Thầy Nguyễn Lân Dũng tiếp lửa ước mơ cho nữ sinh mồ côi mong thành bác sĩ

12/04/2018 07:38
Lại Cường
(GDVN) - Ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, thế nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã “cướp” mẹ khỏi Thảo và các em. Không vì thế mà em từ bỏ ước mơ.

Ấn tượng đầu tiên khi phóng viên gặp Phan Thị Thanh Thảo, cô học trò lớp 12A1 Trường trung học phổ thông Tam Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ) chính là sự nhút nhát và dáng người nhỏ bé.

Đặc biệt, theo lời kể của thầy hiệu phó Bùi Ngọc Luận và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Kim Huế, chúng tôi đã vô cùng khâm phục nghị lực vượt lên nghịch cảnh của Thanh Thảo.

Mẹ mất từ khi còn học lớp 9, bố làm nông, hoàn cảnh gia đình Thanh Thảo rất khó khăn.

Từ đó, Thảo phải tảo tần, thay mẹ chăm sóc các em. Tuy vậy, dù bận rộn nhưng Thảo vẫn có cho mình thành tích học tập đáng mơ ước.

Thầy Nguyễn Lân Dũng tiếp lửa ước mơ cho nữ sinh mồ côi mong thành bác sĩ ảnh 1Nhà giáo Nguyễn Lân Dũng chắp cánh ước mơ cho cậu học sinh kém may mắn

 Suốt 11 năm học, Thanh Thảo liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi và đạt nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh. 

Tuy là con nhà nghèo, không có điều kiện học thêm, nâng cao kiến thức nhưng Thanh Thảo vẫn liên tục nằm trong danh sách các đội tuyển học sinh giỏi của Trường trung học phổ thông Tam Nông.

Đặc biệt, Thanh Thảo học rất đều các môn Toán, Hóa, Sinh, mỗi năm, em tham gia đội tuyển của từng môn.

Ở mỗi đội tuyển Thanh Thảo đều học tập rất tốt và liên tục đạt giải cao.

Đặc biệt, trong đợt thi thử trung học phổ thông quốc gia vừa được tỉnh Phú Thọ tổ chức, Thảo là một trong 4 em đạt điểm cao nhất toàn tỉnh.

Chia sẻ về cô học trò của mình, cô giáo Nguyễn Thị Kim Huế, cô giáo chủ nhiệm của Thảo cho biết:

“ Ngay từ khi vào lớp 10, ấn tượng đầu tiên của tôi với Thảo là sự nhút nhát. Lúc đầu, tôi khá ngạc nhiên khi thấy cô bé có dáng người nhỏ bé, lúc nào cũng buồn buồn có nhiều ưu tư. Tuy nhiên, học lực của em rất tốt.

Lúc đầu, có lẽ do gặp chuyện buồn nên Thanh Thảo cũng không mở lòng với mọi người xung quanh. Sau nhiều lần tìm hiểu, làm quen tâm sự với em, tôi đã hiểu hoàn cảnh của em và giúp em mở lòng với bạn bè”.

Thời gian sau đó, Thanh Thảo đã nói chuyện nhiều hơn với bạn bè, cô giáo. Qua đó, các bạn của Thảo đã hiểu hơn hoản cảnh của em, giúp đỡ em nhiều hơn trong học tập, cũng như trong cuộc sống. 

Em Phan Thị Thanh Thảo và cô giáo chủ nhiệm Kim Huế (Ảnh: Lại Cường)
Em Phan Thị Thanh Thảo và cô giáo chủ nhiệm Kim Huế (Ảnh: Lại Cường)

Chia sẻ về ước mơ của mình, Thanh Thảo cho biết, lúc đầu ước mơ của em không phải là bác sĩ mà là một ước mơ khác.

Tuy nhiên, từ năm lớp 8, mẹ em bị mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình không có tiền chạy chữa, từ đó em quyết tâm học thật giỏi để thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ.

Thế nhưng, điều ước chữa bệnh cho mẹ của Thảo mãi mãi không thực hiện được khi năm em học lớp 9, căn bệnh hiểm nghèo đã "cướp" mẹ khỏi bố con em.

Mẹ mất, thiếu đi tình thương của mẹ đã khiến Thảo có những lúc mất đi phương hướng. Thế nhưng, thương bố vất vả, các em còn nhỏ dại, và được sự động viên của thầy cô, bạn bè, Thảo vẫn quyết định theo đuổi ước mơ làm bác sĩ.

Bởi, dù thiếu đi tình thương của mẹ nhưng Thảo vẫn còn “người mẹ thứ hai” của mình chính là cô giáo Kim Huế.

Nhút nhát, ít thể hiện nhưng nhìn ánh mắt và cử chỉ của hai cô trò, chúng tôi biết Thảo và cô giáo của mình có những ân tình đặc biệt.

Thời gian biểu một ngày của Thảo ngoài giờ học, hầu như kín lịch làm việc nhà, chăm sóc các em.

Ngày 09/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, Trường Trung học phổ thông Tam Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Gần 1.000 học sinh Trường trung học phổ thông Tam Nông đã cùng Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, thành viên Hội đồng giáo dục Quốc gia chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nhiều ước mơ, trăn trở của học sinh trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thời gian tự học của Thanh Thảo chỉ bắt đầu từ lúc 20 giờ  tối sau khi em đã hoàn thành công việc gia đình.

Mỗi ngày Thảo cho biết em có 3,5 giờ đồng hồ để tự học, trong số đó em dành cho mình 1 giờ để đọc sách, thu nạp những kiến thức ngoài sách giáo khoa.

Dẫu bận rộn nhưng kế hoạch và lịch làm việc đã đặt ra là Thảo thực hiện cho bằng được, nhất là các kế hoạch học tập.

Khi được hỏi về việc ai tư vấn cho em lịch làm việc hàng ngày, Thảo cho biết, lịch làm việc của một ngày do em tự thiết kế được em rút kinh nghiệm ra từ những cuốn sách mượn được ở thư viện trường.

Đối với kiến thức, Thảo có kế hoạch tìm hiểu rất rõ ràng. Bí quyết học tốt của Thảo, theo em là "rất đơn giản", em nắm chắc kiến thức từ sách giáo khoa bằng cách đọc đi, đọc lại bài cũ. Ngay cả những bài học ở học kỳ trước em vẫn đọc lại và tìm hiểu những phần mình chưa rõ.

Các môn học như Hóa, Sinh em đều tìm hiểu sự ứng dụng kiến thức ngành nghề thực tiễn của nghề mình đang theo đuổi. Những bài học, tự khám phá khiến Thảo tìm cho mình niềm vui trong học tập, động lực giúp em vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

Nói về chặng đường phía trước, Thanh Thảo cho biết, quyết tâm của em sẽ thi vào đại học Y Hà Nội, thế nhưng em cũng có đôi chút lo lắng khi điểm đầu vào của Y Hà Nội cao, nhất là đối với một học sinh vùng nông thôn như em.

Thảo cũng lo lắng vì thân hình em quá nhỏ, điều kiện hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, các em còn nhỏ dại…

Những bài học từ lời phát biểu của Giáo sư, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng đã tiếp thêm động lực cho nhiều em học sinh Trường Trung học phổ thông Tam Nông (Ảnh: Lại Cường)
Những bài học từ lời phát biểu của Giáo sư, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng đã tiếp thêm động lực cho nhiều em học sinh Trường Trung học phổ thông Tam Nông (Ảnh: Lại Cường)

Thế nhưng, Thanh Thảo cho biết, sau khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng 4.0 em đã quyết tâm hơn về lựa chọn của mình.

Thanh Thảo khâm phục nghị lực tự học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, em tự hứa với bản thân mình chăm chỉ hơn nữa, tự học để vượt qua thử thách vô cùng lớn phía trước.

Nhiều tấm gương, nghị lực sống khác đã vươn lên nghịch cảnh được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng truyền tải trong buổi hội thảo đã giúp Thanh Thảo ngày càng quyết tâm hơn trong việc lựa chọn ngành, nghề cho mình.

Trong danh sách lựa chọn trường của Thanh Thảo có Học viện Quân Y, tuy nhiên, thật tiếc, vì thiếu một chút chiều cao, cân nặng nên em không qua được vòng sơ tuyển.

Tuy vậy, Thanh Thảo cho biết, dù mẹ không còn nhưng em vẫn chọn nghề y để mình có thể chữa bệnh cho nhiều người, sẽ còn nhiều hoàn cảnh khó khăn khi mắc bệnh hiểm nghèo cần phải chữa trị.

Lại Cường