Thầy giáo già trải lòng về dạy - học trực tuyến

14/09/2021 07:05
Đào Văn Khởi (Giáo viên Biên Hòa – Đồng Nai)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính mùa dịch đã cho tôi cơ hội vượt qua tuổi tác, khó khăn để làm mới, đổi mới chính mình trong việc giảng dạy thích ứng với điều kiện thực tế.

Tôi thuộc lớp “giáo già” của địa phương mình đang giảng dạy với tuổi nghề ngót nghét 30 năm.

Thật lòng mà nói, dù đã từng đạt giải khuyến khích Hội thi giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cấp tỉnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy thật khó khăn, vất vả, mướt mồ hôi khi năm học 2019-2020 phải dạy trực tuyến cho học sinh vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Trong dịch Covid-19, tôi có cơ hội đến với dạy học trực tuyến

Khi đó, vào khoảng tháng 3/2019, trường tôi chỉ đạo đưa các đề bài ôn tập lên Zalo, Vnedu cho học sinh làm bài.

Làm được 1 tuần, tôi thấy một số học sinh lơ là dần việc gửi bài cho thầy dù tôi thường xuyên lên nhóm Zalo của lớp nhắc cha mẹ học sinh đốc thúc các em nộp bài.

Tôi nhận ra rằng không có sự tương tác với giáo viên, việc làm bài rồi gửi cho thầy cứ lặp đi lặp lại khiến các em chán ngán. Và tôi đã tìm tòi, tìm hiểu và nghiên cứu phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí Zoom.

Đồng nghiệp chỗ tôi chưa có ai sử dụng phần mềm này nên chẳng biết hỏi đâu đành lên mạng tham khảo.

Đúng một ngày một đêm thức khuya rồi tôi cũng mày mò xài tạm được, thao tác đi thao tác lại cách chia sẻ màn hình, cách tắt mic của học trò, tắt chat, tắt không trò học trò vẽ khi nghe giảng…

Đưa clip hướng dẫn lên nhóm Zalo lớp cho phụ huynh học sinh tải phần mềm Zoom và cách sử dụng về chuẩn bị cho việc học, tôi bất ngờ vì nhiều em học sinh lớp 5 của mình làm rất nhanh, nhắn tin ào ào đòi thầy cho ID, password để thử.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Tuần đầu dạy trực tuyến quả là khó gấp trăm lần dạy trực tiếp khi học sinh chưa quen, thầy trò bị "văng" ra khỏi lớp học buổi vài lần.

Chỉ có 3 tiết dạy thôi đã mệt nhọc hơn cả ngày dạy 10 tiết. Rồi quen dần, những tiết dạy của tôi được phụ huynh phấn khởi, học sinh hào hứng.

Lúc đó lớp tôi có 37 em thì được khoảng 32 em vào học. Tối tối, đúng 7 giờ là thầy trò lại gặp nhau khoảng 1 giờ 30 phút. Nhiều phụ huynh kể các em háo hức chờ đến tối được học với thầy, được hỏi thăm bạn bè lúc thầy cho “ra chơi”.

Thế rồi nhà trường nhờ tôi hướng dẫn đồng nghiệp trong trường sử dụng phần mềm này dạy trực tuyến ngay sau đó.

Đợt dịch đầu tiên kéo dài gần 3 tháng, giáo viên trường tôi có lẽ là trường đầu tiên trong các trường công lập của địa phương dạy trực tuyến.

Dạy trực tuyến, tôi được khám phá thêm nhiều ứng dụng công nghệ để đưa vào bài giảng. Chính mùa dịch đã cho tôi cơ hội vượt qua tuổi tác, khó khăn để làm mới, đổi mới chính mình trong việc giảng dạy thích ứng với điều kiện thực tế.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Bận rộn với đồng nghiệp trước ngày khai giảng

Năm học 2021- 2022 đến với tôi và hơn 1 triệu thầy cô cả nước với tâm thế hoàn toàn khác.

2 năm học trước dịch bệnh đến vào giữa và gần cuối năm học nên việc dạy học không mấy khó khăn, học sinh đã được học bài mới, nhưng đợt dịch lần thứ 4 này là vào đầu năm học.

Dạy trực tuyến là phương án số một và cũng là gần như duy nhất cho hiệu quả khá tốt sau dạy trực tiếp. Nó có sự tương tác cao so với các hình thức dạy học gián tiếp khác.

