Thầy giáo đi bộ hết tuổi thanh xuân để gieo chữ trên những bản cao

20/12/2020 06:30
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đến với giáo dục Mường Tè từ những ngày theo đuôi trâu tìm bản, mở lớp, tới nay, thầy giáo Lường Văn Hợp đã tròn 20 năm gieo chữ trên những bản non cao.

Trong căn phòng gỗ tuềnh toàng dành cho giáo viên, thầy giáo Lường Văn Hợp lặng lẽ nhìn ra màn sương đặc quánh quấn quanh những dẻo cao của điểm trường Sín Chải A.

Năm học này cũng là năm học thứ 20 thầy Lường Văn Hợp (sinh năm 1979) bước vào nghề giáo và cũng là năm thứ 3 thầy cắm tại bản Sín Chải A.

Pa Vệ Sử là một trong những xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Mường Tè, Lai Châu

Xã là địa bàn sinh sống của người La Hủ và người Mảng. Người Mảng, người La Hủ còn nghèo, cuộc sống của họ chênh vênh trong những căn nhà vách gỗ hun hút gió trên sườn núi.

Điểm tường Tiểu học ở bản Sín Chải A của thầy giáo Lường Văn Hợp.

Điểm tường Tiểu học ở bản Sín Chải A của thầy giáo Lường Văn Hợp.

Cuộc sống còn khó khăn, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nên việc đi học lại càng nan giải.

Tâm sự về nghề, thầy Hợp tự nhận mình là giáo viên cắm bản “chuyên nghiệp”, cuộc sống của thầy trên những điểm trường miền biên viễn này phần lớn trong những căn nhà gỗ ghép tạm cạnh điểm trường.

Lớp học ngay cạnh, 8 đứa trẻ quây quần nghe thầy giáo giảng bài, căn phòng học gỗ được xây dựng từ năm 1999 nay đã xuống cấp.

Giữa giờ nghỉ giải lao, thầy Hợp tranh thủ tâm sự với chúng tôi. Thầy cho biết, mình không bao giờ quên ngày đầu tiên cầm tờ quyết định gộp để bước vào nghề giáo, ngày 1/9/2000.

Bởi bắt đầu từ ngày ấy, cả thanh xuân của thầy Lường là những dấu chân trải khắp các bản làn của Mường Tè.

Những năm đầu nghề giáo là những tháng ngày tìm đường đến bản, gom học sinh, dựng lớp ở xã Tà Tổng.

Với thầy Hợp, những năm tháng ấy là những năm tháng không thể nào quên bởi những gì đã qua, đến bây giờ nghĩ lại vẫn không biết tại sao mình có thể vượt qua được như thế.

Để đến với Tà Tổng, những giáo viên vùng cao ngày ấy phải đi bộ, leo đèo cả tuần mới vào được trường, rồi đi vận động học trò ra lớp.

Lớp học xuyên nắng, gió của thầy hợp và đám học trò ở Sín Chải A.

Lớp học xuyên nắng, gió của thầy hợp và đám học trò ở Sín Chải A.

Không chỉ là khó khăn mà còn cả là những thử thách bởi người dân lúc đó có còn lạc hậu, ý thức còn thấp nên vận động ra lớp gặp rất nhiều khó khăn.

Sau 4 năm (từ năm 2004-2007) thầy Hợp chuyển về xã Bum Nưa. Từ 2007 trở đi, thầy Hợp gắn bó với mảnh đất Pa Vệ Sử.

Nói về những ngày đầu ở Pa Vệ Sử, thầy Hợp cho biết, mới đây mới có đường xe vào, trước kia toàn phải đi bộ.

“Ngày đầu vào cầu cống cũng không có, anh em lên trường, nhất là vào mùa lũ, người thì biết bơi, người không biết bơi nên toàn phải dẫn dắt nhau vào để làm sao qua được suối an toàn. Bây giờ thì đỡ hơn nhiều. Thời điểm đó thì cả thời gian ở trên bản, bây giờ mới có thời gian về với gia đình”, thầy Hợp cho biết.

Trong câu chuyện của mình, thầy Hợp cho biết, mình vừa mới hoàn thiện kỳ thi tuyển dụng vào viên chức bởi 20 năm trước, thầy chỉ nhận quyết định gộp, không có quyết định riêng.

Cũng trong suốt thời gian cắm bản, đường sá quá xa, cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng thầy Hợp vẫn gắng sức hoàn thiện trình độ để phù hợp với yêu cầu mới của ngành giáo dục.

Giờ giải lao của học trò ở Sín Chải A.

Giờ giải lao của học trò ở Sín Chải A.

Khi được hỏi về kỷ niệm và điều nhớ nhất của 20 năm cắm bản, thầy Hợp cười: “Kỷ niệm thì có nhiều chủ yếu là kỷ niệm về những tháng ngày gian khó. Nhưng khổ mãi thành quen, mọi thứ cứ thế trôi đi qua từng năm học nên không biết cái nào nhớ nhất để mà kể cả”.

“Bây giờ mọi thứ đã tốt hơn nên nhìn về hôm qua chỉ là những kỷ niệm để mình tiếp tục con đường giáo dục thôi”, thầy Hợp tâm sự.

Còn về người học trò mình nhớ nhất, thầy Hợp nhắc đến Vàng A Sính, cậu học trò người Mông năm lớp 1 của thầy Hợp nay đã là cán bộ xã.

Có thể với những người thầy khác, học trò có thể thành đạt, làm kỹ sư, doanh nhân nào đó nhưng với thầy Hợp, học trò làm cán bộ xã, có nghề nghiệp nuôi sống bản thân là hạnh phúc lớn nhất rồi.

Mong ước lớn hơn cả của thầy giáo Lường Văn Hợp chính là điểm trường Sín Chải A của thầy và trò được kín gió khi mùa đông về và đừng thành bùn lầy khi mùa hè đến là thầy hạnh phúc.

Trần Phương