Thầy cô gồng mình với gánh nặng hồ sơ sổ sách

15/05/2016 07:39
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nếu đổi mới phương pháp dạy học mà không đổi mới gánh nặng hồ sơ sổ sách cho giáo viên thì hiệu quả mang lại không được như mong muốn.

LTS: Khi năm học 2015-2016 chuẩn bị kết thúc, thời gian này thầy cô giáo trên cả nước đang cuống cuồng với nhiều loại hồ sơ sổ sách, hôm nay, cô giáo Đỗ Quyên nêu lên áp lực đó và tác giả muốn nhắn nhủ rằng đã đến lúc giảm gánh nặng cho giáo viên, các trường cần giảm bớt hồ sơ, sổ sách không cần thiết.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của cô. 


Đến thời điểm này, các trường học trong cả nước chuẩn bị kết thúc chương trình năm học 2015-2016. Không ít trường đã thi cuối học kì xong, nhiều học sinh đã được “xả hơi” sau một năm học mệt mỏi và căng thẳng. 

Đây cũng là lúc, thầy cô giáo mới bắt đầu bước vào “cuộc chiến mới”, cuộc chiến với đống hồ sơ sổ sách mà bất cứ ai nhìn vào cũng thấy “hoa mày chóng mặt”.

Thế rồi hàng ngày lên lớp, giáo viên giao bài tập cho học sinh ngồi làm (chủ yếu để các em không nói chuyện) để thầy cô giáo có thời gian hoàn thành các loại hồ sơ. 

Gánh nặng hồ sơ sổ sách làm giảm chất lượng giảng dạy (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Gánh nặng hồ sơ sổ sách làm giảm chất lượng giảng dạy (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Ngoài việc chấm điểm, vào điểm bài kiểm tra, lên danh sách học sinh được khen thưởng, làm bảng tổng hợp thi đua, hoàn thành lịch báo giảng, thiết kế bài dạy, ghi sổ báo đồ dùng dạy học, làm phiếu tự nhận xét đánh giá xếp loại giáo viên, chuyển phiếu nhận xét của giáo viên về khu phố nơi cư trú, nộp cải tiến phương pháp giảng dạy, nhận xét đánh giá học sinh trên phần mềm vnEdu, vào học bạ…

Để làm được những việc này, thầy cô cứ quay cuồng như con thoi, làm ngày không kịp, đêm về lại vật vã cho xong. Chỉ tính mỗi việc ghi học bạ cũng thấy vô cùng mệt mỏi, bởi viết sái cổ tay cũng mất vài buổi mới xong vài chục học sinh. 

Thầy cô gồng mình với gánh nặng hồ sơ sổ sách ảnh 2

Ai chia sẻ nỗi khổ này với chúng tôi?

(GDVN) - Giảm công việc sổ sách, bố trí thời gian nghỉ lễ hợp lý sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian, động lực để tâm huyết với nghề.

Nhiều thông tin được lặp đi lặp lại như họ tên, năm học, lớp, trường, tên cha mẹ, nơi ở…Rồi năng lực, phẩm chất mỗi nội dung có nhiều tiêu chí… buộc giáo viên phải ghi đầy đủ. 

Trong khi đó, việc nhận xét đánh giá học sinh trên phần mềm vnEdu từng tháng đã quá rõ ràng, mọi thông tin của các em như vừa nêu ở trên cũng được lưu đầy đủ ở phần mềm theo dõi. 

Ai cũng nghĩ, sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý học sinh thì thầy cô sẽ nhàn hơn một chút, ít nhất là đỡ phải viết tay. Nhưng hóa ra không phải thế, chỉ là “đẻ thêm việc” bởi ngoài sổ theo dõi học sinh hàng tháng ở phần mềm, cuối năm thầy cô vẫn  phải viết, phải phê vào học bạ mà trong đó có khá nhiều nội dung được lập lại đã được lưu ở phần mềm theo dõi.

Có thể nói, công việc hồ sơ sổ sách đang chiếm hết thời gian dạy dỗ của giáo viên. Người được xem là làm giỏi, nhiệt tình với công việc là người nộp các hồ sơ sổ sách đúng thời gian quy định và làm cẩn thận không bị sai sót. Trong khi đó, công việc giảng dạy mới là vấn đề chính lại thường bị xem nhẹ. 

Giáo viên tiểu học hiện đang phải đi dạy với tần suất 10 buổi/tuần, dù tiêu chuẩn tiết dạy của họ cũng tính bằng tiết như giáo viên ở các bậc học khác.

Nhưng với sự sắp xếp thời khóa biểu rải đều các ngày trong tuần thì thời gian đâu để họ hoàn thành đống hồ sơ sổ sách như thế nếu không “ăn bớt” thời gian dạy dỗ của các em?

Đổi mới phương pháp dạy học nhưng không đổi mới gánh nặng hồ sơ sổ sách cho giáo viên thì hiệu quả mang lại không được như mong muốn.

Đỗ Quyên