Thầy Đỗ Tấn Ngọc mong hướng dẫn dạy và học cần phải nhanh, sớm

27/11/2019 06:20
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Thầy Đỗ Tấn Ngọc mong sao các sở giáo dục và đào tạo địa phương khác cũng có những yêu cầu, định hướng cụ thể về kiểm tra học kỳ như Thành phố Hồ Chí Minh.

Các địa phương, các trường phổ thông đã bắt đầu chuẩn bị cho việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1, năm học 2019-2020.

Báo Người lao động đưa tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện kiểm tra học kỳ năm học 2019 – 2020.

Theo đó, đối với lớp 9 và lớp 12, các trường không được sử dụng kỳ kiểm tra học kỳ vào mục đích luyện tập cho học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Ngoài ra, các trường chỉ thực hiện theo chương trình chuẩn biên soạn một đề kiểm tra chung cho mỗi môn ở từng khối lớp, đảm bảo hình thức, nội dung kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch dạy học, phù hợp giữa thời gian làm bài và nội dung kiểm tra.

Các trường thực hiện cả chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, mỗi môn (trừ Tiếng Anh) của khối lớp 10 và 11 biên soạn một đề kiểm tra có hai phần: phần chung bắt buộc và phần riêng tự chọn cho hai chương trình chuẩn và nâng cao.

Tỉ lệ điểm giữa phần chung và phần riêng của từng môn do nhà trường quy định.

Nội dung kiểm tra phải bảo đảm tính chính xác, câu hỏi rõ ràng, phải theo tiến độ bài dạy ở kỳ kiểm tra và sát với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình.

Cấu trúc đề kiểm tra phải đảm bảo đánh giá đúng và phân hóa năng lực học sinh.

Cụ thể, khối lớp 6,7,8,9,10,11 các môn sẽ thi theo hình thức tự luận, riêng tiếng Anh sẽ thi trắc nghiệm 100%.

Khối lớp 12 sẽ thi môn văn theo hình thức tự luận, các môn chung khác sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận.

Đặc biệt, môn toán khối 12 sẽ thi theo hai phương án: trắc nghiệm khách quan phối hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan độc lập với tự luận.

Tỉ lệ giữa phần trắc nghiệm và phần tự luận các trường bố trí 5:5; 6:4 hoặc 7:3.

Các trường không bố trí kiểm tra quá 2 môn/ngày/khối. Không thực hiện kiểm tra theo tổ hợp như thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Các địa phương, các trường phổ thông đã bắt đầu chuẩn bị cho việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1 năm học 2019-2020. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Các địa phương, các trường phổ thông đã bắt đầu chuẩn bị cho việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1 năm học 2019-2020. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Qua theo dõi nhiều năm, tôi nhận thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thường là địa phương sớm có những văn bản, hướng dẫn về hoạt động dạy học nói chung, công tác kiểm tra, thi cử nói riêng gửi đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Hơn nữa, các yêu cầu, chỉ dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo này rất cụ thể, sát thực, phù hợp để định hướng kịp thời cho việc tổ chức ôn tập, ra đề kiểm tra, tổ chức kiểm tra ở các nhà trường.

Tôi đồng tình với chỉ đạo: “đối với lớp 9 và lớp 12, các trường không được sử dụng kỳ kiểm tra học kỳ vào mục đích luyện tập cho học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Trung học phổ thông Quốc gia.”

Vì thực tế, có nhiều trường ở các địa phương khác lâu nay luôn chăm bẵm sử dụng kỳ kiểm tra học kỳ vào mục đích luyện tập cho học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Hay nói một cách khác, các trường chạy đua theo thành tích, kết quả thi cử, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho giáo dục, giáo viên và học sinh bị cuốn theo rất vất vả và áp lực.

Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức kiểm tra kì I đề chung
Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức kiểm tra kì I đề chung

Tôi thấy yêu cầu sau đây của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất xác đáng:

Nội dung kiểm tra phải bảo đảm tính chính xác, câu hỏi rõ ràng, phải theo tiến độ bài dạy ở kỳ kiểm tra và sát với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình.

Cấu trúc đề kiểm tra phải đảm bảo đánh giá đúng và phân hóa năng lực học sinh” .

Bởi vì, sau khi kiểm tra học kỳ xong, ở không ít nhà trường, địa phương từng để xảy ra tình trạng đề kiểm tra có sai sót về kỹ thuật, về kiến thức, đề kiểm tra đánh đố, đề kiểm tra quá sức với trình độ, năng lực học sinh… khiến dư luận, phụ huynh và học sinh xôn xao, hoang mang, hoài nghi…

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh còn định hướng các nhà trường thực hiện đúng theo tinh thần công văn về việc kiểm tra, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “khối lớp 6,7,8,9,10,11 các môn sẽ thi theo hình thức tự luận, riêng tiếng Anh sẽ thi trắc nghiệm 100%.

Khối lớp 12 sẽ thi môn văn theo hình thức tự luận, các môn chung khác sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận.

Đặc biệt, môn toán khối 12 sẽ thi theo hai phương án: trắc nghiệm khách quan phối hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan độc lập với tự luận.

Tỉ lệ giữa phần trắc nghiệm và phần tự luận các trường bố trí 5:5; 6:4 hoặc 7:3”.

Quy định như vậy để tránh tình trạng mỗi trường làm mỗi kiểu, không giống ai, đồng thời tránh tình trạng nhiều trường, thầy giáo “sính” ra đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm mà bỏ rơi hình thức tự luận (vốn cần thiết cho học sinh phổ thông trong lập luận, diễn đạt lô gic ở các môn học tự nhiên lẫn xã hội).

Yêu cầu:Các trường không bố trí kiểm tra quá 2 môn/ngày/khối” chứng tỏ Sở này “bắt” đúng “bệnh” nhiều cơ sở giáo dục thường hay kiểm tra dồn dập (3,4 môn/ ngày) để giáo viên nghỉ ngơi và chấm bài cho nhanh mà không thấy chỉ tội, thương cho các em học sinh bị áp lực, học và kiểm tra đến đuối sức.

Từ đây, tôi mong sao các sở giáo dục và đào tạo địa phương khác cũng có những yêu cầu, định hướng cụ thể, phù hợp về tổ chức kiểm tra, đánh giá học kỳ 1 năm học 2019-2020 tương tự như Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới ban hành.

Đỗ Tấn Ngọc