Thầy và trò Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn cùng định vị tương lai

05/04/2021 06:32
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông qua những chia sẻ của 2 diễn giả hàng đầu cả nước, học sinh trường cấp 3 Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) được trang bị nhiều kỹ năng để định vị tương lai.

Giải đáp mối quan tâm của học sinh, phụ huynh

Tối 3/4, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn đã tổ chức chương trình “Định vị tương lai” với sự tham dự đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cùng bậc cha mẹ học sinh khối 12 nhà trường.

Đặc biệt, nhà trường đã mời diễn giả Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom tới tham dự, chia sẻ về xu thế nghề nghiệp trong tương lai.

Năm 2011, ông Hoàng Nam Tiến giữ vị trí Chủ tịch của FPT Software. Trong 8 năm, FPT Software đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%, trở thành một trong 500 công ty phần mềm lớn nhất trên thế giới. Đến năm 2020, ông Hoàng Nam Tiến giữ chức Chủ tịch FPT Telecom.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn hứng khởi tham gia chương trình "Định vị tương lai" (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn hứng khởi tham gia chương trình "Định vị tương lai" (Ảnh: Phương Linh)

Cùng tham dự chương trình còn có diễn giả Tô Thụy Diễm Quyên, người Việt Nam đầu tiên nằm trong top 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft lần lượt công nhận là Chuyên gia Giáo dục sáng tạo, MIE Fellows, Cố vấn giáo dục của Microsoft.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên còn là giảng viên chương trình Đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà đã tập huấn cho hơn 60.000 cán bộ lãnh đạo giáo dục, giảng viên và giáo viên Việt Nam trên 50 tỉnh thành.

Khi kinh tế - xã hội đất nước ta ngày càng phát triển, phụ huynh học sinh đặc biệt là học sinh cuối cấp trung học phổ thông đứng trước nỗi lo, nhu cầu về phương hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Thấu hiểu tính bức thiết trong việc hướng nghiệp cho học sinh, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn đã tổ chức chương trình “Định vị tương lai” giúp học sinh nhà trường nắm bắt được cơ hội nghề nghiệp, biết được đam mê và năng lực của bản thân.

Ngay khi nhà trường phát động chương trình, học sinh đã gửi nhiều câu hỏi, mối băn khoăn về việc học tập, rèn luyện và tương lai tới chương trình.

Học sinh có cơ hội được đặt câu hỏi, giao lưu cùng diễn giả (Ảnh: Xuân Thu)

Học sinh có cơ hội được đặt câu hỏi, giao lưu cùng diễn giả (Ảnh: Xuân Thu)

Trong đó, các em học sinh khối 10, 11 có nhiều mối quan tâm tới phương pháp học tập, rèn luyện kỹ năng như cách để tăng sự tập trung khi học hay cách làm thế nào để học ít mà kết quả vẫn cao, làm thế nào để học kỹ năng sống hiệu quả.

Các chứng chỉ quốc tế có thực sự cần thiết đối với học sinh cấp ba cũng là một trong những câu hỏi có nhiều học sinh quan tâm.

Đối với học sinh khối 12, các em rất quan tâm đến cách chọn trường và chọn nghề phù hợp với bản thân.

Nhiều em có chung câu hỏi về việc làm sao để hiểu bản thân phù hợp với ngành, nghề nào hay ngành nghề gì sẽ có lượng cầu lớn trong vòng 5, 10 năm tới.

Một số em mong muốn thông qua chương trình “Định vị tương lai” để biết được mình cần chuẩn bị những gì để bước vào môi trường đại học.

Học đại học có phải con đường duy nhất dẫn đến thành công không hoặc sau khi học Đại học thì nên tự khởi nghiệp hay tìm việc làm là mối băn khoăn chung của nhiều học sinh.

Không riêng các vấn đề liên quan đến học tập, hướng nghiệp các em học sinh nhà trường còn có nhiều câu hỏi dành cho hai nhà diễn giả hàng đầu cả nước về những "bí kíp", đánh giá xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Mỗi học sinh hãy là phiên bản tốt nhất của bản thân

Bên cạnh những tiết mục văn nghệ và trò chơi giải đố để mang lại không khí vui tươi, nhà trường dành phần lớn thời lượng chương trình để học sinh được trò chuyện cùng hai nhà diễn giả.

