Thầy cô bán hàng online coi chừng bị kỷ luật!

16/12/2019 07:36
Lê Mai
(GDVN) - Khi bán hàng trên mạng xã hội, mặt trái của vấn đề đã bộc lộ, đặc biệt là khi thầy cô lên lớp, hội họp v.v...

Cuộc sống giáo viên không dạy thêm được còn gặp nhiều khó khăn. "Trong cái khó ló cái khôn", không ít thầy cô giờ đây là “cao thủ” trong làng bán hàng online trên mạng xã hội.

Thực tế, nhiều thầy cô cải thiện cuộc sống, sắm được xe, có người còn mua được cả… nhà.  

Thế nhưng, khi bán hàng trên mạng xã hội, mặt trái của vấn đề đã bộc lộ, đặc biệt là khi thầy cô lên lớp, hội họp v.v... 

Để kịp thời tương tác với “khách yêu”, tăng doanh số, giáo viên đều để điện thoại ở chế độ online mạng xã hội; đang dạy, nghe “tít tít” lại “bẩn phó, cày mấm”; đang họp hay học, màn hình bao giờ cũng sáng, đảm bảo “tâm sáng, máy như tâm”. 

Thế mới có chuyện vui, học trò tả cô giáo “Cô em nhanh như sóc, vừa dạy vừa bấm điện thoại lia lịa; cô đọc thơ hay ơi là hay, trong sách không có nhưng cô đọc “giá giảm cạch sàn/ lấy một tặng hai/ tính tiền ba cái…”. 

Giáo viên bán hàng online có vi phạm pháp luật không? (Ảnh mang tính minh hoạ: thehekhoinghiep.com)
Giáo viên bán hàng online có vi phạm pháp luật không? (Ảnh mang tính minh hoạ: thehekhoinghiep.com)

Giáo viên bán hàng online có vi phạm pháp luật không? 

Trả lời ngay, là không; tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nêu rõ, viên chức là đối tượng không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Giáo viên không được thành lập doanh nghiệp, nhưng bán hàng online không đồng nghĩa với thành lập doanh nghiệp, cũng không thuộc những trường hợp bị cấm đối với viên chức. 

Do đó, giáo viên hoàn toàn có thể bán hàng online.

Thế tại sao thầy cô bán hàng online coi chừng bị kỷ luật!

Trong Chỉ thị 26 ngày 05/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ thị quy định: Viên chức không được sử dụng thời giờ làm việc (hành chính) để làm việc riêng; với giáo viên có thể coi là trong khi lên lớp, hội họp, học tập trung, coi thi, chấm thi.

Trong Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu giáo viên: Không được sử dụng điện thoại di động, làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương và nghề nào mới là nghề chính?
Bao giờ giáo viên sống được bằng lương và nghề nào mới là nghề chính?

Bán hàng online không thuộc trường hợp bị cấm đối viên chức nói chung, giáo viên nói riêng.

Tuy nhiên, nếu bán hàng online được thực hiện trong giờ dạy, coi thi, chấm thi, hội họp, học tập là hành vi vi phạm pháp luật.

Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định mức độ kỷ luật với viên chức: 

- Khiển trách: Nếu bị người có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;

- Cảnh cáo: Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng;

- Buộc thôi việc: Nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Dạy học bây giờ được coi là nghề nguy hiểm, việc quán xuyến lớp học phải đặt lên hàng đầu, chỉ cần giáo viên mất tập trung, mọi chuyện đều có thể xảy ra. 

Vì vậy trót mang nghiệp giáo vào thân, nếu có bán hàng online, xin thầy cô hãy chấp hành quy định của pháp luật; tuyệt đối không mở máy bán hàng khi đang trong tiết dạy, hội họp… vừa thể hiện phẩm chất nhà giáo, vừa tự trọng kẻo mang họa vào thân. 

Với công nghệ ngày nay, “mắt thần” có khắp nơi, nếu xuất hiện clip giáo viên sử dụng điện thoại, bán hàng online trong giờ lên lớp, hậu quả sẽ “khôn lường”.

Tài liệu tham khảo: 

1: luatvietnam.vn/can-bo/nghi-dinh-27-2012-nd-cp-chinh-phu-69506-d1.html#noidung

 2: luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-16-2008-qd-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-35362-d1.html#noidung   

3: luatvietnam.vn/hanh-chinh/chi-thi-26-ct-ttg-thu-tuong-chinh-phu-108029-d1.html#noidung    

4: luatvietnam.vn/chinh-sach/luat-58-2010-qh12-quoc-hoi-57541-d1.html                                                             

Lê Mai