THCS-THPT Phạm Văn Đồng thay chủ sở hữu, đổi địa điểm

20/10/2021 14:16
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quyết định thành lập ghi địa chỉ trụ sở của Trường đặt tại nhà A2, Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Ngày 19/4/2012, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có Quyết định số 1606/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng theo đề nghị của Công ty Cổ phần Giáo dục tiên tiến Toàn Cầu tại tờ trình số 06/TTr-GAVEDU ngày 06/02/2012 và đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn 4095/SGD&ĐT-TCCB ngày 13/4/2012, của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 566/TTr-SNV ngày 17/4/2012.

Thay đổi địa điểm

Quyết định thành lập ghi địa chỉ trụ sở của Trường đặt tại nhà A2, Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Ảnh tư liệu.

Ảnh tư liệu.

Sau khi xin dừng giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm 2015, ngày 27/8/2018 Trường THCS & THPT được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép hoạt động trở lại từ năm học 2018-2019 và chuyển đổi địa điểm từ nhà A2, Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội về địa điểm mới: số 8 phố Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Ngày 7/02/2020 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra Quyết định số 241/QĐ-SGDĐT về việc cho phép Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng được chuyển đổi địa điểm hoạt động giáo dục từ năm học 2019-2020 từ số 8A, Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm sang Lô A26, Geleximco, Nam An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Được biết, Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng được quy hoạch xây dựng tại ô đất ký hiệu THPT thuộc Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu theo Quyết định số 5994/QĐ-UBND ngày 28/8/2002 và Quyết định số 3823/QĐ-UBND ngày 18/6/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đến nay vẫn còn biển tên tại vị trí này.

Biển tên Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng tại ô đất ký hiệu THPT, Dự án Khu đô thị Thành phố Giao Lưu, 232 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà.

Biển tên Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng tại ô đất ký hiệu THPT, Dự án Khu đô thị Thành phố Giao Lưu, 232 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà.

Biển tên Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng tại Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu, 232 đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà.

Biển tên Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng tại Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu, 232 đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà.

Thay đổi chủ sở hữu

Theo giới thiệu trên website alphaschool.edu.vn thì: Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng được Hệ thống giáo dục Alpha School tiếp quản từ ngày 17/07/2018.

Công văn số 08/BC-PVĐ ngày 14/10/2021 của Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng thuộc 100% vốn của Công ty Cổ phần giáo dục Alpha - Đơn vị chủ đầu tư của Trường THCS Alapha và Trường Tiểu học Alpha.

Luật Giáo dục cũ (số 07/VBHN-VPQH ngày 31/12/2015), Điều 67- Quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn, quy định:

Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn. Tài sản, tài chính của trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường.

Luật Giáo dục hiện hành số 43/2019/QH14, khoản 2 và khoản 3 Điều 102 - Quyền sở hữu tài sản, chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, trường tư thục, quy định:

Tài sản của trường tư thục thuộc sở hữu của nhà đầu tư, hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư, được xác định bằng biên bản góp vốn của nhà đầu tư. Việc chuyển phần tài sản góp vốn cho trường thực hiện theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, trường tư thục phải bảo đảm sự ổn định và phát triển của trường, được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, pháp luật hiện nay không có quy định về việc chuyển nhượng cơ sở giáo dục phổ thông tư thục, tuy nhiên pháp luật cũng không cấm các chủ thể chuyển nhượng cho nhau cơ sở giáo dục phổ thông đó.

Theo quy định hiện hành chỉ ghi nhận hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập các cơ sở giáo dục phổ thông chứ chưa ghi nhận việc chuyển nhượng.

Nguyễn Nhất