Thay vì cắt giảm cơ học, Bộ nên giao quyền tinh giản nội dung cho thầy cô

11/09/2021 07:25
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không thể lấy 1 tiết dạy thực tế (cả thời gian lẫn nội dung kiến thức) vào dạy online. Vì nếu cứ máy móc áp dụng dạy như thế, sẽ không giúp học sinh nắm được bài

Vì tình hình dịch bệnh đang kéo dài và diễn biến phức tạp nên học sinh nhiều tỉnh thành vẫn chưa thể đến trường. Có địa phương chỉ sau một vài buổi tựu trường đã vội cho học sinh nghỉ vì có ca F0 trong cộng đồng.

Có hôm mạng yếu học sinh vào lớp nhưng vẫn không thể học được (Ảnh P.T)

Có hôm mạng yếu học sinh vào lớp nhưng vẫn không thể học được (Ảnh P.T)

Bởi thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch điều chỉnh, tinh giản một số nội dung kiến thức của các môn học.

Đây không phải lần đầu, Bộ Giáo dục điều chỉnh, tinh giản một số nội dung kiến thức của các môn học vì dịch bệnh. Ngay trong năm học 2019-2020, học sinh đã phải đến trường trễ từ 5 đến 7 tuần (tùy từng địa phương) nên Bộ đã tiến hành điều chỉnh, tinh giản các môn học một cách đại trà để phù hợp với thời gian học chính thức của các em.

Từ thực tế giảng dạy chương trình sau khi đã được tinh giản, điều chỉnh của Bộ Giáo dục trong năm học 2019-2020, chúng tôi thấy chỉ là sự tinh giản cơ học, cắt xén một số nội dung được cho là trùng lắp. Thế nhưng khi giảng dạy, nhiều nội dung đã được tinh giản nhưng một số giáo viên chúng tôi vẫn không thể bỏ do các thầy cô căn cứ vào trình độ của học sinh lớp mình.

Ngược lại, một số nội dung yêu cầu dạy nhưng giáo viên lại thấy nó không hoặc chưa thật sự cần thiết với các em.

Thế nhưng năm học này, học sinh không chỉ đến trường trễ mà các địa phương lại tổ chức dạy học chủ yếu bằng hình thức online, mà dạy online khác xa với dạy học trực tiếp.

Vì thế, không thể lấy 1 tiết dạy ngoài thực tế (cả thời gian lẫn nội dung kiến thức) vào dạy bằng 1 tiết online. Vì nếu cứ máy móc áp dụng dạy như thế, sẽ không giúp học sinh nắm được bài.

Có giáo viên cho biết mình đã dạy 3 buổi (mỗi buổi 2 tiếng) mới hết một bài học trong sách giáo khoa mà nếu dạy trực tiếp chỉ học trong 40 phút.

Một số nguyên nhân để bài học kéo dài là, do đường truyền chậm, học sinh vào lớp không đúng giờ, một số em học tập không nghiêm túc, giáo viên phải mất nhiều thời gian ổn định, nhắc nhở…

Bộ nên giao quyền điều chỉnh, tinh giản nội dung cho giáo viên.

Giáo viên là người hiểu rõ học sinh mình nhất. Vì thế, chính các thầy cô giáo sẽ biết được khi dạy, mình cần nhấn mạnh những nội dung kiến thức nào, cần lướt qua những kiến thức nào.

Bên cạnh đó, dạy học online không thể dàn trải, dạy theo từng bài, từng tiết theo phân phố chương trình mà cần dạy những kiến thức trọng tâm, kiến thức xuyên suốt. Do đó, Bộ chỉ cần giao khoán cho mỗi giáo viên tự lên kế hoạch giảng dạy cho mình là đủ.

Giao khoán chương trình bằng cách nào?

Giao tổng số tiết phải thực hiện trong từng học kỳ và cả năm. Giao mục tiêu cần đạt cho từng môn học, mục tiêu cần đạt cho năng lực phẩm chất chung phù hợp với từng khối lớp.

Cuối năm học, nhà trường sẽ kiểm tra đánh giá học sinh dựa trên các mục tiêu cần đạt đã giao trước đó.

Với tiểu học, gần như mỗi thầy cô giáo đều chịu trách nhiệm một lớp. Vì thế, giao quyền cho giáo viên tự điều chỉnh, tinh giản chương trình (nhưng phải đảm bảo mục tiêu cần đạt) càng trở nên hợp lý.

Khi giáo viên đã được quyền chủ động trong việc giảng dạy, mỗi thầy cô sẽ cố gắng nỗ lực phát huy năng lực của mình và sẽ tìm mọi cách giúp học sinh đạt được các mục tiêu đã giao trước đó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết