Thầy cô thật khổ, chương trình mới không còn 'mưa giấy khen', phụ huynh lại than

12/06/2022 06:28
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để được tặng giấy khen khi học chương trình mới là rất khó, học sinh phải thật sự có phẩm chất, năng lực nổi trội, cùng với sự cố gắng bền bỉ cả năm học.

Những năm trước đây, cứ cuối năm học, mạng xã hội lại tràn ngập sắc đỏ của giấy khen. Giữa mùa hè oi bức, “cơn mưa” giấy khen không làm hạ nhiệt, ngược lại, nó làm cho dư luận sục sôi vì cho rằng “Nền giáo dục đang lấy những tờ giấy khen làm thành tích”.

Để chấn chỉnh tình trạng “lạm phát giấy khen” ngành giáo dục đã ban hành Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT, Thông tư Số 27/2020/TT-BGDĐT về kiểm tra đánh giá học sinh Chương trình 2018.

Tại sao học chương trình 2018 không còn mưa giấy khen?

Với Tiểu học, chương trình 2018 đã áp dụng lớp 1, lớp 2, các cơ sở giáo dục áp dụng Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT để kiểm tra đánh giá, khen thưởng học sinh.

Điều 13. Khen thưởng

1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:

a) Khen thưởng cuối năm học:

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

b) Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.

2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

3. Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.

Với học sinh Trung học, chương trình đã áp dụng cho lớp 6, các cơ sở sử dụng Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT đánh giá, khen thưởng:

Điều 15. Khen thưởng

1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh

a) Khen thưởng cuối năm học - Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên. - Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.

b) Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.

2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Nếu giáo viên trung thực, khách quan trong đánh giá, để có giấy khen khi học chương trình mới là rất khó, học sinh phải thật sự có phẩm chất, năng lực nổi trội, cùng với sự cố gắng bền bỉ cả năm học, mới mong cuối năm có tấm giấy khen.

Chính vì thế, kết thúc năm học 2021-2022, không còn cảnh “mưa giấy khen” xuất hiện nữa, dư luận xã hội lại chuyển sang vấn đề khác: phụ huynh ngậm ngùi, buồn, vì con không có giấy khen.

Phụ huynh phải đồng hành cùng thầy cô để có giáo dục thật

Giấy khen không có lỗi, nhưng dư luận xã hội có sự nhìn nhận thiếu tích cực khi xảy ra “lạm phát giấy khen”.

Ngược lại, không ít phụ huynh “cuồng giấy khen”, cuối năm con không có giấy khen, dù coi nó là “giấy lộn” vẫn tìm nguyên nhân, đổ lỗi, tại sao con mình không được giấy khen.

Tâm lý này phản ánh phần nào việc bố mẹ quá kỳ vọng và mong muốn con có thành tích tốt nhất, luôn luôn phải là số 1.

Có phụ huynh đã bày tỏ trên mạng xã hội về việc con mình học lớp 2 không được nhận giấy khen “Con tôi học lớp 2, cả 2 năm đều tự học không gửi nhà gv, năm lớp 1 gặp người quân tử, con đạt thành tích xuất sắc, năm nay gặp hạng tiểu nhân, thi toán 10, văn 8, mà không có gì dù là tờ giấy khen vô giá trị”.

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Chê đúng là thầy ta, khen đúng là bạn ta”, mỗi giáo viên muốn là thầy, là bạn của học sinh, vì thế, đánh giá khách quan, trung thực học sinh là sự khẳng định phẩm chất và năng lực người thầy.

Phụ huynh chấp nhận con không có giấy khen cuối năm, là chấp nhận để nhà trường dạy thật, tổng kết đánh giá thật, con mình có được người thầy đúng nghĩa.

Là giáo viên chủ nhiệm nói chung, giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học nói riêng, tâm lý chung, giáo viên nào cũng mong muốn học sinh lớp mình có nhiều Học sinh Xuất sắc, cuối năm được nhận nhiều giấy khen.

Thế nhưng “một xã hội sẽ không phát triển nếu như thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt, hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, có cải cách mấy cũng bằng thừa”.

Để giáo dục thật, giáo dục trung thực, cần lắm sự đồng thuận, góp sức của phụ huynh học sinh.

Nhà trường cần phổ biến quy chế đánh giá, khen thưởng đến phụ huynh học chương trình mới, tránh “sốc” cho phụ huynh, khi đưa con dự lễ sơ kết, tổng kết, thấy học sinh chương trình cũ được khen thưởng nhiều, con mình không có giấy khen lại ngậm ngùi.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/giao-duc-ma-khong-co-gia-tri-trung-thuc-cai-cach-may-cung-bang-thua-2025613.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh