Thầy cô khốn khổ vì chứng chỉ, phụ huynh nghèo lao đao vì tiền sách giáo khoa

15/06/2021 06:55
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lúc thì chuyện chứng chỉ, học nâng chuẩn của giáo viên, lúc thì chuyện sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ của học trò ở thời điểm đầu các năm học.

Trong các ngành nghề hiện nay, ngành giáo dục có một số lượng người công tác và học tập nhiều nhất, với khoảng hơn 20 triệu con người mỗi năm. Và, từ lâu, những thầy cô giáo và học sinh cũng luôn là một “thị trường lớn” cho nhiều cơ sở kinh doanh giáo dục khai thác triệt để.

Chính vì thế, chỉ cần một thay đổi nhẹ về chính sách cũng khiến cho ngành giáo dục có một tác động rất lớn bởi nhân lực con người ở đây quá đông đảo nên nó ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình.

Vậy nên, những thay đổi của ngành cũng luôn được các phương tiện thông tin đại chúng “ưu ái” phản ánh khá nhiều. Lúc thì chuyện chứng chỉ, học nâng chuẩn của giáo viên, lúc thì chuyện sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ của học trò ở thời điểm đầu các năm học.

Sách lớp 6 cho năm học tới đang được rao bán trên mạng xã hội với rất nhiều đầu sách cho mỗi môn học (Ảnh chụp từ màn hình)

Sách lớp 6 cho năm học tới đang được rao bán trên mạng xã hội với rất nhiều đầu sách

cho mỗi môn học (Ảnh chụp từ màn hình)

Ám ảnh chuyện chứng chỉ của giáo viên trong những năm qua

Hiện nay, đội ngũ giáo viên phổ thông trên cả nước có tới trên 1 triệu người- chiếm một lực lượng lao động lớn nhất so với các ngành nghề khác. Điều đặc biệt là trong những năm qua thì ngành giáo dục có nhiều văn bản hướng dẫn về việc quy định mã số, xếp hạng, xếp lương đối với giáo viên.

Vì thế, có những văn bản được ban hành được các cơ sở giáo dục khai thác một cách triệt để.

Cứ nhìn lại các chứng chỉ mà giáo viên được yêu cầu bắt buộc phải có trong những năm qua, như: chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm…cũng đủ thấy hàng ngàn tỉ đồng của giáo viên đã phải đội nón ra đi.

Mới đây nhất là năm 2015, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục ban hành các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và các văn bản này hướng dẫn việc xếp hạng giáo viên cấp mầm non, giáo viên phổ thông phải có một số chứng chỉ theo quy định.

Các chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C trước đây bị khai tử, giáo viên lại phải đi học chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được quy định tại Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24/1/2014.

Các chứng chỉ tin học loại A,B,C trước đây được thay thế bằng chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản; chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT- BTTTT giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Thông tin và truyền thông quy định về việc thi và cấp chứng chỉ tin học.

Rồi các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng hạng giáo viên cũng được hướng dẫn cụ thể.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành văn bản hướng dẫn các trường đại học, các học viện, các trung tâm đào tạo được đào tạo và cấp chứng chỉ.

Thế rồi, các trường này lên kế hoạch, thông báo để gửi đến các Sở Giáo dục, các nhà trường và giáo viên khi nghe lãnh đạo thông báo, nói đến tầm quan trọng của các chứng chỉ này thì nhiều người lại sợ và đành phải tranh thủ bố trí thời gian, tiền bạc để đi học.

Chứng chỉ nào cũng phải đóng tiền, ít như chứng chỉ tin học thì cũng 5-7 trăm ngàn, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng trên 2 triệu đồng, chứng chỉ ngoại ngữ thì có nơi đào tạo và cấp chứng chỉ lên đến 5-6 triệu đồng.

Nhiều nơi, còn ra văn bản bắt buộc giáo viên phải tham gia học chứng chỉ, chẳng hạn như năm học 2018-2019 thì Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã làm công văn bắt buộc hơn 1.000 giáo viên trong biên chế ở địa phương phải đăng ký đi học, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, để hoàn thiện được các chứng chỉ theo quy định của ngành thì nhiều giáo viên phải tốn kém đến hàng chục triệu đồng. Bởi, một lẽ giản đơn là nhiều giáo viên đều sợ bị tinh giản biên chế, bị đẩy xuống hạng giáo viên thấp nhất.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Điều đáng chú ý là văn bản này thì Bộ Nội vụ đã đề nghị bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và giảm 2 loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (hiện nay là 3) cho giáo viên.

Đây là tin đáng mừng nhưng nếu nhìn lại những năm qua thì đội ngũ giáo viên trên cả nước đã phải bỏ ra cả hàng ngàn tỉ đồng để học các chứng chỉ theo quy định của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục.

Rõ ràng, thị trường chứng chỉ dành riêng cho giáo viên những năm qua khá lớn, chỉ cần Bộ ban hành 1 văn bản cũng khiến cho hàng triệu người phải…liêu xiêu.

Các loại sách của học sinh cũng được khai thác triệt để

Bộ sách lớp 6 cho năm học tới có 15 cuốn bài tập (Ảnh chụp từ website Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam)

Bộ sách lớp 6 cho năm học tới có 15 cuốn bài tập

(Ảnh chụp từ website Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam)

Không chỉ khai thác việc đào tạo, cấp chứng chỉ cho giáo viên mà những năm qua thì câu chuyện sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo dành cho học sinh phổ thông cũng đã được nói khá nhiều.

Nếu như chương trình năm 2000 nổi lên chuyện sách giáo khoa dùng một lần, cùng lúc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa như sách năm 2000, sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục với rất nhiều lần tăng giá, chỉnh sửa, bổ sung khiến cho những học sinh lớp sau không dùng được sách năm trước, nhất là sách VNEN.

Sang chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà xuất bản lấy lý do là sách xã hội hóa nên giá cao vì các đơn vị này đã phải chi phí cho việc in màu, giấy khổ lớn, rồi tập huấn, thực nghiệm….nên bộ sách lớp 1 năm học vừa qua đã cao hơn gần 4 lần so với sách cũ.

Năm nay, chương trình mới sẽ thực hiện ở lớp 2 và lớp 6 và giá sách giáo khoa vẫn được phản ánh là cao hơn rất nhiều so với sách năm 2000.

Bây giờ, sách nào cũng có sách tham khảo, sách bài tập, sách thực hành. Ngay cả các môn như Đạo đức (tiểu học), Giáo dục công dân (trung học cơ sở), Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm… cũng đều có sách bài tập.

Bộ sách lớp 6 đang được chào bán trên mạng xã hội có tới 30 cuốn sách bởi mỗi đầu sách giáo khoa luôn có nhiều sản phẩm đi kèm như: vở bài tập, sách thực hành…

Bộ sách lớp 6 đang được chào bán trên mạng xã hội của giáo viên (Ảnh chụp từ màn hình)

Bộ sách lớp 6 đang được chào bán trên mạng xã hội của giáo viên

(Ảnh chụp từ màn hình)

Không biết, học sinh có đủ thời gian để lật giở hết các trang sách bài tập hay không nhưng có thể rồi đây với rất nhiều lý do thì phụ huynh cứ phải mua các loại sách này.

Bởi, hàng chục năm qua, “không hiểu lý do gì” mà sách tham khảo, sách bổ trợ vẫn được bán tại các nhà trường, nhất là cấp tiểu học. Khi phụ huynh phản ánh, báo chí vào cuộc, Bộ lên tiếng chỉ đạo, quán triệt…rồi lại thôi, năm sau lại vẫn vậy.

Ngay từ lớp 1 mà học sinh đã phải học gần chục môn học, với khoảng gần 20 cuốn sách, càng lên cao, sách càng nhiều và đương nhiên là chi phí mà phụ huynh bỏ ra cũng rất lớn nhưng nhiều cuốn sác đang được thiết kế và sử dụng rất lãng phí.

Lãng phí, bất cập là điều mà chúng ta đã thấy rất rõ trong những năm qua nhưng những bất cập và hạn chế này vẫn tồn tại một cách bất biến trong ngành giáo dục.

Rốt cuộc, ai được hưởng lợi, ai chịu thiệt thòi thì bạn đọc dễ dàng nhìn thấy và thực tế mọi người đã nhìn thấy hàng chục năm này rồi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH