ Khuyến cho hay.

Đồng thời tại các trường đại học nghiên cứu thì mới cần nhiều tiến sĩ, còn giảng viên thì không nhất thiết phải là tiến sĩ.

"Ở nước ngoài, kĩ sư làm việc tại nhà máy, các doanh nghiệp không ham hố bằng tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Trong khi đó tại Việt Nam thì ngược lại. Chạy theo học vị, học hàm như vậy thì không tốt", tiến sĩ Khuyến chia sẻ.

Mạnh Đoàn