Thầy Nguyễn Sóng Hiền: Dạy thêm chính khóa là tham nhũng trá hình

09/02/2021 06:33
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tham nhũng thời gian vui chơi của các em, tham nhũng nội dung chính khóa của chương trình giáo dục phổ thông, tham nhũng điểm số.

Những ngày gần đây, câu chuyện “dạy thêm, học thêm” lại gây xôn xao dư luận khi có ý kiến cho rằng, tăng lương giáo viên 20 triệu đồng/tháng, có lẽ chẳng giáo viên nào dạy thêm.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, khát vọng trong cuộc sống của mỗi người đều rất cao, do đó kể cả tăng lương lên 20 triệu đồng/ tháng thì họ vẫn tìm cách để tăng thu nhập.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Thành viên liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, trước hết chúng ta cần phải làm rõ khái niệm dạy thêm và dạy phụ đạo.

Theo thông tư 17/2012/TT-BGDDT, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm và học thêm ban hành ngày 16/05/2012, dạy thêm và dạy phụ đạo được định nghĩa:

Dạy thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Còn dạy phụ đạo là dạy cho những học sinh có học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh và không coi là dạy thêm và học thêm.

Ảnh minh họa: Trinh Phúc

Ảnh minh họa: Trinh Phúc

Như vậy, việc dạy thêm là có chủ trương nhưng chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền thắc mắc ba vấn đề.

Thứ nhất là ai là người chịu trách nhiệm kiểm tra và đánh giá chất lượng và nội dung của chương trình dạy thêm?

Thứ hai, làm thế nào có thể xác định nội dung của thầy cô đó dạy nằm trong hay ngoài chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ ban hành?

Thứ ba, nếu tham gia dạy thêm thì liệu thầy cô có thể đảm bảo được chất lượng giáo dục của chính khóa được không?

Vì dạy thêm được thu tiền cho nên việc cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm là tất yếu. Còn về dạy phụ đạo đặc biệt là học sinh yếu, kém liệu các giáo viên có thật sự tận tâm và hy sinh thời gian của mình để dạy hay không vì không được thu tiền.

Cho nên có thể thấy Thông tư 17 thể hiện sự bất cập trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục chính khóa trong bậc phổ thông.

Vậy vấn đề việc dạy thêm này có phải chăng là do lương giáo viên thấp nên muốn tạo điều kiện để giáo viên tăng thu nhập? Hay nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh?

"Nếu vì vấn đề thứ nhất thì tôi cho rằng đây là hình thức lách luật còn vì vấn đề thứ hai thì tôi khẳng định con số đó rất ít. Học sinh đã học quá tải ở chính khóa, còn phải gánh thêm kiến thức học thêm. Đó là một hình thức nhồi nhét cực hình, tra tấn về tâm lý.

Còn phụ huynh một số ít vì sợ con hư nên có thể xem đó là cách để gửi con cho thầy cô trông hộ chứ mất tiền để cho con học thêm không phải phụ huynh nào cũng muốn. Nhưng tác hại của việc này không chỉ nằm ở đó mà nó sẽ tạo ra sự phân biệt trong đối xử học sinh của thầy cô mà thực tế như phản ánh của báo chí. Học sinh không đi học thêm, không đóng tiền học thêm thì bị thầy cô xa lánh, thậm chí bị bạn bè coi thường", chuyên gia này nhận định.

Vậy lương giáo viên tăng cao thậm chí lên 20, 30 triệu đồng/tháng họ có bỏ dạy thêm không? Cá nhân ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng là KHÔNG. Bởi theo ông, bản chất của vấn đề không phải là vấn đề lương của giáo viên thấp mà nó xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp.

“Tôi cho rằng đội ngũ giáo viên hiện nay của chúng ta chia thành hai tầng lớp. Tầng lớp thứ nhất, tôi gọi họ là thầy cô. Đây là những giáo viên thật sự có đam mê nghề nghiệp, có tố chất sư phạm, có lý tưởng phụng sự và cống hiến cho nghề mình theo đuổi.

Họ hy sinh, tận tụy hết mình cho sự nghiệp trồng người cao cả vì họ nhận thức được rằng những đồng lương họ nhận được dù ít ỏi nhưng đó chính là đồng tiền từ mồ hôi và nước mắt của người dân tin tưởng gửi gắm cả tương lai của con em họ cho mình. Những người này tôi gọi họ là những nhà giáo nhân dân.

