“Thấy kết quả xếp hạng đại học ở Việt Nam, tôi cũng hết hồn”

04/09/2019 06:46
Việt Dũng
(GDVN) - “Thấy kết quả xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam, tôi cũng hết hồn….”

Phó Giáo sư Lê Quang Minh – Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu nhận định như vậy tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về thi hành chính sách, pháp luật về đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Hội nghị này do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 3/9/2019.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia trình bày tại hội nghị này cho thấy, cách kiểm định và xếp hạng đại học như hiện nay tại Việt Nam sẽ có thể khiến cho dư luận hiểu sai về chất lượng của các trường đại học.

Tạm ngừng đào tạo kiểm định viên

Phó Giáo sư Lê Quang Minh nêu ý kiến: Không nên mở thêm các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nữa, tạm ngưng đào tạo các kiểm định viên.

Đã đến lúc thành lậpTrung tâm kiểm định các tổ chức kiểm định. Quốc hội là cơ quan thành lập trung tâm này.

Phó Giáo sư Lê Quang Minh lý giải: Hiện nay, số trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam đã được kiểm định đã đạt mức khoảng 50%, số trường đạt chuẩn lên đến hơn 96% là không ổn.

Hội nghị về đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục đại học tổ chức ngày 3/9/2019 (ảnh: P.L)
Hội nghị về đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục đại học tổ chức ngày 3/9/2019 (ảnh: P.L)

Vị Phó Giáo sư này cho rằng, kết quả kiểm định như vậy giống như sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông ở Hà Giang trước đây. Tiếp tục làm như vậy nữa sẽ gây mất niềm tin trong xã hội về kiểm định chất lượng giáo dục.

Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói tiếp: Chúng ta đang làm xếp hạng đại học như hiện nay là theo kiểu nóng vội.

“Thấy kết quả xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam, tôi cũng hết hồn. Với kết quả xếp hạng như vậy, kiểm định như đang làm hiện nay thì coi chừng chúng ta đang hướng dư luận, hướng học sinh vào những trường không đúng như kết quả được công bố. ”- Phó Giáo sư Lê Quang Minh chia sẻ.

Ông Lê Quang Minh nhấn mạnh: Như vậy sẽ rất tội nghiệp cho các trường có chất lượng thật, thiệt thà. Nếu cứ như vậy sẽ hướng các trường thiệt thà bớt thiệt thà lại. Cần phải coi lại hết mấy trường này.

Minh bạch và công khai thông tin ở các trường

Trình bày quan điểm của mình tại hội nghị, nhiều chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ về tính độc lập của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Văn Thuyên nói, cần xác định rõ tính độc lập tuyệt đối của các tổ chức kiểm định.

Bởi lẽ, hiện nay, ông Ngô Văn Thuyên nói có tình trạng các trường chia sẻ chọn trung tâm kiểm định nào dễ để được công nhận kết quả kiểm định cao.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh phát biểu tại hội nghị ngày 3/9 (ảnh: P.L)
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh phát biểu tại hội nghị ngày 3/9 (ảnh: P.L)

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh – Giám đốc đảm bảo chất lượng,Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng chia sẻ: Dù trên danh nghĩa, hệ thống kiểm định của Việt Nam được cho là theo mô hình kiểm định của Mỹ, nhưng thực sự hệ thống kiểm định hiện nay gần như là do Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát tuyệt đối.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, từ tiêu chuẩn kiểm định, phương pháp thực hiện, nội dung đào tạo, thẩm quyền cấp thẻ kiểm định viên…đều nằm trong tay của Bộ này.

Hệ thống kiểm định thiếu tính độc lập tác động tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả của việc triển khai kiểm định trong hệ thống giáo dục đại học.

Sau đánh giá, chính sách khen thưởng và xử phạt chưa đủ mạnh, chưa có trường nào bị đóng cửa, khiến cho tác động của việc kiểm định chất lượng còn nhiều hạn chế.

Cuối cùng, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nêu lên 3 kiến nghị: Phải đảm bảo sự độc lập hoàn toàn với các quyết định chuyên môn, mạnh dạn chọn mô hình tập trung nhưng tạo điều kiện tham gia của toàn xã hội bằng các kênh thông tin minh bạch, con người thực hiện đảm bảo chất lượng là quan trọng nhất.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Thị Ly – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng cường tính minh bạch, công khai thông tin ở các trường.

“Khi nhà trường bị bắt buộc phải công khai thông tin với toàn xã hội, thì họ mới có thể giám sát nhà trường thuận lợi hơn” – Tiến sĩ Phạm Thị Ly kết luận.

Việt Dũng