Thầy cô nào sẽ làm giáo viên chủ nhiệm lớp?

13/08/2019 06:29
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Ai cũng muốn mình không phải làm chủ nhiệm lớp thì ai sẽ làm công việc này đây? Trong khi mỗi lớp học không thể không có giáo viên chủ nhiệm.

Năm học 2019- 2020 lại bắt đầu, việc phân công nhiệm vụ năm học, phân công các giáo viên làm chủ nhiệm lớp là công việc đầu tiên mà Ban giám hiệu nhà trường phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhiều giáo viên không muốn kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp, nhiều người lấy lý do để viện cớ xin không phải chủ nhiệm lớp khi được phân công đảm nhận công việc này.

Thế nhưng, ai cũng muốn mình không phải làm chủ nhiệm lớp thì ai sẽ làm công việc này đây? Trong khi mỗi lớp học không thể không có giáo viên chủ nhiệm.

Một số giáo viên rất sợ khi được phân công làm chủ nhiệm lớp (Ảnh minh họa: baobacninh.com.vn).
Một số giáo viên rất sợ khi được phân công làm chủ nhiệm lớp (Ảnh minh họa: baobacninh.com.vn).

Đối với những giáo viên dạy ở mầm non hay tiểu học thì đương nhiên sẽ làm giáo viên chủ nhiệm lớp bởi đó là điều này không thể từ chối được.

Người giỏi làm chủ nhiệm lớp là đương nhiên nhưng người chưa giỏi, chưa làm tốt công việc này cũng bắt buộc phải làm giáo viên chủ nhiệm. Bởi, biên chế đã được giao, số lớp đã được ấn định thì bắt buộc các giáo viên đều phải gánh vác công tác chủ nhiệm lớp học.

Đối với cấp tiểu học chỉ trừ mấy giáo viên tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật và Thể dục trong trường là không phân công chủ nhiệm mà thôi.

Thế nhưng, đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông lại hoàn toàn khác bởi mỗi giáo viên đảm nhận một môn học. Định mức được giao là giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/ tuần, giáo viên trung học phổ thông thì 17 tiết/ tuần.

Thực tế có nhiều giáo viên làm rất tốt công tác chủ nhiệm nhưng nhà trường không thể giao được nhưng ngược lại có nhiều người làm chủ nhiệm rất dở vẫn phải phân công làm chủ nhiệm lớp.

Nghe qua thì thấy có phần nghịch lý nhưng thực tế các trường học bây giờ đang diễn ra như vậy.

Bởi, biên chế giáo viên của các môn học hiện nay đang thừa, thiếu cục bộ  trong các nhà trường, có những môn giáo viên dạy dư tiết, có môn giáo viên dạy đủ tiết nhưng lại có môn thì giáo viên dạy thiếu rất nhiều tiết.

Trong khi, với cách hướng dẫn và phân bổ ngân sách hiện nay thì bao giờ cũng được hướng dẫn là tránh việc chi tiền thừa giờ trong các trường học.

Chính vì thế, việc đầu tiên mà các Ban giám hiệu hướng tới là những  giáo viên dạy thiếu tiết thì đương nhiên phải làm công tác chủ nhiệm.

Dù Ban giám hiệu không ưng nhưng bắt buộc cũng phải làm vậy. Nếu không phân giáo viên chủ nhiệm cho những giáo viên thiếu tiết mà phân công cho những giáo viên đang đủ hoặc thừa tiết thì lấy đâu kinh phí để trả tiền thừa giờ cho giáo viên?

Khi quyết toán với lãnh đạo cấp trên ai ký cho mà chi nên nhà trường phải căn cứ vào số lượng giáo viên và số tiết quy định để phân công giáo viên chủ nhiệm.

Và, đây cũng là bài toán khó đối với các thầy cô làm tổ trưởng chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường khi phân công nhiệm vụ năm học cho các giáo viên của mình.

Tất nhiên, trong một trường học thì thầy cô nào có năng lực, nhiệt tình trong công tác chủ nhiệm mọi người đều biết cả.

Nhưng, chính vì các hướng dẫn và căn cứ vào thực tế nhiệm vụ, căn cứ vào những con người cụ thể trong nhà trường nên bắt buộc nhà trường phải phân công cho nhiều giáo viên mà họ thừa biết rằng bản thân những giáo viên đó sẽ khó lòng làm tốt được công tác chủ nhiệm mà nhà trường phân công.

Hiện nay, giáo viên kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm được tính 4,5 tiết/ tuần.

Số tiết ấy chỉ bằng một buổi dạy nên nhiều người họ muốn thà đi dạy thêm một buổi vẫn khỏe hơn làm chủ nhiệm phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác như quản lý lớp, thu tiền học sinh, sinh hoạt lớp, vận động học sinh  khi các em bỏ học, theo học sinh trong các phong trào…

Những công việc không tên ấy gần như tuần nào cũng có và đương nhiên khi học sinh vi phạm kỷ luật cũng phải có mặt giáo viên để xử lý, liên hệ và kỷ luật học trò…

Vất vả là vậy, nhưng khi đã là giáo viên thì đương nhiên các thầy cô đều phải trải qua công tác chủ nhiệm lớp.

Chỉ có một vài giáo viên đặc biệt, dạy những môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật thì mới ít khi bị chủ nhiệm còn các giáo viên còn lại gần như ít hay nhiều cũng đều phải chủ nhiệm một số năm.

Có những giáo viên năm nào cũng phải chủ nhiệm vì số tiết của tổ chuyên môn ít mà nhiều giáo viên nên bắt buộc phải làm chủ nhiệm lớp.

Suy cho cùng, chủ nhiệm lớp cũng là một nhiệm vụ quen thuộc mà khi mỗi thầy cô theo nghề sư phạm đều đã nghỉ đến. Có vất vả, có mệt mỏi và đôi lúc còn phiền toái nhiều điều nhưng nếu ai cũng không thiết tha với công tác chủ nhiệm lớp thì ai sẽ là người đảm nhận công việc này đây?

Những bất cập, hạn chế trong chế độ, những vất vả trong công việc thì thầy cô trong ngành chúng ta cùng lên tiếng để lãnh đạo ngành nhìn thấy và điều chỉnh, tháo gỡ dần.

Việc chủ nhiệm lớp vất vả là điều đương nhiên, không thầy cô nào không biết nhưng biết để từ đó tìm ra những biện pháp nhằm làm tốt hơn công việc của mình.

Hơn nữa, giáo viên làm công tác chủ nhiệm cũng sẽ hiểu hơn nỗi vất vả của đồng nghiệp đã và đang kiêm nhiệm công việc này, hiểu hơn những học trò của mình.

Nếu thiếu tiết mà xin không làm chủ nhiệm lớp thì không chỉ đẩy khó khăn cho đồng nghiệp của mình và đương nhiên cũng khiến cho Ban giám hiệu nhà trường khó khăn trong việc phân công nhiệm vụ năm học.

Vì thế, những công việc khó khăn luôn rất cần sự chung tay của giáo viên  trong từng trường để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ của năm học và làm tốt vai trò của người thầy khi mà bản thân mình đã và đang gắn bó với nghề dạy học.

NGUYỄN NGUYÊN