Thanh, kiểm tra chuyên môn nhẹ nhàng, nhà trường và giáo viên phấn khởi

08/05/2022 06:17
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một khi cấp sở, phòng giáo dục cùng với nhà trường đơn gian hóa việc hồ sơ sổ sách và đổi mới công tác thanh, kiểm tra thì áp lực của giáo viên sẽ được giảm bớt.

Từ lâu, mỗi khi nhắc đến việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn của sở, phòng giáo dục là tâm lí chung của nhiều Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên có phần ít thiện cảm bởi một số người vẫn lo lắng sẽ bị cán bộ thanh tra “vạch lá tìm sâu”.

Chính vì thế, mỗi khi có kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cấp trên gửi xuống các nhà trường thì nhiều người có tâm lí lo lắng và tất bật chuẩn bị kĩ càng, nhất là các loại kế hoạch, hồ sơ sổ sách và đầu tư cho tiết dạy nhiều hơn.

Tuy nhiên, đơn vị chúng tôi vừa đón đoàn thanh tra chuyên môn cuối năm của phòng giáo dục thì mọi thứ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều những năm trước đây. Công tác thanh tra chỉ tập trung vào ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn.

Việc dự giờ giáo viên cũng chỉ dừng lại ở rút kinh nghiệm và tư vấn cho giáo viên chứ không xếp loại như mọi năm. Vì thế, kế hoạch thanh tra cũng được rút ngắn lại mà tâm lí giáo viên cũng cảm thấy thoải mái hơn trước đây rất nhiều.

Đổi mới công tác thanh, kiểm tra sẽ giảm được áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên (Ảnh minh họa, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.)

Đổi mới công tác thanh, kiểm tra sẽ giảm được áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên

(Ảnh minh họa, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.)

Sự chủ động của nhà trường và những thay đổi của công tác thanh tra chuyên môn

Không phải đợi đến khi có kế hoạch thanh tra chuyên môn của phòng giáo dục thì nhà trường mới đốc thúc giáo viên chuẩn bị hồ sơ sổ sách nhằm đối phó với đoàn mà Ban giám hiệu nhà trường - nơi chúng tôi đang công tác (một tỉnh ở phía Nam) luôn thể hiện sự chủ động trong mọi kế hoạch.

Các kế hoạch đầu năm của tổ chuyên môn, giáo viên được Ban giám hiệu nhà trường phê duyệt cẩn thận. Kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên được tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phê duyệt 2 tuần/ tháng theo kế hoạch.

Hình thức duyệt giáo án đối với giáo viên năm nay cũng đa dạng. Giáo viên có thể in nộp, cũng có thể gửi file Word, PDF qua email hoặc zalo theo quy định và được tổ chuyên môn lưu giữ cẩn thận.

Việc kiểm tra, vào điểm của giáo viên cũng được thực hiện theo kế hoạch đã ban hành từ đầu năm học và thể hiện rõ trên bảng điểm cá nhân, phần mềm điện tử. Những giáo viên nào vào điểm chậm trễ thì được tổ trưởng chuyên môn nhắc nhở kịp thời.

Hàng tháng, nhà trường có kế hoạch kiểm tra nội bộ đối với một số giáo viên nên mọi kế hoạch, hồ sơ được nhà trường và tổ trưởng chuyên môn phê duyệt và lưu trữ cẩn thận. Hồ sơ sổ sách của giáo viên vì thế cũng đầy đủ theo quy định của ngành, của nhà trường.

Chính vì thế, khi phòng giáo dục thông báo lịch kiểm tra cho đơn vị vào cuối giờ chiều hôm trước là nhà trường thông báo giáo viên mang hồ sơ vào trường nộp trước 7 giờ sáng ngày hôm sau.

Khi đoàn thanh tra về trường, trưởng đoàn công bố các thành viên, nhiệm vụ của các cán bộ thanh tra thì ai vào việc đó. Các cán bộ phòng, một số thành viên là ban giám hiệu nằm trong đoàn thì kiểm tra công tác chỉ đạo, các kế hoạch của Ban giám hiệu nhà trường.

Các thành viên hội đồng bộ môn thì gặp các tổ trưởng chuyên môn các tổ để kiểm tra công tác chuyên môn. Việc phối hợp nhịp nhàng giữa người kiểm tra và người được kiểm tra đã tạo ra sự hiệu quả của công việc.

Bởi, khi các thành viên của đoàn thanh tra cần kế hoạch nào, hồ sơ nào thì ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn sẽ trình kế hoạch đó. Từ kế hoạch chuyên môn của tổ đến kế hoạch của giáo viên, và giáo án, sổ điểm được kiểm tra tuần tự, khoa học.

Các thành viên nằm trong hội đồng bộ môn kết hợp với tổ trưởng chuyên môn của nhà trường dự giờ 2 giáo viên trong tổ theo thời khóa biểu trong ngày và sau đó rút kinh nghiệm tiết dạy.

Công việc thanh tra diễn ra nhanh chóng, gọn gàng nhưng hiệu quả nên kế hoạch thanh tra 1 ngày xuống còn một buổi và được tổng kết ngắn gọn ở cuối buổi với những ưu điểm, hạn chế của nhà trường một cách rõ ràng, cụ thể.

Chính vì thế, ban giám hiệu nhà trường, các tổ trưởng chuyên môn cũng cảm thấy thoải mái, không áp lực giống như những năm trước đây.

Rõ ràng, nếu như các trường có sự chủ động, thực hiện bài bản ngay từ đầu năm học theo đúng các hướng dẫn của ngành và công tác thanh tra trọng tâm, trọng điểm, xem trọng hiệu quả công việc hơn là hình thức, bắt bẻ thì việc thanh tra trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Hồ sơ sổ sách, thanh tra bám vào hướng dẫn của ngành thì mọi thứ sẽ bớt đi áp lực cho giáo viên

Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các nhà trường luôn có rất nhiều đầu công việc như tài chính, quản lý nhân sự, chuyên môn, phổ cập, ngoài giờ…và đây là công việc thường xuyên của ngành giáo dục.

Đặc biệt, trong bối cảnh ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở những năm đầu tiên nên việc tổ chức thanh, kiểm tra chuyên môn đối với các nhà trường cũng là những việc làm cần thiết nhằm bám sát việc thực hiện giảng dạy chương trình mới ở các đơn vị cơ sở.

Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra cần hướng tới trọng tâm, đúng hướng dẫn, không cứng nhắc, máy móc và nặng về hình thức thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng.

Bởi, theo hướng dẫn của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT- Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì đối với giáo viên, chỉ bao gồm các loại sau: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Như vậy, đối với những giáo viên dạy lớp không kiêm nhiệm công tác khác chỉ có 3 loại kế hoạch và thông thường nhà trường sẽ yêu cầu thêm sổ dự giờ nữa.

Những thầy cô kiêm nhiệm thêm tổ trưởng chuyên môn thì có thêm Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học) và Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì những thầy cô là tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện thêm một số kế hoạch cần thiết khác như kế hoạch ôn tập học kỳ, kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu kém, kế hoạch ôn tuyển sinh…

Chính vì thế, nếu như ngành, trường không máy móc thì hồ sơ sổ sách của giáo viên không phải là quá nhiều và thực hiện đúng theo hướng dẫn thì không phải là quá áp lực cho giáo viên. Song, quá trình thực hiện thì vẫn có trường “bội thực” về hồ sơ sổ sách.

Chính vì vậy, nếu các Ban giám hiệu nhà trường coi trọng thực chất chỉ cần áp dụng những hồ sơ bắt buộc đã được hướng dẫn ở Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và sẵn sàng đứng ra phản biện khi cấp trên yêu cầu những loại hồ sơ sổ sách ngoài quy định.

Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra chuyên môn của sở, phòng giáo dục cũng cần đổi mới hướng tới thực chất. Càng cấp trên càng cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành. Khi về cơ sở thanh, kiểm tra cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng và trọng tâm.

Một khi mà cấp sở, phòng giáo dục cùng với nhà trường đơn giản hóa việc hồ sơ sổ sách và đổi mới công tác thanh, kiểm tra thì áp lực của giáo viên sẽ được giải phóng về thời gian, công sức.

Nếu giáo viên có nhiều thời gian hơn thì họ sẽ đầu tư cho chuyên môn và điều quan trọng là họ không cảm thấy áp lực hoặc thiếu thiện cảm khi có thông báo phòng hoặc sở giáo dục về trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI