Thầy giáo trung học "phát khóc" vì trò thi học sinh giỏi

05/06/2017 07:06
Quế Thu
(GDVN) - Những năm gần đây, kết quả thi học sinh giỏi gắn liền với các tiêu chí thi đua nên các trường, các địa phương đua nhau tìm nhiều cách để đạt kết quả cao.

LTS: Một giáo viên trung học phổ thông xin được giấu tên đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết bày tỏ những ý kiến về việc tổ chức thi học sinh giỏi.

Theo tác giả, các nhà trường hiện nay đang chạy đua thành tích với các chỉ tiêu đầy nghịch lý.

Trong đó, nhà trường yêu cầu chất lượng năm sau phải cao hơn năm trước trong khi mỗi năm đối tượng để bồi dưỡng học sinh giỏi là khác nhau.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thi học sinh giỏi là một chủ trương đúng nhằm chọn lựa bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, qua đó kích thích việc dạy học. 

Tiếc rằng nhiều nơi vì bệnh thành tích nên chủ trương này bị biến tướng, làm cho việc dạy và học có phần nặng nề và có những nơi đã xảy ra tiêu cực.

Những năm gần đây, kết quả thi học sinh giỏi gắn liền với các tiêu chí thi đua nên các trường, các địa phương đua nhau tìm nhiều cách để đạt kết quả cao. 

Dù nhiều học sinh không đủ năng lực nhưng nhà trường vẫn tìm cách đưa vào đội tuyển yêu cầu các giáo viên bồi dưỡng rồi cho đi thi.  

Mỗi năm đối tượng đi thi học sinh giỏi khác nhau nhưng nhà trường lại yêu cầu chất lượng năm sau cao hơn năm trước. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Mỗi năm đối tượng đi thi học sinh giỏi khác nhau nhưng nhà trường lại yêu cầu chất lượng năm sau cao hơn năm trước. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Có những trường hợp số lượng học sinh không đủ, nhà trường cho cả học sinh khối dưới đi thi. Tất nhiên để thi được thi buộc học sinh phải học trước.

Gần đến ngày thi quả là cả một quá trình ôn luyện căng thẳng của cả thầy lẫn trò. 

Ngoài những buổi ôn chính thức, trong những buổi học chính các em còn được điều xuống văn phòng nhà trường để tự ôn hoặc có thầy cô hướng dẫn. 

Như vậy, những môn học còn lại các em sẽ bị lơ là. Có nơi còn yêu cầu giáo viên môn khác phải dễ dãi, “tạo điều kiện” trong việc kiểm tra đối với các môn học này. 

Những tuần gần thi thì việc học thêm bị dừng lại để ưu tiên cho đội tuyển trong thòi gian “nước rút”.

Chính áp lực về giải quá nên nhiều nơi đã xảy ra những chuyện khôi hài. 

Trước ngày thi học sinh giỏi, để cầu giải, có giáo viên còn đi chùa thắp hương nhằm cầu mong gặp may mắn. 

Thầy giáo trung học "phát khóc" vì trò thi học sinh giỏi ảnh 2

Ngành giáo dục chỉ nên tổ chức các cuộc thi, hội thi gì?

Cá biệt, có năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn làm lễ dâng hương khi ra quân đưa đoàn học sinh giỏi cấp thành phố. Điều này đã bị dư luận lên án vì trong môi trường giáo dục lại tồn tại mê tín dị đoan.

Khi dạy học sinh giỏi đã căng thẳng nhưng khi thi xong thì nhiều giáo viên như ngồi trên đống lửa. Ban giám hiệu hết người này đến người khác “hỏi thăm”. 

Có được chút giải thì nhà trường bao nhiêu là báo cáo thành tích.

Còn những giáo viên không có học sinh đạt giải, hay ít học sinh đạt giải thì cũng chịu nhiều sự chỉ trích như chưa đúng phương pháp, chưa dành hết thời gian, chọn không đúng đối tượng bồi dưỡng... 

Có điều nghịch lý là mỗi năm đối tượng học sinh khác nhau nhưng nhà trường bao giờ cũng yêu cầu chất lượng năm sau phải cao hơn năm trước.

Chỉ mỗi thành tích học sinh giỏi nhưng có Hiệu trưởng cứ vin vào để báo cáo đủ các buổi lễ. 

Đạt được nhiều thành tích học sinh giỏi thì nhà trường tung hô một số người như thưởng nóng đi du lịch nhưng được ít giải thì lại căng thẳng suốt cả cuộc họp, điệp khúc những yếu kém trong tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi lại được “ca nhạc” trong một thời gian dài. 

Bệnh sính giải thưởng, sính thành tích đã làm bộc lộ những tiêu cực trong công tác thi học sinh giỏi. 

Nhiều người vẫn còn nhớ những tiêu cực trong khâu coi thi và chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh của tỉnh Thanh Hóa cách đây vài năm. 

Thầy giáo trung học "phát khóc" vì trò thi học sinh giỏi ảnh 3

“Học sinh xuất sắc” nhiều, có mừng được không?

Nào là có hội đồng còn làm bài cho học sinh hay nhiều bài thi có biểu hiện đánh dấu bài. Thời kỳ đó báo chí cũng đã vào cuộc.

Về kỳ thi học sinh giỏi cấp trường cũng có nhiều vấn đề. Có trường tuy đầu vào học sinh thấp nhưng vẫn phải đòi hỏi số lượng thi học sinh giỏi nhiều. 

Điều lạ lùng là nhà trường còn yêu cầu số giải học sinh giỏi cấp trường phải bằng số lớp của khối thi và yêu cầu phải có giải có số.

Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới cơ chế thi đua và căn cứ vào thực tế chất lượng từng vùng miền để đưa ra tiêu chí thi đua phù hợp. 

Những học sinh nào đủ năng lực, có tố chất thì mới cho thi học sinh giỏi. Có như vậy mới tránh được tình trạng chạy theo thành tích.

Quế Thu