Thầy cô “sống mòn” thời nay

29/04/2020 06:47
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Giáo viên thỉnh giảng không được giảng dạy đồng nghĩa thất nghiệp không lương, phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Con đường từ bục giảng đến chuồng lợn thật gần.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa (Phúc Thọ, Hà Nội) bắt đầu một ngày mới từ 6 giờ sáng. Công việc đầu tiên của cô Hoa là cho lợn, gà ăn. Sau đó cô Hoa tiếp tục ra ruộng chăm mấy luống rau.

Cách đây 3 tháng, cô Hoa vẫn là một giáo viên thỉnh giảng, ngày ngày lên lớp mặc dù đồng lương ít ỏi. Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của cô và gia đình. Không được nhà trường xếp môn dạy trực tuyến đồng nghĩa cô Hoa thất nghiệp, đồng lương còm cõi (hơn 1 triệu đồng/ tháng) cũng bị cắt.

Những lúc như thế này, nghĩ đến thầy cô hợp đồng mà rơi nước mắt
Những lúc như thế này, nghĩ đến thầy cô hợp đồng mà rơi nước mắt

Cô Hoa rớt nước mắt: “Bây giờ tôi thất nghiệp rồi chẳng biết làm gì ngoài việc ở nhà nuôi con lợn, con gà, trồng mấy luống rau.

Đối với những giáo viên thỉnh giảng như chúng tôi nếu như nhà trường xếp môn cho thì dạy trực tuyến không thì ở nhà.

Nhiều giáo viên thỉnh giảng là những giáo viên giỏi, có chuyên môn tốt nhưng cũng thất nghiệp không lương.

Trước đây chúng tôi là những giáo viên hợp đồng lâu năm. Sau khi bị cắt hợp đồng thì trở thành giáo viên thỉnh giảng. Mỗi tiết học tùy từng nơi giáo viên được trả từ 20.000 đồng-30.000 đồng. Tuy đồng lương còm cõi nhưng cũng gọi là có công ăn việc làm.

Thế nhưng gần 3 tháng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chúng tôi không được giảng dạy cũng không có lương. Nhiều đồng nghiệp bỏ nghề làm thuê làm mướn. 

Trước mắt chúng tôi cũng phải lo cho cuộc sống. Thế nhưng không biết sau khi các trường học mở cửa trở lại chúng tôi còn được tiếp tục công việc thỉnh giảng hay không?”.

Thất nghiệp, giáo viên ở nhà trồng rau, nuôi gà (Ảnh:V.N)
Thất nghiệp, giáo viên ở nhà trồng rau, nuôi gà (Ảnh:V.N)

Chung tình cảnh với cô Hoa, nhiều giáo viên thỉnh giảng tại một số Quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đang rơi vào tình trạng thất nghiệp do các trường đóng cửa. 

Cô Lã Thị Mỹ Duyên, giáo viên thỉnh giảng huyện Ba Vì (Hà Nội), trước đây nhận mức lương khoảng hơn 1 triệu đồng/ tháng. Sau khi các trường học đóng cửa cô Duyên không được trường mời giảng dạy trực tuyến vì thế cô thất nghiệp. Những ngày này, cô Duyên phải làm nhiều nghề để mưu sinh như đan cói, làm chổi…trong khi công việc phía trước vẫn còn mờ mịt.

Cô Duyên tâm sự: “Thời điểm này ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn chúng tôi cũng chịu chung số phận như vậy. Tuy nhiên giáo viên thỉnh giảng có một số thiệt thòi nhất định. 

Mặc dù chúng tôi được dạy ở các trường công lập nhưng lại không phải là giáo viên biên chế hay hợp đồng của trường cho nên chúng tôi không có lương khi nghỉ dịch. Chúng tôi cũng không dạy ở trường tư nên nhiều khả năng sẽ không được hỗ trợ. 

Trước mắt chúng tôi mong nhận được hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên điều lo lắng nhất là sau khi các trường mở cửa trở lại chúng tôi có được tiếp tục công việc của mình hay không? 

Từng ấy năm ăn học ra trường rồi đi làm cuối cùng chúng tôi nhận được kết cục đắng ngắt”.

Giáo viên thỉnh giảng cũng nên được xếp vào nhóm đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 (Ảnh:V.N)
Giáo viên thỉnh giảng cũng nên được xếp vào nhóm đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 (Ảnh:V.N)

May mắn hơn cô Duyên và cô Hoa, một số giáo viên thỉnh giảng vẫn được các trường mời dạy trực tuyến.

Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: Tại một số trường bắt đầu từ tháng 4, giáo viên thỉnh giảng khi tham gia dạy trực tuyến sẽ được nhà trường hỗ trợ một mức lương cơ bản từ 1 đến 2 triệu đồng. 

Chúng tôi vẫn làm việc bình thường như các giáo viên của trường. Thế nhưng nhiều giáo viên không có cơ may để tham gia các hoạt động giảng dạy phải chịu cảnh thất nghiệp. Nhìn chung tình cảnh của giáo viên thỉnh giảng rất bi đát. 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 40.000 giáo viên, nhân viên trường tư đã bị cắt giảm lương vì trường học tạm đóng cửa.

Khối trường công lập có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập, với 45.642 giáo viên và nhân viên. Trong số này, có gần 40.000 người phải cắt giảm lương, thậm chí hàng nghìn người không được nhận lương.

Giáo viên, nhân viên ba không thời Covid-19
Giáo viên, nhân viên ba không thời Covid-19

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có đề nghị hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, phải thuê nhà, có con nhỏ hoặc sức khỏe yếu.

Một vấn đề hiện nay là đối tượng giáo viên thỉnh giảng đang rất chênh vênh vì họ vẫn dạy ở trường công lập nhưng lại không phải là hợp đồng hay biên chế vì thế không có lương nhưng cũng không phải giáo viên trường tư để nhận trợ cấp. Cho nên cần thiết phải có xếp giáo viên thỉnh giảng vào nhóm đối tượng được hỗ trợ của Nhà nước.

Theo một số hiệu trưởng, với tình trạng giáo viên bỏ việc nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường sẽ đối mặt với nỗi lo thiếu giáo viên khi mở cửa trở lại.

Trước mắt những giáo viên thỉnh giảng đang mong mỏi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp họ “sống sót” qua đợt dịch Covid-19. Bên cạnh đó nguyện vọng chung của giáo viên hợp đồng tại Hà Nội là thành phố sớm hoàn thành việc xét đặc cách như đã hứa.

Tương lai của nhiều giáo viên thỉnh giảng vẫn rất mù mịt (Ảnh:V.N)
Tương lai của nhiều giáo viên thỉnh giảng vẫn rất mù mịt (Ảnh:V.N)

Cô giáo Quỳnh Phương (Phúc Thọ, Hà Nội) nói: “Nhà nước bỏ bao công sức và tiền của đầu tư cho ngành giáo dục kết cục là hàng trăm, hàng nghìn giáo viên thất nghiệp phải mưu sinh đủ nghề.

Đối với những giáo viên chúng tôi từng tin yêu và đi theo ngành sư phạm đã khóc cạn nước mắt trong đợt dịch này. Vì vậy chúng tôi không có gì mong mỏi hơn là thành phố Hà Nội sớm hoàn thành việc xét đặc cách cho giáo viên. 

Vì hiện nay hành lang pháp lý, các quyết định đã có và các Quận, huyện, thị xã cũng đã lên danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét đặc cách”.

Vũ Ninh