Thầy Bùi Nam nhận xét Thông tư 22 rất tiến bộ, tiếp thu đa số ý kiến thầy cô

21/08/2021 07:45
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT mới được ban hành đã rất tiến bộ, tiếp thu đa số ý kiến của giáo viên về việc nhận xét, đánh giá học sinh.

Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021.

Thông tư này có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, hợp lý ghi nhận và đã có sửa đổi, loại bỏ những nội dung bất cập, hình thức, không phù hợp đúng như lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã hứa sẽ giải tỏa bớt áp lực, hình thức để tiến tới dạy thật, học thật.

Cảm ơn Bộ về việc quy định nhận xét mới

Theo quy định tại Thông tư 22, thực hiện đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 1 trong 2 mức: Đạt, Chưa đạt.

Với đánh giá bằng nhận xét, giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.

Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn học nói trên.

Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

Điểm đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

Giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh. Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

Như vậy, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT mới được ban hành đã rất tiến bộ, tiếp thu đa số ý kiến của giáo viên về việc nhận xét, đánh giá học sinh, có thể dùng lời nói hoặc viết để nhận xét học sinh, giáo viên không phải bơ phờ, mệt mỏi, vất vả vì việc đánh giá học sinh như ở Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT) quy định giáo viên phải nhận xét học sinh bằng điểm số, nhận xét (ngoại trừ môn Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật), gây áp lực cực lớn lên giáo viên.

Việc quy định mới giáo viên chỉ cần dùng hình thức lời nói hoặc viết nhận xét trong các bài kiểm tra kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì,… mà có thể không cần ghi hàng trăm nhận xét trên giấy, phần mềm cho các học sinh như hiện nay.

Một lần nữa xin cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu, giáo viên sẽ bớt việc hình thức, áp lực.

Tiến bộ trong đánh giá kết quả học tập và rèn luyện học sinh

Kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Mức Tốt: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên; trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 8,0 điểm trở lên.

Mức Khá: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên.

Mức Đạt: Có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt. Có ít nhất 6 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm dưới 3,5 điểm.

Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Mức Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông và có nhiều biểu hiện nổi bật.

Mức Khá: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông và có biểu hiện nổi bật nhưng chưa đạt được mức Tốt.

Mức Đạt: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Mức Chưa đạt: Chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Kết quả rèn luyện của học sinh cả năm học được quy định như sau:

Mức Tốt: học kì II được đánh giá mức Tốt, học kì I được đánh giá từ mức Khá trở lên.

Mức Khá: học kì II được đánh giá mức Khá, học kì I được đánh giá từ mức Đạt trở lên; học kì II được đánh giá mức Đạt, học kì I được đánh giá mức Tốt; học kì II được đánh giá mức Tốt, học kì I được đánh giá mức Đạt hoặc Chưa đạt.

Mức Đạt: học kì II được đánh giá mức Đạt, học kì I được đánh giá mức Khá, Đạt hoặc Chưa đạt; học kì II được đánh giá mức Khá, học kì I được đánh giá mức Chưa đạt.

Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Như vậy quy định mới đã rất nhân văn, tiến bộ không quy định học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu, kém là một việc làm vô cùng hợp lý, phù hợp với việc đánh giá hiện nay, cả phần đánh giá kết quả học tập, rèn luyện đều chỉ quy định các mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt là hết sức hợp lý.

Quy định mới về danh hiệu khen thưởng học sinh

Theo đó, khoản 1 Điều 15 Thông tư 22 quy định về khen thưởng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc”như sau:

- Khen thưởng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với những học sinh có đồng thời:

+ Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá ở mức Tốt;

+ Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá ở mức Tốt;

+ Có ít nhất 06 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên.

Khen thưởng danh hiệu “Học sinh Giỏi” đối với những học sinh có đồng thời:

+ Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá ở mức Tốt;

+ Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá ở mức Tốt;

Đồng thời quy định khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong học tập và rèn luyện

Ngoài ra, quy định về điều kiện được lên lớp của học sinh tại Thông tư 22 cũng có sự thay đổi. Theo đó, học sinh có đủ các điều kiện sau đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm:

- Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên;

- Kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên;

- Nghỉ không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ có phép và không phép, nghỉ liên tục hoặc không liên tục).

Kiến nghị áp dụng cho các lớp còn lại

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/9/2021 và thay thế Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT với lộ trình áp dụng như sau:

- Từ năm 2021-2022 đối với lớp 6.

- Từ năm 2022-2023 đối với lớp 7 và 10

- Từ năm 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11

- Từ năm 2024-2025 đối với lớp 9 và 12.

Thông tư mới có rất nhiều điểm mới, hay tiến bộ về đánh giá xếp loại học sinh, cũng không còn phân biệt môn chính, môn phụ nên xin được kiến nghị không chỉ áp dụng cho lớp 6 mà nên áp dụng cho tất cả các lớp từ lớp 7-12 ngay trong năm học này.

Tài liệu tham khảo: Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM