Theo học các ngành khoa học cơ bản rất tiềm năng, nhưng xã hội ít thông tin quá

12/10/2021 06:52
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà nước cần đưa ra các biện pháp thiết thực hơn về mức đãi ngộ như đối với sinh viên các trường sư phạm…hoặc có chương trình học bổng, miễn, giảm học phí.

Việc các thí sinh theo xu hướng lựa chọn những ngành học “hot” khiến điểm chuẩn ở một số ngành năm nay tăng đột biến, dẫn tới thực trạng nhiều em có điểm thi ở mức 26, 27 nhưng vẫn không đỗ vào trường đại học nào. Trong khi đó, nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống… điểm chuẩn vẫn ở mức chỉ khoảng 6 điểm/ môn nhưng thí sinh lại không mấy mặn mà.

Ở nhóm ngành khoa học tự nhiên, như Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học, Địa lý học, Khoa học môi trường, Tài nguyên và môi trường nước... rất cần những chuyên gia giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước lại rất trầy trật trong việc tuyển sinh. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các trường có đào tạo nhóm ngành khoa học cơ bản, hoặc những trường đại học đơn ngành, đào tạo ngành học đặc thù.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Cương - Phó trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Cương - Phó trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Kim Cương - Phó trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Về vấn đề này, thầy Cương cho biết:

“Vấn đề chính dẫn tới hiện tượng này là do nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành Khoa học cơ bản.

Hầu hết sinh viên tốt nghiệp những ngành này khi ra trường đều có việc làm ngay, nhưng có một số vấn đề như sau. Thứ nhất là thị trường lao động, ở những ngành khác thì rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào, nhưng với ngành Khoa học cơ bản thì tư nhân đầu tư rất ít, dẫn đến nhận thức của xã hội cũng như các bạn sinh viên không biết đến, trong khi những ngành này rất thiếu nhân lực nhưng sinh viên lại không được biết để theo học.

Tốt nghiệp những ngành này khi ra trường hầu hết làm việc trong các cơ quan nhà nước, nhưng mức thu nhập hàng tháng chưa mang tính cạnh tranh so với các ngành khác như kinh tế và công nghệ, chính vì thế sức thu hút không cao. Thứ hai, nếu để có vị trí và chỗ đứng tốt trong ngành thì sinh viên phải theo học lên cao nữa, thời gian học lâu hơn những ngành khác nên sinh viên không đủ tự tin để theo học.

Những sinh viên tốt nghiệp ngành này loại khá, giỏi thì cơ hội đi nước ngoài du học hoặc làm việc rất dễ, rất rộng mở. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Châu Mỹ… họ cũng rất cần nguồn nhân lực ở những ngành này, họ sẵn sàng tuyển sinh và cung cấp mức học bổng cao”.

Theo Tiến sĩ Cương: “Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra các kiến thức mới. Các kết quả của khoa học cơ bản là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng. Đó chính là nòng cốt của sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện tại, một số trường đại học đang đào tạo các ngành Khoa học cơ bản gồm những ngành truyền thống như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học cùng các ngành trong khối Khoa học Trái Đất như: Địa lí, Địa chất, Môi trường, Khí tượng và khí hậu học, Tài nguyên và Môi trường nước và Hải dương học.

Một nghịch lí ở nước ta hiện nay là những học sinh giỏi lại không thích thi vào các khối ngành nòng cốt cho sự phát triển bền vững đất nước như: sư phạm, luật, khoa học cơ bản, mà lại thích chọn vào trường kinh tế, công nghệ hay trường quân sự, nhìn ở góc độ nào đó thấy rất mất cân đối.

Ví dụ khoa học trái đất là ngành rất quan trọng, nó ảnh hưởng hàng ngày đến sự an toàn chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng của đất nước. Các hiểm họa thiên tai, bão lũ, động đất… cũng có thể là thảm họa dịch bệnh nếu xảy ra mà không có hiểu biết để cảnh báo sớm. Nếu những ngành khoa học trái đất bị bỏ ngỏ thì sự đối mặt của con người với tự nhiên sẽ là một khoảng trống, đơn giản có thể hiểu là không có ai “canh gác” cho sự sống của chúng ta.

Trong tương lai, nếu tất cả sinh viên giỏi, sinh viên không muốn vào học khoa học cơ bản sẽ dẫn tới đất nước thiếu trầm trọng nguồn nhân lực kế cận, những thế hệ nghiên cứu hiện nay sẽ già đi không có ai thay thế, đó sẽ là một sự nguy hiểm cho đất nước”.

Thực tế hiện nay, mỗi năm một số nhà trường có đào tạo ngành này chỉ tuyển được trên dưới 20 sinh viên theo học, đây cũng là một vấn đề nan giải trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai, về vấn đề này Tiến sĩ Cương nói:

“Thực ra, với con số 20-30 sinh viên/ngành hàng năm cũng không phải là ít bởi thị trường lao động của những ngành này chưa thực sự rộng mở. Với 30 sinh viên ra trường hàng năm thì sẽ đảm bảo được công việc cho các em.

Nhưng theo tôi chất lượng đào tạo phải được nâng lên, và con số 30 sinh viên này cũng phải đảm bảo bởi có năm không tuyển được 20 sinh viên cho một ngành. Theo ước tính, hàng năm có khoảng 10-20% các sinh viên theo học ngành này có đủ đam mê, có khả năng ngoại ngữ tốt thường nắm bắt cơ hội ra nước ngoài học lên thạc sĩ, tiến sĩ, một phần lớn làm việc trong các cơ quan nhà nước. Phần còn lại có thể làm việc tại một số công ty nước ngoài theo chuyên ngành đã được đào tạo, hoặc chuyển ngành khác tùy theo mức đãi ngộ”.

Giới thiệu cho học sinh trung học phổ thông hiểu về các ngành khoa học cơ bản. Ảnh: NVCC.

Giới thiệu cho học sinh trung học phổ thông hiểu về các ngành khoa học cơ bản. Ảnh: NVCC.

Để có thế hệ kế cận chất lượng cho những ngành này

Tiến sĩ Cương chia sẻ: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với nhiều hiểm họa thiên tai như hiện nay, việc nghiên cứu quy luật, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại là hết sức cần thiết. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu dự báo và cảnh báo sớm, thì thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra sẽ như thế nào?

Theo tôi ở tầm quốc gia, nhà nước cần đưa các biện pháp thiết thực hơn, có thể là về mức đãi ngộ như đối với sinh viên các trường công an, quân đội, sư phạm…hoặc có chương trình học bổng, miễn, giảm học phí. Ngoài ra các nhà nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản cũng cần có chính sách đãi ngộ phù hợp hơn, quy hoạch và sắp xếp công việc khi sinh viên ra trường, hoặc đào tạo theo các chương trình cử tuyển… để làm sao thu hút được nhiều sinh viên theo học.

Trên nhiều phương tiện truyền thông ít khi có những chương trình nói riêng về các nhà khoa học cơ bản, cũng như các nghiên cứu khoa học khiến cho xã hội thường có suy nghĩ về hình ảnh của một nhà khoa học sẽ chậm chạp, mái tóc rối bời, đeo kính cận, ít cập nhật xu thế cuộc sống… nhưng trong thực tế các nhà nghiên cứu đều rất năng động và hiện đại. Vậy nên rất cần đẩy mạnh hơn nữa về quảng bá, truyền thông, còn nếu cứ để mọi người có định kiến như vậy thì không ai hướng cho con mình theo học ngành này, sinh viên không có niềm tin về tương lai của ngành, điều đó thực sự nguy hại cho đất nước”.

Tiến sĩ Cương chia sẻ thêm: “Nói đến ngành khí tượng thủy văn là mọi người chỉ nghĩ đến dự báo thời tiết, nhưng thực ra không chỉ có vậy. Công tác dự báo thời tiết chỉ là một mảng nhỏ của ngành.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều nghiên cứu, ứng dụng như dự báo thời tiết cho việc điều hành bay ở ngành hàng không, cho đầu tư kinh doanh hàng hóa, bước quyết định cho việc kí kết hợp đồng kinh tế may mặc bởi cần nắm được thời tiết cuối năm thế nào, cho du lịch và các dịch vụ như lặn biển, lướt sóng, dự báo hạn hạn và tưới tiêu cho cà phê, nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy-hải sản hay vận hành các công trình thủy điện… Có thể nói “sân chơi” này rộng hơn rất nhiều.

Hầu hết các sinh viên khoa học cơ bản hiện nay ra trường với trình độ đại học đều có việc làm ngay tại các cơ quan về khí tượng, tham gia điều hành bay tại các sân bay, và các công ty tư nhân dự báo về kinh tế… với mức lương khá tốt”.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo đại học (Trường Đại học Mỏ - Địa chất). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo đại học (Trường Đại học Mỏ - Địa chất). Ảnh: NVCC.

Rất cần nguồn thống kê chính xác về nhân lực

Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo đại học (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) đã chia sẻ quan điểm khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tiến sĩ Khoát cho biết: “Các ngành khoa học cơ bản rất quan trọng đối với việc phát triển của một đất nước, như chúng ta thấy hiện nay, trên mọi phương tiện truyền thông đều nói về việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và muốn làm tốt được những việc đó thì cần phải có một nền tảng khoa học cơ bản để ứng dụng công nghệ thông tin, có như vậy chúng ta mới chuyển đổi số được. Đó là một sự tích hợp, liên ngành.

Hiện tại, truyền thông của chúng ta chưa làm nổi bật được tầm quan trọng của các ngành khoa học cơ bản. Ví dụ, muốn ứng dụng công nghệ thông tin để dự báo thời tiết, lúc này cần phải có một chuyên gia rất giỏi về phân tích thời tiết, sau đó ứng dụng công nghệ vào máy móc, sử dụng các cơ sở dữ liệu trong quá khứ của thời tiết cũng như hiện tại để dự báo cho tương lai.

Hơn nữa, chúng ta mới nhìn thấy một khía cạnh của vấn đề, nghĩ rằng muốn chuyển đổi số là lao vào học công nghệ thông tin, hoặc về logistics lại lao vào học các ngành kinh tế…mà quên đi nhóm ngành khoa học cơ bản.

Vậy theo tôi, bài toán căn bản nhất ở đây để thực hiện được đúng Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, rất cần sự vào cuộc của tất cả các đơn vị chức năng liên quan, việc truyền thông, định hướng nhu cầu của xã hội về ngành, nghề trong tương lai”.

Theo thầy Khoát: “Một số ngành ở trường chúng tôi như khoa học địa chất, trắc địa, khoa học mỏ… trung bình mỗi năm có khoảng 20 sinh viên theo học. Hiện tại, sinh viên cứ nghề nào “hot” thì lao vào học, chứ thực sự chưa nhìn thấy được giá trị sau 10 năm nữa ra sao, khi mà xã hội lúc đó toàn những cử nhân kinh tế, cử nhân công nghệ thông tin… chỉ vài năm tới sẽ gây ra tình trạng dư thừa nguồn nhân lực.

Ví dụ từ 5 đến 10 năm 1 lần, Tổng cục thống kê làm điều tra dân số, việc này giúp đưa ra một quy hoạch về sức lao động, độ tuổi lao động, ngành nghề tốt trong tương lai…Vậy tôi cũng mong nhà nước và các đơn vị chức năng có một thống kê như vậy đối với tất cả các ngành nghề trong 5 đến 10 năm tới ra sao.

Sẽ thừa thiếu nhân lực ở ngành nào, cần bao nhiêu lao động phổ thông, bao nhiêu kĩ sư, nhà nghiên cứu khoa học…cần có cái nhìn tổng quát như vậy, từ đó mới có quy hoạch để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học có sự quy hoạch ngành nghề phù hợp, tránh việc học sinh đua nhau vào đại học, nhưng ra trường không tìm được việc làm”.

Tùng Dương