Vào giữa tháng 8, bạn bè gọi điện, nhắn tin nhờ tôi chỉ cách dạy phần mềm trực tuyến khi nhà trường cho biết kế hoạch dạy học cho năm học mới. Già có, trẻ có cứ liên tục réo gọi.

Chỗ tôi đang phong tỏa, cách ly, giãn cách nên gặp để hướng dẫn cặn kẽ là không thể. Thế là đành làm việc từ xa. Đúng là bạn “lao tâm khổ tứ” học, tôi toát mồ hôi hướng dẫn.

Nói thật, thấy đồng nghiệp lúng túng, loay hoay hỏi đi hỏi lại cách tải phần mềm, cách sử dụng dụng, rồi đưa bài lên mà thương làm sao.

Gần 60 tuổi, tóc bạc màu mà các anh các chị đồng nghiệp vẫn nhọc công không quản ngày đêm tất bật học hỏi tôi không lỡ từ chối.

Vườn tược cỏ mọc um tùm để mình bà xã làm tôi cảm thấy áy náy, song vợ tôi nói gắng giúp anh em mình chịu vất vả chút chẳng sao.

Nhiều lúc đang mơ màng nghỉ trưa thì tin nhắn zalo, điện thoại lại kêu. Người hỏi: “Thầy ơi, sao tôi cho ID, password mà phụ huynh không vô được?”.

Nói bạn gửi cho để kiểm tra thì hỡi ôi máy mình cứ quay vòng vòng, hỏi mới biết bạn xài 4G, đường truyền yếu nên khó vô được.

Người thì: “Thầy cho em hỏi đưa bài giảng lên phần mềm Google meet sao chẳng trình chiếu được?”.

Người lại: “Sao Google meet không lưu được bài giảng vậy thầy?”… Thôi thì đủ cả, nhiều câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng với đồng nghiệp mới “tập tễnh” làm quen thì quả là vất vả, khó khăn. Cô con gái đang học lớp 9 nói với tôi: “Vào năm học, mấy thầy cô dạy còn hỏi ba nhiều”.

Quả thật là như vậy, mới 2 ngày đồng nghiệp gặp học sinh cho làm quen với sử dụng thiết bị học trực tuyến, tôi đã bị quay như chong chóng từ lúc sáng sớm tinh mơ rồi.

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Dạy trực tuyến sao cho học trò không chán học

Hai năm dạy trực tuyến, tôi chủ yếu đứng rồi lại ngồi dạy và tương tác với học trò trên máy. Tôi thường đưa các bài giảng điện tử, bài giảng tương tác đã soạn nhiều năm trước chắt lọc lại dạy học trò.

Có nhiều bài toán vừa giảng, vừa chỉ vào những con số đã có sẵn trên màn hình làm sao cho các em hiểu bài.

Riết rồi tôi nghỉ chắc chắn các em sẽ chán học, tiết học thiếu sinh động. Tôi thiết kế nhiều trò chơi, các hoạt động, đưa hình ảnh động, làm bài trắc nghiệm trên Shub, đưa những đoạn phim vào bài giảng môn Lịch sử và Địa lí, Tập đọc, Khoa học… để thay đổi không khí, tương tác với học trò nhiều hơn.

Song tôi vẫn thấy chưa đủ và một ý nghĩ lóe trong đầu: Sao không đưa bục giảng từ trường về nhà?

Thế nhưng, khó khăn trăm mối khi giữa mùa dịch kiếm đâu ra bảng. Với đồng nghiệp tôi gần trường thì nhà có bảng để dạy thêm còn tôi xa nhà, không mở lớp học tại nhà.

Gọi điện hỏi người bạn gần nhà, tôi được anh cho mượn tấm bảng trắng. Thôi thì không bảng đen phấn trắng, mình có bảng trắng bút xanh.

Giờ dạy của tôi được học trò thích thú khi thấy thầy xuất hiện trên màn hình vừa viết bảng, vừa giảng bài, bục giảng gần với các em. Học trò ngạc nhiên, thầy dạy có khác trên lớp đâu.

Thật đơn giản, tôi đã sử dụng laptop để dạy và kết nối với điện thoại trong phần mềm Google meet để quay trực tiếp tiết dạy của mình.

Vượt khó và có những ý tưởng nho nhỏ trong dạy học trực tuyến thôi, tôi và các thầy cô sẽ cố gắng mang đến kiến thức, những tiết học sinh động, truyền cho học trò mình cảm hứng học tập trong đại dịch thế kỷ này.

Đào Văn Khởi (Giáo viên Biên Hòa – Đồng Nai)