Thầy cô giáo muốn Thời khóa biểu của mình luôn đẹp thì học sinh phải chịu khổ

11/05/2017 08:34
Thiên Ấn
(GDVN) - Thời khóa biểu trước hết phải vì học sinh, luôn đảm bảo tính khoa học, phù hợp với tâm lý, khả năng tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của các em ở từng cấp học.

LTS: Phản ánh thực tế về việc phân bổ Thời khóa biểu cho học sinh và giáo viên, thầy giáo Thiên Ấn cho rằng việc này cần ưu tiên đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.

Bởi nếu giáo viên nào cũng muốn Thời khóa biểu của mình đẹp thì các em học sinh lại là người phải chịu khổ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời trước đây, công nghệ thông tin chưa phát triển, việc phân chia Thời khóa biểu của nhà trường đều phải làm bằng thủ công, người, bộ phận được giao nhiệm vụ này khá vất vả và tốn kém thời gian. 

Còn nay, nhờ sự hỗ trợ của các phần mền tin học, người làm chỉ cần một số thao tác xử lý là có ngay Thời khóa biểu dạy học cho cả nhà trường. 

Nếu ở bậc tiểu học, thời khóa biểu ít bị thay đổi, vì số môn học không nhiều, mỗi lớp học chủ yếu có 1 giáo viên đảm nhiệm toàn bộ (trừ môn Ngoại ngữ, Tin học, Thể dục, Nhạc họa) thì ở bậc trung học phổ thông, thời khóa biểu liên tục thay đổi, mỗi học kỳ có đến hàng chục lần đổi, do số môn học nhiều (13 môn học, chưa kể Nghề phổ thông lớp 11, Hoạt động Ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp nghề), giáo viên lại dạy đơn môn… 

Có giáo viên thiếu tập trung, ít chú ý đến thời khóa biểu thay đổi nên hay quên tiết, nhầm thời khóa biểu, lớp học, các em bị mất tiết, thầy cô giáo buộc phải dạy bù.

Lâu nay, câu chuyện phân công Thời khóa biểu của nhà trường cũng có lắm vấn đề phức tạp nảy sinh. 

Việc phân chia thời khóa biểu cần ưu tiên đảm bảo tính hợp lý cho học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: Tuoitre.vn)
Việc phân chia thời khóa biểu cần ưu tiên đảm bảo tính hợp lý cho học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: Tuoitre.vn)

Về mặt tâm lý, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông nào cũng mong Thời khóa biểu của mình “thật đẹp”, chỉ gọn trong vài buổi dạy thôi (có thời gian nghỉ ngơi, ở nhà làm nhiều việc khác, kể cả dạy thêm), ít có giờ dạy ở tiết 1 (để đi dạy thong thả hơn) và tiết 5 (để đỡ mệt mỏi vì thời tiết nắng, nóng). 

Nếu nhà trường, người, bộ phận xử lý Thời khóa biểu rải ra quá nhiều buổi, toàn những tiết “ngặt” thì thầy cô giáo giãy nảy, khó chịu, bực bội ra mặt, bảo nhà trường, người đó, thầy kia làm khó, không ưa mình. 

Đúng có một số ít bộ phận, người xử lý ghét giáo viên, không biết điều với mình nên cố tình chia Thời khóa biểu cho khó chơi, bắt phải đi suốt cả tuần. 

Cũng có giáo viên rất tâm lý, biết được ý của người làm Thời khóa biểu nên hay chuyện trò, gần gũi, gặp gỡ và gửi gắm để họ chia cho mình những Thời khóa biểu “đẹp nhất”. 

Thầy cô giáo muốn Thời khóa biểu của mình luôn đẹp thì học sinh phải chịu khổ  ảnh 2

Thời khóa biểu kỳ quặc và câu chuyện vượt 20 km tới trường chỉ dạy 1 tiết rồi về

(GDVN) - Việc phân công tiết dạy dàn trải như hiện nay để buộc giáo viên Tiểu học phải đi dạy hết tuần đã và đang làm lãng phí nhiều thời gian lao động của các thầy cô.

Thời khóa biểu của giáo viên “sướng”, “đẹp” bao nhiêu thì Thời khóa biểu học tập của các em học sinh lại bị khổ sở bấy nhiêu. 

Có buổi, học toàn môn khoa học tự nhiên, nặng tính toán. Có buổi, học toàn môn khoa xã hội, ghi chép mỏi tay. 

Các môn có nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ tiếng Anh thì dồn dạy trong 2 buổi liên tiếp là xong. 

Thứ hai, hai tiết Toán, thứ ba lại có 1 tiết Toán, gặp đúng giáo viên nguyên tắc, yêu cầu làm bài nhiều, học sinh thấy đuối và nản ngay. 

Không ít tập thể lớp và phụ huynh từng phản ánh và kiến nghị với nhà trường về việc chia, phân bố Thời khóa biểu thiếu hợp lý, chỉ ưu tiên “lợi ích” của thầy cô giáo mà chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi chính đáng của người học.

Có nhiều yếu tố để tạo nên chất lượng giáo dục của nhà trường, trong đó không thể không nói đến cách chia Thời khóa biểu cho mọi hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động dạy và học. 

Thời khóa biểu trước hết phải vì học sinh, luôn đảm bảo tính khoa học, phù hợp với tâm lý, khả năng tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của các em ở từng cấp học. 

Thời khóa biểu chỉ toàn làm hài lòng, thỏa mãn mọi mong muốn của giáo viên thì làm sao các em hết mệt mỏi, căng thẳng, áp lực… khi đến trường, lớp đây? 

Thiên Ấn