Thông qua những chia sẻ của hai nhà diễn giả, nhà trường mong muốn truyền cảm hứng, thắp lửa đam mê, khát vọng vươn lên trong học tập và rèn luyện của học sinh nhà trường.

Đồng thời, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp và tương lai, trang bị hành trang tuổi trẻ chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ về chuyển đổi số và những kỹ năng học sinh cần có trong tương lai (Ảnh: Xuân Thu)

Bà Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ về chuyển đổi số và những kỹ năng học sinh cần có trong tương lai (Ảnh: Xuân Thu)

Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, thế giới hiện tại đã thay đổi "luật chơi" kéo theo con người cũng phải thay đổi tư duy phát triển.

Khi nhu cầu chuyển đổi số của con người trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng cao, sẽ kéo theo nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật đang phát phát triển.

Theo các chuyên gia, hơn 50% của công việc ngày nay đòi hỏi một số kỹ năng công nghệ và tỷ lệ này sẽ tăng lên 77% trong ít hơn một thập kỷ.

Trong tương lai, cứ 10 người ra trường thì có 8 người phải có chuyên môn về công nghệ thông tin. Năm 2025, 50% người lao động trên toàn cầu có thể bị cho thôi việc hoặc đào tạo lại.

Vấn đề trên đặt cho chúng ta câu hỏi những thứ mà chúng ta chuẩn bị học có đáp ứng được với công việc trong tương lai hay không.

Đối với các học sinh, các em cần linh hoạt trong nhận thức, tự mình chuyển đổi nghề nghiệp.

Các em phát triển bản thân không phải chỉ ở kiến thức nữa mà còn cần phát triển, trang bị những kỹ năng cơ bản.

Một em học sinh nhận được phần quà khi giao lưu cùng diễn giả (Ảnh: Phương Linh)

Một em học sinh nhận được phần quà khi giao lưu cùng diễn giả (Ảnh: Phương Linh)

Diễn giả Tô Thụy Diễm Quyên đưa ra gợi ý về 10 kỹ năng hàng đầu học sinh cần trang bị để có thể chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.

Trong đó, việc học tập tích cực và có chiến lược học tập đóng vai trò hết sức quan trọng.

“Học tập suốt đời không phải là một nhiệm vụ mà là một đặc thù của con người để chúng ta không bị bỏ rơi lại phía sau.

Chúng ta luôn luôn vượt lên chính mình, linh hoạt và thích nghi với sự thay đổi của thế giới” bà Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ.

Tại chương trình, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ về những ngành, nghề nào sẽ trở thành xu hướng và dần biết mất trong năm 2030.

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom chia sẻ về những ngành, nghề trở thành xu hướng trong tương lai (Ảnh: Xuân Thu).

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom chia sẻ về những ngành, nghề trở thành xu hướng trong tương lai (Ảnh: Xuân Thu).

Từ những câu chuyện mà chính bản thân đã trải qua, những kinh nghiệm tích lũy theo năm tháng, ông Tiến mang đến một cái nhìn, một định hướng thiết thực đối với các học sinh.

Theo ông Tiến, trong tương lai, những ngành như khoa học máy tính, trí tuệ, marketing, sản xuất nội dung sẽ dần trở thành xu hướng tương ứng với sự phát triển của xã hội.

Ngược lại, những ngành nghề như giáo dục, dịch vụ, y dược, tài chính, an ninh sẽ dần biến mất theo công cuộc chuyển đổi số của thế giới.

Trên đà phát triển của công nghệ, dần dần sức người sẽ được thay thế bởi robot.

Trước sự thay đổi xu thế theo dự đoán của các chuyên gia, học sinh cần phải trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng hơn và nắm bắt, phát triển được thế mạnh của bản thân.

Ông Tiến nhấn mạnh: “Trong tương lai các con cần gì? Các con cần kỹ năng như tư duy phản biện, độc lập; life-long learning; cần tiếng Anh và cần phong cách sống khác biệt.

Đặc biệt, tôi mong muốn các con hãy là phiên bản tốt nhất của chính bản thân mình. Hãy coi mình là idol của bản thân!”.

PHẠM LINH