Thầy cô học đại học nhưng phải nhận lương trung cấp là không công bằng

04/05/2019 06:17
TẤN TÀI
(GDVN) - Nhiều giáo viên phản ánh việc sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng sau khi vượt qua kỳ thi tuyển, đi dạy thì phải hưởng mức lương bậc trung cấp.

Ngày 3/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tiếp xúc cử tri ngành giáo dục về dự án luật giáo dục (sửa đổi). Qua đó lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đội ngũ ngành giáo dục địa phương.

Bỏ quy định “học Đại học nhận lương trung cấp”

Một vấn đề nóng được các thầy, cô, các trưởng phòng giáo dục quan tâm, đóng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc lần này là chế độ chính sách tiền lương dành cho giáo viên mầm non và tiểu học.

Thầy Cáp Phi Hà – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đỗ Thúc Tịnh góp ý về Luật giáo dục sửa đổi. Ảnh: TT
Thầy Cáp Phi Hà – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đỗ Thúc Tịnh góp ý về Luật giáo dục sửa đổi. Ảnh: TT

Bởi trong vấn đề, Luật giáo dục vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa sát với thực tiễn, gây ra nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo viên.

Theo bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu thì theo điều 73 của Luật giáo dục (sửa đổi) thì trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo đối với giáo viên mầm non và tiểu học phải là Đại học.

Tuy nhiên, khi thi tuyển vào thì những người này phải hưởng mức lương giáo viên hạng 4 (hệ số 1,86), dù rằng trình độ của họ là Đại học (hệ số 2,34).

Chuẩn bị báo cáo Quốc hội dự thảo Luật giáo dục sửa đổi

(Bởi chiếu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ tại các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập thì dù thí sinh có tốt nghiệp Đại học thì cũng chỉ được xếp loại là giáo viên tiểu học hạng IV, hệ số 1,86 – pv).

Bà Hà cho rằng, đây là một điều rất thiệt thòi cho các giáo viên. Thực tế có nhiều trường hợp trúng tuyển nhưng không đến nhận công việc do hệ số lương quá thấp so với trình độ.

Trước đó, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cũng đã phải hủy nhiều kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục nhưng không đến nhận công tác. Các thí sinh này đều có trình độ Đại học và trúng tuyển vị trí giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Minh Nghĩa – Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, thực tế các giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cử nhân nhưng phải nhận lương trung cấp khá nhiều.

Bởi ngay từ khâu tuyển dụng thì đã đặt ra yêu cầu giáo viên phải có trình độ đại học nhưng đến khi trúng tuyển, đi dạy thì lại trả mức lương hệ số trung cấp.

Đó là những quy định bất cập, gây khó khăn cho đời sống giáo viên nên ông Nghĩa kiến nghị phải hủy bỏ các quy định vô lý này.

Luật cần quan tâm đội ngũ cấp dưỡng, nhân viên văn phòng

Một thực tế tại các trường học hiện nay là đội ngũ nhân viên cấp dưỡng, nhân viên văn phòng chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ này đang phải nhận mức lương khá thấp, không có các khoản trợ cấp hỗ trợ nên đời sống khó khăn.

Nỗi khổ của giáo viên học Đại học… phải nhận lương trung cấp, cao đẳng

Bà Hà kiến nghị, đối với giáo dục mầm non thì có thêm nhiệm vụ nuôi dưỡng và bộ phận cấp dưỡng cũng được xem là bộ phận chính.

Trong khi đó quy định về vị trí việc làm không rõ đối với đối tượng này, nên rất khó việc xác định tiền lương và chế độ chính sách liên quan. Đề nghị đưa đối tượng này vào đội ngũ giáo viên mầm non – bà Hà nói.

Cô Tạ Mỹ Trâm – Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Nhung (quận Thanh Khê) chia sẻ: “Chúng tôi vẫn còn một số vấn đề băn khoăn đối với đội ngũ cấp dưỡng trường mầm non.

Hiện nay, các trường mầm non công lập thì tiền lương của đội ngũ cấp dưỡng được trích ra từ tiền bán trú của học sinh. Nhưng mức tiền lương này không đảm bảo đời sống cho đội ngũ cấp dưỡng nên việc tìm kiếm, tuyển chọn nhân viên cấp dưỡng rất khó khăn”.

Cô Trâm cho rằng, cần phải có quy định rõ ràng về đội ngũ cấp dưỡng trong trường học để đảm bảo hoạt động, chi trả tiền lương cho đội ngũ này.

Thầy Cáp Phi Hà – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đỗ Thúc Tịnh (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, về dự thảo luật giáo dục (sửa đổi) thì chưa chú ý đến đội ngũ nhân viên văn phòng trong nhà trường.

“Hiện mức lương của cả tổ nhân viên trong văn phòng cộng lại không bằng một giáo viên. Bởi họ không có chế độ phụ cấp nào cả, ngoài mấy đồng công tác phí.

Trong khi giáo viên còn có tiền đứng lớp, tiền hỗ trợ này kia… Trong khi đội ngũ văn phòng cũng rất quan trọng, họ hỗ trợ rất nhiều cho công tác dạy học và hoạt động của nhà trường.

Chính những người này giải quyết chế độ cho giáo viên nhưng ngược lại họ lại không có chế độ gì”. Do đó, thầy Hà kiến nghị Luật cần quan tâm đến đội ngũ này nhiều hơn, bên cạnh đội ngũ nhà giáo.

TẤN TÀI