Thầy cô làm việc đến 2h sáng để soạn bài online trong mùa dịch Corona

14/02/2020 06:30
TẤN TÀI
(GDVN) - Để kịp đưa bài giảng lên website cho học sinh ôn tập trong những ngày nghỉ học, các cô đã phải làm việc cật lực, có thời điểm phải làm đến 2-3h sáng.

Những ngày này, khi gần 800 học sinh của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) phải nghỉ học ở nhà vì dịch bệnh virus Corona (Covid-19) thì các thầy cô vẫn có mặt đông đủ ở trường. 

Phòng học, thư viện... nhanh chóng được chuyển đổi công năng thành “phim trường”, phòng thu âm để chuyển tải các bài giảng online nhanh nhất, chuẩn xác nhất và chất lượng tốt nhất đến với học sinh, phụ huynh.

Thư viện thành “phim trường”

Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, từ thời điểm học sinh toàn thành phố phải nghỉ học vì dịch Covid-19 thì nhà trường đã lên kế hoạch để dạy ôn tập bài vở cho học sinh qua các kênh online. 

Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu soạn bài giảng online trong những ngày học sinh nghỉ học vì dịch bệnh. Ảnh: TT
Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu soạn bài giảng online trong những ngày học sinh nghỉ học vì dịch bệnh. Ảnh: TT

“Do nghỉ học kéo dài nên thầy cô phải thực hiện ôn tập bài vở cho các em. Những bài giảng, phương pháp ôn bài... đều được chuyển tải bằng video nên các cô phải tận dụng phương tiện, kỹ thuật thô sơ sẵn có của nhà trường như: điện thoại, tai phone, míc của phòng dạy tiếng Anh... để thực hiện”.

Những phòng học cách âm tốt, thư viện... được trưng dụng, chuyển đổi thành phim trường cho các cô quay bài giảng. Mỗi ngày, hầu hết các giáo viên đều có mặt tại trường để soạn bài và thực hiện các bước ghi hình.

“Mỗi tổ chuyên môn phụ trách một khối với các nhiệm vụ và chức năng khác nhau. Các tổ sau khi xây dựng chương trình (nội dung bài giảng) sẽ trình lên Ban giám hiệu chỉnh sửa, phê duyệt.

Thầy Hiệu trưởng làm clip hướng dẫn giảng viên xây dựng bài giảng online

Tiếp đó, các cô mới thực hiện ghi âm, ghi hình để cho ra một sản phẩn video hoàn chỉnh. Ban giám hiệu sẽ chỉnh sửa, kiểm duyệt video này cấn thận rồi mới đưa lên hệ thống website và fanpage của Trường cho học sinh, phụ huynh dễ dàng tiếp cận”.

Thầy Phong cũng thông tin thêm, công việc nói thì đơn giản nhưng với nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu.

Nhiều hôm đang ghi âm bài giảng thì tạp âm bên ngoài xen vào khiến cả nhóm phải làm lại từ đầu. Có bài ôn tập, giáo viên phải làm 1-2 ngày mới xong vì phần mềm sử dụng trên máy tính không đáp ứng được.

Những thước phim quay bằng điện thoại với đội ngũ "hậu cần" còn khá nghiệp dư nhưng được thực hiện bằng cả sự đam mê và tâm huyết của người thầy.

Làm việc đến 9-10h đêm mới về nhà

Gia đình có hai con nhỏ nhưng suốt những ngày qua, cô giáo Đinh Thị Thùy Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp 2) phải nhờ ông bà chăm giùm để đến trường làm giáo án.

Giáo viên nỗ lực dạy ôn tập trực tuyến cho học sinh mùa dịch Corona

“Mình vẫn đến trường và làm công việc như mọi ngày thôi. Những bài giảng, bài ôn tập sẽ giúp các em nắm vững được kiến thức khi đi học trở lại. Dù áp lực công việc nhưng nhờ quỹ thời gian linh động hơn, có thể làm sớm hoặc trễ hơn nên cũng đỡ”.

Cô Vân cũng chia sẻ, có những hôm cả nhóm phải ở lại soạn bài giảng đến 9-10h đêm mới tắt đèn ra về. Những khó khăn trong khâu kỹ thuật, chuyển tải hình ảnh khiến các cô phải làm việc cật lực và vất vả hơn để kịp đưa bài lên website vào sáng sớm hôm sau cho học sinh làm bài tập.

“Có hôm đang 3h sáng thì tôi nhận được tin nhắn gửi email của cô Vân xem chỉnh sửa và duyệt bài để đưa lên website.

Dù đã trễ nhưng các cô vẫn phải cố gắng hoàn thành cho bài tập ngày mai. Các cô đã làm việc với tất cả nhiệt huyết, tình yêu và đam mê với nghề. Tôi cảm ơn các cô vì điều đó”, thầy Phong cho biết.

Niềm vui lớn nhất của thầy Phong cũng như các cô giáo Trường tiểu học Võ Thị Sáu là những bài giảng online của các thầy cô đã được học sinh, phụ huynh tương tác tích cực.

Những tin nhắn phản hồi cảm ơn, những lời chia sẻ trên fanpage đã giúp các thầy cô có thêm động lực để làm việc.

“Trung bình mỗi ngày, hệ thống website của trường có hơn 1.000 lượt truy cập, còn trên fanpage của trường cũng lên đến 10.000 lượt/ngày”, thầy Phong nói.

TẤN TÀI