Thầy Tùng dự đoán hiệu quả kiểm tra học kỳ online chỉ bằng 1/2 so với trực tiếp

18/05/2021 06:59
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc các nhà trường có kế hoạch chuẩn bị để kiểm tra học kỳ 2 trực tuyến là việc làm cần thiết, đúng quy định, phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc cho học sinh đến trường để kiểm tra trực tiếp là bất khả kháng với hầu hết các địa phương.

Nếu như việc học online được coi như đã tạm vào nề nếp thì việc kiểm tra học kỳ 2 đang khiến các trường băn khoăn về cách thức thực hiện khi 31/5 là thời gian kết thúc năm học 2020-2021.

Chia sẻ về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều thầy cô cho rằng, việc các nhà trường có kế hoạch chuẩn bị để kiểm tra học kỳ 2 trực tuyến là việc làm cần thiết, đúng quy định, phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng (giáo viên môn Toán, trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh - Hà Nội) nhìn nhận việc tổ chức kiểm tra học kỳ 2 trực tuyến sẽ đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời tận dụng được các nền tảng trực tuyến phong phú và mạnh mẽ, hỗ trợ rất lớn cho việc kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, kiểm tra trực tuyến đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng hành lang pháp lý tại Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng (trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh - Hà Nội) (ảnh: NVCC)

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng (trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh - Hà Nội) (ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà trường thực hiện kiểm tra học kỳ 2 qua hình thức online nên hầu hết các nhà trường sẽ lúng túng. Nhất là khi điều kiện cơ sở vật chất và nền tảng công nghệ thông tin của các nhà trường, các gia đình không đồng đều, không đồng bộ; giáo viên chưa có kỹ năng, chưa có phương pháp và công cụ hỗ trợ để tiến hành kiểm tra trực tuyến.

Học sinh cũng chưa được tập dượt với hình thức kiểm tra mới mẻ này nên cũng còn nhiều bỡ ngỡ và lo lắng.

Tuy nhiên, thầy Tùng cho rằng, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng trong kiểm tra, đây là bài toán rất lớn và thực sự khiến thầy cô, nhà trường và các nhà giáo dục "đau đầu".

Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có quy định, việc kiểm tra đánh giá định kỳ, dù học trực tuyến, học sinh vẫn phải đến trường để thực hiện trực tiếp.

Tuy nhiên, Thông tư 09 cũng quy định trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, Hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến.

Chính vì vậy câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tại nhiều tỉnh thành không thể tới trường, thì hình thức thi học kỳ trực tuyến liệu có khả thi và đánh giá đúng chất lượng của học sinh thì thầy Tùng cho rằng, thời gian kết thúc năm học không còn nhiều (khoảng 3 tuần). Việc đến trường để kiểm tra trực tiếp là bất khả kháng với hầu hết các địa phương. Vì thế, chúng ta không còn lựa chọn khác ngoài hình thức thi học kỳ trực tuyến.

Chúng ta bị dồn vào thế phải lựa chọn như thế chứ các nhà trường chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho việc này. Vài năm gần đây, một số trường có kiểm tra trên điện thoại, máy tính nhưng học sinh vẫn đến trường để kiểm tra. Các kỳ thi online trong nước, quốc tế (IMO, IKMC, SASMO,…) thì thí sinh vẫn tập trung tại một địa điểm và có tổ chức, coi thi, giám sát đầy đủ.

Việc đảm bảo nghiêm túc và đánh giá đúng chất lượng học sinh là “điều không tưởng”: Tính tự giác của học sinh nói riêng và của con người Việt Nam còn chưa cao. Căn bệnh thành tích đã ăn sâu, bén rễ và ngày càng trầm kha. Bởi thế, nếu học sinh ngồi tại nhà để kiểm tra thì không ai dám chắc là kết quả sẽ trung thực cả.

“Theo dự đoán của tôi, hiệu quả của việc kiểm tra trực tuyến chỉ bằng một nửa so với kiểm tra trực tiếp và dù biết như thế chúng ta vẫn phải làm”, thầy Tùng nhận định.

Giải pháp giảm gian lận trong kiểm tra học kỳ 2

Dù có thể không đạt hiệu quả như mong muốn nhưng thầy Tùng cho rằng, cũng có một số cách làm để tăng tính khách quan, giảm gian lận trong kiểm tra, cụ thể:

Giải pháp kĩ thuật: Đây là khâu quan trọng. Chọn nền tảng nào, dùng phần mềm nào mà có thể có những yêu cầu với học sinh để có thể giám sát được quá trình làm bài, ngăn ngừa được các can thiệp từ bên ngoài.

Giải pháp về cách kiểm tra: Tùy theo đặc điểm lứa tuổi, yêu cầu của môn học, mục đích kiểm tra mà có thể chọn cách làm khác nhau như kiểm tra online (học sinh làm bài có tính giờ, phần mềm chấm luôn), kiểm tra vấn đáp online, làm bài luận, làm dự án, thuyết trình,…

Giải pháp về đề thi: Làm nhiều đề, nhiều yêu cầu khác nhau, có độ mở (với đề tự luận), nhiều mã đề (với đề trắc nghiệm).

Giải pháp con người: Cần tập huấn giáo viên kỹ. Tổ chức cho học sinh làm bài thử để cả thầy và trò cùng được tập dượt ít nhất 1 lần. Bố trí đủ số lượng cán bộ coi kiểm tra.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng, trước tiên chúng ta phải khẳng định rằng việc kiểm tra trực tiếp học sinh ở tại nhà trường là tốt nhất nhưng tình hình dịch bệnh như hiện nay thì không thể không kiểm tra được vì hết năm học rồi. Do đó, kiểm tra học kỳ 2 bằng hình thức online là tối ưu.

"Khi học sinh có kết quả vênh nhiều so với năng lực thực tế, so với các bài kiểm tra trước đó thì có thể phải kiểm tra lại là hoàn toàn bình thường", thầy Lâm nói.

Thùy Linh