Tầng lớp thứ 2, theo tôi nghĩ nên gọi họ là thợ dạy, những người buôn chữ. Những người này lựa chọn nghề dạy học không phải vì đam mê mà có thể do muốn có một công việc ổn định hay do một hoàn cảnh nào đó đưa đẩy nên cố theo nghề. Họ thiếu lý tưởng, và chỉ xem nghề dạy như một công việc kiếm tiền.

Họ dùng điểm số như là công cụ kiếm tiền từ học sinh và phụ huynh. Họ gieo rắc sự sợ hãi, họ thể hiện quyền uy, họ tạo ra sự ghanh đua giữa các học sinh bằng điểm số, bằng xếp loại, bằng các thành tích khiến cho phụ huynh phải lo sợ chạy theo để thỏa mãn những mong muốn của họ cốt là để con mình được yên, được bằng bạn bằng bè.

Họ biến hội phụ huynh thành tay sai, thành những kẻ đồng lõa để moi móc tiền từ các phụ huynh khác. Họ thông đồng với Ban giám hiệu để có thể trục lợi được nhiều nhất học trò. Họ biến trường lớp thành chợ búa nơi để mua bán điểm số, đổi chác kiếm lời.

‘”Theo tôi, việc tồn tại thông tư này là lợi bất cập hại cần phải xóa bỏ”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Sóng Hiền, dạy thêm học thêm thực tế đều tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào. Nó xuất phát từ nhu cầu của thực tế người học. Tuy nhiên, bản chất về dạy thêm và học thêm ở các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ hoàn toàn khác chúng ta.

Ở Úc là một ví dụ, hoàn toàn không bao giờ có chuyện dạy thêm học thêm để thu lợi cho giáo viên hay nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vì, họ không chú trọng đến thành tích và điểm số.

Bên cạnh đó, xã hội họ không coi trọng bằng cấp mà chú trọng đến kinh nghiệm thực tế và năng lực của mỗi cá nhân làm thước đó để đánh giá. Mỗi quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là mối quan hệ bình đẳng, và là một yếu tố quan trọng trong ba mối quan hệ, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, định hình và phát triển nhân cách trẻ.

Phụ huynh được quyền tham gia vào hội đồng trường để tham gia, góp ý và định hướng chiến lược phát triển của nhà trường.

Tất cả các hình thức, xếp loại, khen thưởng của học sinh chỉ nhằm để khuyến khích, động viên học sinh đó phát triển các điểm mạnh của mình chứ hoàn không có việc dùng để ganh đua giữa các học sinh, các lớp, các trường với nhau. Họ đề cao các giá trị nhân văn, đảm bảo tôn trọng quyền cá nhân, hướng tới các giá trị bình đẳng, và dân chủ.

Việc dạy thêm chỉ được tổ chức bên ngoài trường học do các cá nhân tự mở dành cho những học sinh có nhu cầu học phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Các giáo viên và nhà trường hoàn toàn không được phép tổ chức dạy thêm để thu tiền học sinh của mình.

Thực tế, các giáo viên họ không có đủ thời gian để có thể dạy thêm vì áp lực đối với giáo viên ở các trường phổ thông Úc rất lớn do họ phải tự biên soạn sách và tài liệu giảng dạy cho mỗi môn của mình cho nên nó chiếm hầu hết thời gian của họ.

Bên cạnh đó việc dạy cá nhân hóa đòi hỏi họ phải dành thời gian để có thể nắm bắt và thấu hiểu những sở thích và năng lực của mỗi học sinh để từ đó lựa chọn một phương pháp giáo dục phù hợp nhằm có thể tạo cơ hội cho các em phát huy hết những khả năng của mình.

“Tôi cho rằng việc dạy thêm hiện nay trong hệ giáo dục quốc dân Việt Nam có thể xem là một hình thức trá hình của tham nhũng. Tham nhũng thời gian vui chơi của các em, tham nhũng nội dung chính khóa của chương trình giáo dục phổ thông, tham nhũng điểm số.

Nếu để tồn tại Thông tư dạy thêm học thêm như hiện nay chúng ta còn lâu nữa mới có thể thực thi thành công và hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như chủ trương của Đảng đề ra”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ngày 26/8/2019 Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Như vậy các điều còn lại như Các trường hợp không được dạy thêm; Quy định về tổ chức dạy thêm trong trường; Thu và quản lý tiền học thêm… thì vẫn đang còn hiệu lực.

Thùy Linh