Thầy trò bơ phờ chạy chương trình, sao còn bắt thao giảng dự giờ lúc này?

26/05/2020 06:05
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phong trào thao giảng dự giờ nên khép lại qua năm học sau. Đừng vì kế hoạch đã lên, đừng vì căn bệnh hình thức mà gây áp lực, buộc thầy cô chạy “vắt chân lên cổ”

Bắt buộc giáo viên dạy thao giảng dự giờ thời điểm này có hợp lý không?

Một số giáo viên hiện đang giảng dạy tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận phản ánh: “Thời điểm này, chúng em đang gắng sức vừa ôn tập để giúp học sinh lấy lại kiến thức sau một kỳ nghỉ dài, vừa tăng tốc dạy cho kịp chương trình".

Một tiết thao giảng (Ảnh minh họa: baoquangngai.vn)

Một tiết thao giảng (Ảnh minh họa: baoquangngai.vn)

Thế mà, trường học nơi chúng em lại yêu cầu giáo viên dạy thao giảng dự giờ khiến cả thầy và trò đều mệt mỏi”.

Một giáo viên khác nói rằng: “Do nơi mình học chương trình VNEN nên Bộ không hướng dẫn tinh giản chương trình. Hiện nay, mỗi lần họp tổ, giáo viên bận tối đầu để cùng nhau tinh giản chương trình sao cho phù hợp.

Tinh giản bài dạy nhưng không làm mất kiến thức của học sinh cũng không hề dễ dàng. Giáo viên phải trao đổi để đi đến thống nhất, vì sao phải tinh giản nội dung này mà không phải là nội dung kia?

Mỗi lần họp tinh giản hàng chục môn và cũng chỉ làm được 2 tuần là đuối. Một bài dạy trước đây thời lượng dạy từ 2-3 tiết, nay tinh giản chỉ còn 1-2 tiết.

Thế mà, nhà trường còn bắt buộc dạy thao giảng dự giờ. Không hiểu, sẽ dạy sao đây khi kiến thức một tiết học nó nhiều hơn bình thường?

Học 10 buổi/tuần thao giảng dự giờ lúc nào?

Khác với nhiều tỉnh thành trong cả nước chỉ dạy 8,9 buổi/tuần. Một buổi sẽ để dành cho việc họp chuyên môn, dự giờ thăm lớp.

Thế nhưng tại tỉnh Bình Thuận học sinh đã học kín 10 buổi/tuần. Bởi thế, dự giờ thao giảng sẽ tập trung vào 2 cách.

Thứ nhất, ăn bớt thời gian học tập của học sinh bằng cách một lớp dạy dự giờ vào bất kỳ một ngày nào trong tuần.

Giáo viên các lớp cho học sinh tự quản mà chủ yếu các em ngồi chơi để thầy cô đến một lớp khác dự giờ.

Thứ hai, buộc học sinh phải đi học vào sáng thứ bảy (điều này là vi phạm quy định, học sinh tiểu học không được tổ chức đi học vào ngày thứ bảy).

Vì thế, trường chọn cách thao giảng nào cũng đều vi phạm quy định.

Nay lại đang mùa nắng nóng, học 10 buổi/tuần, học sinh đi học đã mệt mỏi rồi. Nay vì thao giảng dự giờ lại buộc các em đi thêm sáng thứ bảy liệu có nên không?

Nhà trường cần linh động, không nên quá máy móc

Điều thiết thực nhất hiện nay, làm sao cho học sinh hiểu bài, nắm kiến thức một cách chắc chắn.

Muốn thế, nhà trường cần tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian nghiên cứu chương trình, tìm biện pháp để kèm cặp học sinh sao cho hiệu quả.

Còn phong trào thao giảng dự giờ nên khép lại qua năm học sau. Đừng vì kế hoạch đã lên, đừng vì căn bệnh hình thức mà gây áp lực, buộc thầy cô “vắt chân lên cổ” chạy cũng không kịp.

Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi đã có công văn gửi về các trường, bỏ thao giảng cụm trong năm học này.

Vậy vì lý do gì, một số trường học trong địa bàn thị xã vẫn buộc giáo viên phải thao giảng tổ như hiện nay?

Phan Tuyết