Thẩm định sách lớp 2, lớp 6 phải đúng quy trình, đừng đốt cháy giai đoạn

25/10/2020 06:10
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hội đồng thẩm định sách giáo khoa nên bổ sung thành viên là các giáo viên, đồng thời, quy trình thẩm định phải đảm bảo chặt chẽ theo đúng tuần tự các bước.

Mặc dù được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỉ lệ “Đạt” tuyệt đối nhưng khi đưa vào giảng dạy, sách giáo khoa lớp 1 môn Tiếng Việt bộ sách Cánh diều lại bị phản ứng gay gắt vì quá nhiều “sạn”, sai những lỗi cơ bản.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Thùy Linh

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Thùy Linh

Theo lộ trình, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6 trên cả nước. Nhiều người đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng về quá trình thẩm định, thực nghiệm những bộ sách mới này sau sự cố về sách giáo khoa lớp 1 năm nay.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 phải được tiến hành thẩm định nhiều lần, vừa thẩm định vừa thực nghiệm một cách chặt chẽ”.

Thẩm định sách giáo khoa gắn với thực nghiệm

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định rõ vai trò của Hội đồng thẩm định trong từng giai đoạn, từng quy trình cụ thể.

Đầu tiên, sau khi nhóm tác giả hoàn thành việc biên soạn sách, Hội đồng thẩm định sẽ làm việc để xem xét, kiểm tra sách giáo khoa đó có phù hợp với chương trình, thực tế hay không.

Nếu nhìn thấy những bất cập, những nội dung trong sách chưa phù hợp với chương trình, thực tiễn thì Hội đồng thẩm định phải làm việc, trao đổi lại với nhóm tác giả biên soạn.

Trong quá trình làm việc, nếu Hội đồng thẩm định và nhóm tác giả có những quan điểm trái chiều thì hai bên cần phải nghiêm túc nhìn nhận những sai sót để đi đến sự thống nhất và có những sửa đổi phù hợp.

Sau khi có bản chỉnh sửa, phải tiến hành thẩm định lại sách lần thứ 2. Nếu bộ sách không còn lỗi thì mới trình lên Bộ Giáo dục để chuẩn bị ban hành sách.

Đến giai đoạn này, Hội đồng thẩm định vẫn chưa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. Bởi lẽ, quá trình thẩm định phải kết hợp với quá trình thực nghiệm. Sau khi thực nghiệm và chỉnh sửa, sách giáo khoa vẫn cần thẩm định lại.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định: “Sách giáo khoa phải được thực nghiệm, phải đưa sách giáo khoa vào dạy thử ở một số trường.

Thực nghiệm giúp giáo viên phát hiện ra những lỗi sai, những điểm không phù hợp trong sách. Hội đồng thẩm định và nhóm tác giả sẽ tiếp thu và tổng hợp những ý kiến đó để có sự chỉnh sửa phù hợp.

Cuối cùng, sau khi được chỉnh sửa, Hội đồng thẩm định làm việc lần cuối và trình lên Bộ Giáo dục để ban hành bộ sách giáo khoa sử dụng đại trà trên phạm vi cả nước".

Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, thẩm định sách giáo khoa lớp 1 dù đã theo quy trình nhưng lại đốt cháy giai đoạn, sau khi thẩm định thì trình Bộ ban hành, hướng dẫn các địa phương và triển khai trên cả nước.

Khi sử dụng đại trà, người ta mới bắt đầu xem xét, phát hiện và phản ánh lỗi của sách.

Về việc Hội đồng thẩm định phủ nhận trách nhiệm và nói rằng mình đã đóng góp ý kiến nhưng nhóm tác giả không đồng ý chỉnh sửa sách, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn chia sẻ:

“Dù nhóm tác giả giữ ý kiến của họ nhưng Hội đồng thẩm định phải nhận ra trách nhiệm của mình, bởi vì họ chính là người gác cổng, họ không thể để lọt những sai sót như vậy.

Đối với những vấn đề mà thành viên trong Hội đồng thẩm định không giải quyết được thì cần trình lên Bộ để Bộ xử lý chứ không thể thực hiện rồi chối bỏ trách nhiệm”.

Thẩm định sách giáo khoa mới không nên đốt cháy giai đoạn (Ảnh: moet.gov.vn)

Thẩm định sách giáo khoa mới không nên đốt cháy giai đoạn (Ảnh: moet.gov.vn)

Không đốt cháy giai đoạn trong quá trình thẩm định sách giáo khoa

Liên quan đến việc thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cho năm học 2021 – 2022, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định: Phải tiến hành thẩm định sách đúng quy trình.

Sách giáo khoa cho lớp 2 trong năm học 2021 – 2022 sẽ tiếp nối chương trình mới đã triển khai ở lớp 1 năm nay. Chính vì vậy, không thể làm gián đoạn hay trì hoãn việc triển khai sách giáo khoa lớp 2 trong năm học tới.

Tuy nhiên, quá trình thẩm định, thực nghiệm sách vẫn phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhận định: “Từ thời điểm này đến đầu năm học 2021 – 2022, chúng ta còn 11 tháng, Hội đồng thẩm định và các tác giả cần phải lên phương án, kế hoạch cụ thể, tiến hành thẩm định lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba theo mốc thời gian đã ấn định.

Trước khi ban hành sách vẫn cần phải thực nghiệm, nếu không thực nghiệm ở lớp được thì nên mở ra một hội đồng thẩm định rộng rãi với sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn giáo viên để ghi nhận ý kiến và hạn chế tối đa những lỗi sai.

Cụ thể ví dụ như sau, từ thời điểm này đến tháng 12, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định sách lần thứ nhất, nếu có lỗi sai, cần thông tin đến tác giả để chỉnh sửa và thẩm định lại. Đến tháng 1 năm sau, tiếp tục lấy ý kiến của giáo viên cơ sở. Tháng 2 sẽ tập hợp ý kiến, rà soát, chỉnh sửa, thẩm định lại và trình lên Bộ. Đến tháng 4, chúng ta có thể in và phát hành sách”.

Riêng với sách giáo khoa mới lớp 6, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng quá trình thẩm định không nên đốt cháy giai đoạn, thẩm định gắn với thực nghiệm và nên thực nghiệm sách trong vòng 1 năm. Đồng thời, việc thực nghiệm phải được triển khai tại một số trường thuộc 7 vùng miền trên cả nước.

“Quá trình dạy trong một năm, chúng ta sẽ ghi nhận và tổng kết những ý kiến phản hồi về sách, sau đó, những người biên soạn sách sẽ có sự chỉnh sửa cần thiết, hội đồng thẩm định xem xét lại trước khi ban hành, như vậy mới đảm bảo đúng quy trình”, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng khẳng định vai trò của giáo viên dạy học tại các cơ sở trong việc thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa:

“Giáo viên là người thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới một cách sáng tạo, những đóng góp chia sẻ của họ là những ý kiến thiết thực và sát với thực tiễn.

Chính vì vậy, rất cần một hội đồng thẩm định mở rộng thành viên là những giáo viên giỏi đang dạy học tại các tỉnh, vùng miền của cả nước”.

Cũng theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải chú trọng thêm việc tập huấn cho giáo viên cũng như vấn đề đào tạo sư phạm trong các trường cao đẳng, đại học.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định: “Quá trình tập huấn cho giáo viên đang dạy học tại các trường là rất quan trọng. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên chú trọng quan tâm đưa chương trình mới, sách giáo khoa mới vào các trường đào tạo sư phạm hiện nay.

Vì đây là lực lượng giáo viên nòng cốt trong tương lai, đội ngũ giáo viên trẻ năng động, sáng tạo cho việc thực hiện đổi mới chương trình.

Ngay từ bây giờ, Bộ Giáo dục phải có một lộ trình cụ thể, đặc biệt đối với vấn đề đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào quá trình đào tạo của các trường sư phạm hiện nay”.

Phạm Minh